Chủ nghĩa tư bản
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chủ nghĩa tư bản là một hình thái chính trị – kinh tế – xã hội phát triển cao của xã hội loài người, xuất hiện đầu tiên tại châu Âu phôi thai và phát triển từ trong lòng xã hội phong kiến châu Âu và chính thức được xác lập như một hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa tại Anh Quốc và Hà Lan ở thế kỷ thứ 18. Sau cách mạng Pháp cuối thế kỷ 18 hình thái chính trị của nhà nước tư bản chủ nghĩa dần dần chiếm ưu thế hoàn toàn tại châu Âu chèn ép loại bỏ dần hình thái nhà nước của chế độ phong kiến, quý tộc. Và sau này hình thái chính trị – kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa lan ra khắp châu Âu và thế giới.
Đặc điểm đặc trưng nhất của chủ nghĩa tư bản là quyền sở hữu tư nhân đối với phương tiện sản xuất và quyền tự do kinh doanh được xã hội bảo vệ và được đảm bảo về pháp luật và được coi như một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không loại trừ hình thức sở hữu của nhà nước và sở hữu toàn dân và đôi khi ở một số nước tại một số thời điểm tỷ trọng của các hình thức sở hữu này chiếm không nhỏ, nhưng điều cơ bản phân biệt xã hội của chủ nghĩa tư bản với xã hội đối lập với nó là xã hội cộng sản là trong xã hội tư bản chủ nghĩa quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất là thiêng liêng được xã hội và pháp luật bảo vệ, sự chuyển đổi quyền sở hữu phải thông qua giao dịch dân sự được pháp luật và xã hội quy định. Còn chủ nghĩa cộng sản loại trừ quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất.
Trong hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa các cá nhân dùng sở hữu tư nhân để tự do kinh doanh bằng hình thức các công ty tư nhân để thu lợi nhuận thông qua cạnh tranh và khai thác giá trị thặng dư từ thuê mướn nhân công qua hợp đồng (khế ước) lao động dựa trên điều kiện của thị trường tự do: mọi sự phân chia của cải đều thông qua quá trình mua bán của các thành phần tham gia vào quá trình kinh tế. Các công ty tư nhân tạo thành thành phần kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế chủ yếu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Có thể nói các yếu tố quyền tư hữu, thành phần kinh tế tư nhân, kinh doanh tự do, cạnh tranh, động lực lợi nhuận, tính tự định hướng tự tổ chức, thị trường lao động, định hướng thị trường, bất bình đẳng trong phân phối của cải là các khái niệm gắn liền với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Mục lục |
[sửa] Các đặc điểm của kinh tế tư bản chủ nghĩa
- Thành phần kinh tế tư nhân: Trong giai đoạn phát triển đầu tiên tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản thành phần kinh tế tư nhân chiếm toàn bộ nền kinh tế. Sau này cùng với mô hình kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước với sự can thiệp điều phối của nhà nước vào quá trình kinh tế thì tỷ trọng của thành phần tư nhân có giảm xuống nhưng đối với một nền kinh tế tư bản đặc trưng nó luôn chiếm tỷ trọng là thành phần lớn nhất trong nền kinh tế. Thành phần kinh tế tư nhân đóng vai trò năng động, lực đẩy quyết định tính hiệu quả của nên kinh tế tư bản, còn thành phần kinh tế nhà nước chủ yếu để giải quyết các vấn đề xã hội đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng lao động tránh gây xáo trộn lớn trong xã hội và để kinh doanh trong các ngành cần thiết nhưng khó sinh lời. Theo thời gian giữa hai thành phần này thỉnh thoảng lại có sự hiệu chỉnh bằng các quá trình tư nhân hoá hoặc quốc hữu hoá doanh nghiệp thông qua việc bán và mua các cổ phần của doanh nghiệp.
- Nền sản xuất lớn và động lực lợi nhuận: Khác với nền sản xuất phong kiến là nền sản xuất lấy ruộng đất làm phương tiện sản xuất cơ bản và sở hữu ruộng đất là đặc quyền của quân vương, quý tộc và lãnh chúa, ngành kinh tế chính là nông nghiệp và thương mại. Kinh tế tư bản chủ nghĩa bác bỏ đặc quyền về ruộng đất hoặc bất cứ độc quyền của tầng lớp quý tộc, thượng lưu nào. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là tự do kinh doanh lấy công nghệ, máy móc, và chất xám làm phương tiện sản xuất chính và nền kinh tế định hướng sang công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Sự định hướng này hoàn toàn do yếu tố lợi nhuận và thị trường điều phối. Do phương tiện sản xuất là công nghệ, tri thức nên nền sản xuất tư bản chủ nghĩa để có tối đa lợi nhuận luôn có xu hướng hướng đến "nền sản xuất lớn" với sự tái đầu tư mở rộng và gắn liền với cách mạng khoa học-công nghệ. Việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh là lợi ích sống còn của các chủ tư bản trong cạnh tranh giành lợi nhuận.
