Hải Dương
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tỉnh Việt Nam |
|
Chính trị và hành chính | |
---|---|
Bí thư tỉnh ủy | Bùi Thanh Quyến |
Chủ tịch HĐND | Bùi Thanh Quyến |
Chủ tịch UBND | Phan Nhật Bình |
Địa lý | |
Tỉnh lỵ | Thành phố Hải Dương |
Miền | Đồng bằng sông Hồng |
Diện tích | 1.648,4 km² |
Các thị xã / huyện | 11 huyện |
Nhân khẩu | |
Số dân (2004) • Mật độ • Nông thôn • Thành thị |
1.698.300 người 1.030,3 người/km² 86% 14% |
Dân tộc | Việt, Hoa, Sán Dìu, Mường |
Mã điện thoại | 320 |
ISO 3166-2 | VN-61 |
Địa chỉ Web | [1] |
Hải Dương là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương nằm cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía tây, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía đông. Phía tây bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía đông giáp thành phố Hải Phòng, phía nam giáp tỉnh Thái Bình và phía tây giáp tỉnh Hưng Yên.
Mục lục |
[sửa] Các đơn vị hành chính
Hải Dương bao gồm 1 thành phố trực thuộc và 11 huyện:
- Thành phố Hải Dương
- Huyện Bình Giang
- Huyện Cẩm Giàng
- Huyện Chí Linh
- Huyện Gia Lộc
- Huyện Kim Thành
- Huyện Kinh Môn
- Huyện Nam Sách
- Huyện Ninh Giang
- Huyện Thanh Hà
- Huyện Thanh Miện
- Huyện Tứ Kỳ
[sửa] Lịch sử
Đời Hùng Vương xưa, Hải Dương là bộ Dương Tuyền; thời nhà Tần thuộc quận Nam Hải; thời nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ; thời nhà Ngô thuộc Giao Châu; nhà Đường đặt Hải Môn trấn, lại gọi là Hồng Châu.
- Nhà Đinh chia làm đạo; nhà Tiền Lê và nhà Lý cũng theo như nhà Đinh
- Nhà Trần đổi làm 4 lộ: Hồng Châu thượng, Hồng Châu hạ và Nam Sách thượng, Nam Sách hạ
- Năm Quang Thái thứ 10 (1397) vua Trần Thuận Tông đổi làm trấn Hải Đông
- Thời kỳ thuộc Minh (1407-1427), thuộc hai phủ Lạng Giang và Tân An; nhà Lê
- Năm Thuận Thiên (1428-1433) vua Lê Thái Tổ cho thuộc Đông Đạo
- Khoảng niên hiệu Diên Ninh (1454-1459) vua Lê Nhân Tông chia làm 2 lộ: Nam Sách thượng và Nam Sách hạ
- Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) vua Lê Thánh Tông đặt thừa tuyên Nam Sách; năm 1469, đổi làm thừa tuyên Hải Dương; năm Hồng Đức thứ 21 (1479) đổi làm xứ
- Khoảng giữa năm Hồng Thuận (1510-1516) vua Lê Tương Dực đổi làm trấn
- Nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Dương Kinh, trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh
- Nhà Lê, khoảng niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) vua Lê Thế Tông đổi làm trấn theo nguyên như cũ
- Năm Cảnh Hưng thứ 2 1741 vua Lê Hiển Tông chia làm 4 đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Đông Triều và An Lão
- Nhà Tây Sơn đem phủ Kinh Môn đổi thuộc vào Yên Quảng
- Năm 1802, vua Gia Long đem Kinh Môn thuộc về trấn cũ và lệ thuộc vào Bắc Thành
- Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, Hạ Hồng làm phủ Ninh Giang, còn hai đạo Đông Triều và An Lão thì đặt làm hai huyện
- Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) chia thành một hạt độc lập và đổi làm tỉnh Hải Dương
- Năm 1969, tỉnh Hải Dương sáp nhập với Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, đến năm 1997 lại tách riêng ra với tên gọi như ngày nay.
[sửa] Địa lý tự nhiên
Diện tích: 1.662 km²
[sửa] Tọa độ
- Vĩ độ: 20°43′ đến 21°14′ độ vĩ bắc
- Kinh độ: 106°03′ đến 106°38′ độ kinh đông
[sửa] Địa hình
Khoảng 11% diện tích là đồi núi thuộc dãy núi Đông Triều (nằm trong phạm vi các huyện Chí Linh và Kinh Môn ở phía bắc và đông bắc). Còn lại là địa hình đồng bằng.
[sửa] Khí hậu
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông).