- Mua bán sức lao động (thị trường lao động): đây là đặc điểm rất nổi bật của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế phong kiến và các nền kinh tế cấp thấp lực lượng nhân công (nông dân, nông nô) bị phụ thuộc vào chủ đất (địa chủ, lãnh chúa) và quý tộc về mặt pháp lý, họ bị gắn chặt vào ruộng đất và ý chí của chủ đất và quý tộc. Còn nhân công (người lao động) trong kinh tế tư bản chủ nghĩa về mặt pháp lý là hoàn toàn bình đẳng với chủ sở hữu doanh nghiệp (người thuê lao động). Giữa người thuê lao động và người lao động ràng buộc kinh tế với nhau bằng hợp đồng lao động: công nhân và chủ tư bản mua bán sức lao động theo các yếu tố của thị trường. Công nhân có thể thanh lý hợp đồng lao động với chủ thuê lao động này và sang làm việc cho người thuê lao động khác và nếu có tài năng, khả năng hoặc may mắn thì cũng có thể trở thành chủ tư bản.
Cả xã hội là một thị trường lao động lớn và tất nhiên cung ứng lao động bao giờ cũng nhiều hơn yêu cầu lao động do vậy trong xã hội tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng tồn tại nạn thất nghiệp và nguy cơ của nạn thất nghiệp đóng vai trò kích thích người lao động nâng cao kỹ năng và kỷ luật lao động trong cuộc chạy đua bảo vệ chỗ làm việc.
- Kinh tế thị trường và cạnh tranh: Vì nền kinh tế được điều hành bởi cá nhân và các doanh nghiệp tư nhân định hướng đến quyền lợi cá nhân nên kinh doanh trong kinh tế tư bản chủ nghĩa về cơ bản là tự định hướng tự điều hành, tự phát theo quy luật của thị trường tự do và quy luật cạnh tranh hay đó là nền kinh tế thị trường, điều này rất khác xa với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa với nền kinh tế phi cạnh tranh kế hoạch hoá và tập trung hoá cao độ của nhà nước.
[sửa] Đặc điểm chính trị xã hội
Chính vì đặc điểm kinh tế cơ bản là quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất và kinh tế thị trường nên đã kéo theo các đặc điểm khác về mặt luật pháp, triết học và tâm lý của xã hội tư bản chủ nghĩa:
- Tính năng động thị trường: Mọi giá trị kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội đều có thể và phải được lượng giá bằng tiền tệ trong các mối quan hệ xã hội, dựa trên sự lượng giá đó để đánh giá giá trị đối với xã hội, do đó sự lượng giá các giá trị này hoàn toàn mang tính thị trường và thay đổi rất nhanh theo thời gian, xã hội rất năng động như một thị trường các giá trị lên giá và xuống giá rất nhanh.
- Nhân quyền: Đối với xã hội tư bản cá nhân là chủ thể trung tâm của xã hội: là người sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần và là người thụ hưởng các thành quả đó. Cá nhân có trách nhiệm hoàn toàn trước xã hội và có các quyền bất khả xâm phạm đó là nhân quyền. Quyền lợi của cá nhân trong xã hội tư bản chủ nghĩa là tối cao nếu nó không phủ định quyền của cá nhân khác. Ở đây khái niệm cá nhân là rất cụ thể. Trái lại chủ nghĩa cộng sản khi phủ nhận quyền tư hữu về phương tiện sản xuất thì cũng có quan niệm về vai trò của con người và cá nhân khác rất xa với chủ nghĩa tư bản: Chủ nghĩa cộng sản không coi cá nhân là trung tâm của xã hội và tiến bộ xã hội mà coi chủ thể trung tâm là "quần chúng". Chủ nghĩa cộng sản không phủ nhận "nhân quyền" và quyền của cá nhân nhưng đó không phải là quyền của một cá nhân cụ thể mà đó là khái niệm con người tổng hoà chung chung "con người trong quần chúng" do đó trong chủ nghĩa cộng sản quyền lợi cá nhân luôn phải hy sinh cho quyền lợi của tập thể, cộng đồng, của số đông tức là quyền của một "cá nhân cụ thể" phải luôn hy sinh cho quyền của "con người không cụ thể" "con người nói chung". Đây chính là quan điểm rất khác nhau giữa khái niệm con người của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản.
- Đa đảng và đa nguyên chính trị: Vì nền tảng kinh tế tư bản chủ nghĩa khước từ mô hình chỉ huy tập trung, kinh tế tư bản đề cao sự hành động sáng tạo của cá nhân nên tâm lý xã hội cũng xa lạ với những giáo lý là "chân lý" không cần bàn cãi. Khác với các quốc gia cộng sản có giáo lý là "chủ nghĩa cộng sản" hay chủ nghĩa "Marxism-Leninism" chung cho cả hệ thống, các quốc gia tư bản chủ nghĩa không có giáo lý chung cho "chủ nghĩa" của hệ thống này. Xã hội tư bản chủ nghĩa không bắt buộc công nhận bất cứ "chủ nghĩa", học thuyết hoặc nhân vật thần thánh nào, thượng đế cũng bị phán xét, mọi lý thuyết xã hội, chính trị hoặc lý luận của các cá nhân đều phải qua thực tế kiểm nghiệm và phán xét công khai và được chấp nhận hoặc loại bỏ thông qua bầu cử của hệ thống chính trị. Do đó chế độ chính trị của xã hội tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ đa đảng cạnh tranh và đa nguyên chính trị. Đây là đặc điểm tư tưởng chính trị khác nhau cơ bản của một nhà nước tư bản chủ nghĩa với một nhà nước xã hội chủ nghĩa, cộng sản hoặc một nhà nước thần quyền.
[sửa] Các đánh giá trái chiều về chủ nghĩa tư bản hiện đại
Ngay từ khi xuất hiện cho đến ngày nay chủ nghĩa tư bản luôn là đối tượng nghiên cứu và đánh giá của môn xã hội học của thế giới và đến tận hôm nay vẫn chưa thể có đánh giá nhất quán về vai trò và tương lai của chủ nghĩa tư bản. Trong thế kỷ 20 đã xuất hiện phong trào cộng sản mà mục tiêu cơ bản là để loại bỏ bất công của chủ nghĩa tư bản. Với thất bại của những nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản cổ điển, với độ lùi nhất định về thời gian sự đánh giá về chủ nghĩa tư bản đã có một nội dung mới khách quan hơn và toàn diện hơn:
Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản cho rằng:
- Hình thức kinh tế thị trường tự do không bị nhà nước can thiệp của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là bộ điều tiết kinh tế tổng hợp vạn năng cho kinh tế thế giới và cùng với các kinh nghiệm phòng tránh khủng hoảng mà kinh tế tư bản chủ nghĩa thu nhận được nó sẽ mang một sức sống mới cho tương lai kinh tế nhân loại. Đây là luận điểm của một số nhà kinh tế học hàng đầu của châu Âu và Mỹ ngày nay đứng đầu là Alan Greenspan là đại điện cổ vũ cho một nền kinh tế thị trường tự do toàn phần không bị nhà nước can thiệp.
- Trong quá trình tự tổ chức và cạnh tranh vì lợi nhuận của các doanh nghiệp tư bản, xã hội sẽ được lợi hơn và xã hội sẽ tiến nhanh về phía trước hơn là hình thái đặt mục tiêu trực tiếp thoả mãn các quyền lợi của xã hội lên trên quyền lợi của các doanh nghiệp tư bản tư nhân. Đây là luận điểm mà đại diện là Adam Smith ông tổ của kinh tế học tư bản chủ nghĩa và đã phần nào được chứng thực bằng thực tế tranh đua của hai nền kinh tế cộng sản – tư bản trong thế kỷ 20.
- Chủ nghĩa tư bản là tương lai của nhân loại vì nó phát triển tính năng động của nền kinh tế nói riêng và xã hội nói chung.
- Chủ nghĩa tư bản sẽ mất dần tính ích kỷ và dần sẽ biến đổi thành chủ nghĩa tư bản nhà nước với sở hữu dần tập trung vào tay nhà nước hoặc chủ nghĩa tư bản toàn dân với hình thức các công ty cổ phần. Đây là phái lý luận ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế tư bản chủ nghĩa mà đại diện là John Maynard Keynes và cũng là lý luận của chủ nghĩa cộng sản châu Âu (Eurocommunism).