Vào giai đoạn từ tiết lập xuân đến tiết thanh minh (khoảng đầu tháng hai - đầu tháng tư dương lịch) có hiện tượng mưa phùn và nồm là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng tư đến tháng mười hàng năm.
- Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.300 – 1.700 mm
- Nhiệt độ trung bình: 23,3 °C
- Số giờ nắng trong năm: 1.524 giờ
- Độ ẩm tương đối trung bình: 85 – 87%
[sửa] Tài nguyên
Các khoáng sản chính:
- Đá vôi xi măng ở Kinh Môn, trữ lượng 200 triệu tấn, hàm lượng CaCO3 từ 90 - 97%. Đủ để sản xuất 4 đến 5 triệu tấn xi măng/năm trong thời gian 50 - 70 năm.
- Cao lanh ở Kinh Môn, Chí Linh trữ lượng 400.000 tấn, hàm lượng Fe2O3: 0,8 - 1,7%; Al2O3: 17 - 19% cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ sứ.
- Đất sét chịu lửa ở Chí Linh, trữ lượng 8 triệu tấn, chất lượng tốt; hàm lượng Al2O3: 23,5 - 28%, Fe2O3: 1,2 - 1,9% cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch chịu lửa.
- Bô xít ở Kinh Môn, trữ lượng 200.000 tấn; hàm lượng Al2O3: từ 46,9 - 52,4%, Fe2O3: từ 21 - 26,6%; SiO2 từ 6,4 - 8,9%.
[sửa] Dân số
Năm 2003 Hải Dương có 1.689.200 người với mật độ dân số 1.022 người/km²
[sửa] Thành phần dân số
- Nông thôn: 86%
- Thành thị: 14%
[sửa] Kinh tế
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2003 ước đạt gần 8.350 tỷ đồng (chỉ số giá năm 1994).
- Cơ cấu nông, lâm thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 30% - 41% - 29%.
Hiện nay, Hải Dương là một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ thu hút đầu tư cao nhất cả nước (cùng với Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh).
[sửa] Giao thông
- Đường bộ: Có các đường quốc lộ sau chạy qua:
- Quốc lộ 5 từ Hà Nội tới Hải Phòng, phần chạy ngang qua giữa tỉnh Hải Dương dài 44 km.
- Quốc lộ 18 từ Hà Nội qua Bắc Ninh, Hải Dương đến vùng than và cảng Cái Lân của tỉnh Quảng Ninh. Phần đường chạy qua Chí Linh dài 20 km.
- Quốc lộ 37 phần chạy qua Hải Dương dài 12,4 km, phục vụ trực tiếp cho khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc.
- Quốc lộ 38 dài 14 km.
- Quốc lộ 183, nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18 dài 22 km.
- Đường sắt:
- Tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy song song với đường 5, vận chuyển hàng hoá, hành khách qua 7 ga trong tỉnh Hải Dương.
- Tuyến Kép - Bãi Cháy chạy qua Chí Linh, là tuyến đường vận chuyển hàng lâm, nông, thổ sản ở các tỉnh miền núi phía bắc ra nước ngoài qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh), cũng như hàng nhập khẩu và than cho các tỉnh này.
- Đường thuỷ: Có 16 tuyến sông chính nối với các sông nhỏ dài 400 km; các loại tầu, thuyền trọng tải 500 tấn có thể qua lại. Cảng Cống Câu công suất 300.000 tấn/năm và hệ thống bến bãi đáp ứng về vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ một cách thuận lợi. Hệ thống giao thông trên là điều kiện cho việc giao lưu kinh tế từ trong tỉnh đi cả nước và nước ngoài thuận lợi.
[sửa] Văn hóa-xã hội, các di tích lịch sử
Hải Dương là một địa danh gắn liền với nhiều tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam như danh nhân quân sự thế giới Trần Hưng Đạo (Đức thánh Trần- Hưng Đạo Đại Vương), danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, danh sư Chu Văn An, danh y Tuệ Tĩnh.
Hiện nay trong địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều di tích lịch sử-văn hóa như: đền Kiếp Bạc thờ Đức thánh Trần, chùa Côn Sơn gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, đền Cao, văn miếu Mao Điền, di tích gốm sứ Chu Đậu-Mỹ Xá.
Mỹ Xá cũng là nơi mà Việt Nam Quốc dân đảng đã họp dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Thái Học để phát động phong trào khởi nghĩa Yên Bái chống lại thực dân Pháp tháng 2 năm 1930.
[sửa] Liên kết bên ngoài
Đơn vị hành chính cấp tỉnh thành nước CHXHCN Việt Nam | |||||||
|