- Xã hội công dân của chủ nghĩa tư bản có khả năng điều tiết các bất bình đẳng để hướng đến một xã hội ngày càng công bằng hơn mà vẫn giữ được tính năng động tư bản chủ nghĩa (chủ nghĩa cộng sản châu Âu)
Những người phản đối chủ nghĩa tư bản cho rằng:
- Tính chất ích kỷ của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi và gây nên những rối ren trên thế giới. Những người theo thuyết này cho rằng: kể từ thời Karl Marx và khởi nguồn của chủ nghĩa cộng sản, bản chất bóc lột ích kỷ của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi: ngày nay trong quá trình toàn cầu hoá chủ nghĩa tư bản thế giới lại gây nên khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các dân tộc gây ra một chế độ áp bức kinh tế (chủ nghĩa đế quốc kinh tế) còn nặng nề hơn chế độ thuộc địa thực dân ngày xưa, gây bất ổn trên thế giới. Việc các công ty tư bản bơm tư bản sang các nước nghèo để tránh thuế, tránh các chi phí đắt đỏ tại chính quốc, khai thác các nguồn tài nguyên rẻ mạt, tối đa hoá lợi nhuận chứng tỏ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản chưa hề thay đổi... Và các thách thức của thế giới như sự nghèo đói, nạn đói, nạn khủng bố, phong trào chống toàn cầu hoá... là thể hiện của các mâu thuẫn này do chủ nghĩa đế quốc kinh tế gây ra. Đây là tâm lý chung của dư luận các nước chậm phát triển lên án sự bất bình đẳng kinh tế giữa các dân tộc.
- Xã hội công dân của xã hội tư bản không thể giải quyết các mâu thuẫn đối kháng. Các nhà nước tư bản chủ nghĩa không thể làm tốt công tác điều tiết xã hội mà nó luôn có xu hướng bảo vệ giai cấp tư sản trấn áp các tầng lớp thiệt thòi làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc hơn.
- Xã hội tư bản là xã hội đặt sự ích kỷ thành triết lý cuộc sống sẽ làm sói mòn đạo đức xã hội và cuối cùng làm băng hoại xã hội. Sự tự do không hạn chế của cá nhân trong xã hội tư bản làm nảy sinh các nhu cầu "quái dị", các loại tệ nạn xã hội... cuối cùng sẽ tước đoạt hạnh phúc của con người. Đây là luận điểm của phái lý luận muốn kết hợp kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có điều tiết với định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà nước xã hội chủ nghĩa để hạn chế các tiêu cực của chủ nghĩa tư bản.
[sửa] Liên kết ngoài
- Capitalism Basics
- "How the U.S. Economy Works" from U.S. Department of State Article from the U.S. Department of State says the U.S. is a mixed economy
- "Capitalism/Anticapitalism" On the origin and features of capitalism
- Protestantism and the Rise of Capitalism - by Max Weber
[sửa] Đọc thêm
- Batra, Ravi. The Downfall of Capitalism and Communism London, MacMillan Press, 1978.
- Braudel, Fernand. Civilization and Capitalism : 15th - 18th Century 3 vols.
- Chandler, Alfred D., Jr. The Visible Hand: The Managerial Revolution in American Business.
- Friedman, Milton. Capitalism and Freedom
- Friedman, Milton. Free to Choose
Cambridge, Mass., and London: Belknap Press of Harvard University Press, 1977.
- Galbraith, John Kenneth. The New Industrial State, 4th ed., 1985.
- John Gray (LSE). False Dawn: The Delusions of Global Capitalism , Granta, 2002 ISBN 1862075301
- Harvey, David. "The Political-Economic Transformation of Late Twentieth Century Capitalism." In Harvey, David. The Condition of Postmodernity. Cambridge, MA: Blackwell Publishers, 1990. ISBN 0631162941
- Landes, David S. The Unbound Prometheus: Technological Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present. Cambridge, U.K.: Cambridge University Press, 1969.
- Marx, Karl. Capital: A Critical Analysis of Capitalist Production, 3 vol., 1886–1909; first published in German as Das Kapital: Kritik der politischen Oekonomie, 1867–1894.
- Wood, Ellen Meiksins. The Empire of Capital, Verso, 2005. ISBN 1844675181
- Wood, Ellen Meiksins. The Origin of Capitalism: A Longer View, Verso, 2002. ISBN 1859843921
- Mills, C. Wright.: The Power Elite. (Random House), 2002
- Norberg, Johan: In Defence of Global Capitalism. ISBDN 1930865473
- Philips, Kevin: Wealth and Democracy: A Political History of the American Rich.
- Rand, Ayn. Capitalism: The Unknown Ideal ISBN 0451147952
- Rostow, W. W. The Stages of Economic Growth: A Non-Communist Manifesto. Cambridge: Cambridge University Press, 1960.
- Rothbard, Murray. Man, Economy, and State: A Treatise on Economic Principles, (2 volumes.) 1962.
- Smith, Adam. An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, 1776.
- Wall, Derek. An Babylon and Beyond: The Economics of Anti-capitalist, Anti-globalist and Radical Green Movements. London: Pluto. ISBN 0745323901
- Wallerstein, Immanuel: The Modern World System.