Wikipedia:Thái độ trung lập
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Quy định Wikipedia |
---|
Chuẩn viết bài |
Thái độ trung lập Chỉ đưa thông tin kiểm chứng được Không đăng nghiên cứu chưa công bố Chú thích nguồn tham khảo Wikipedia không phải là... |
Làm việc với người khác |
Giữ thiện ý Văn minh và lịch sự Không công kích cá nhân Giải quyết mâu thuẫn |
Điều lệ của Wikipedia là toàn bộ các tài liệu nên được viết với một quan điểm trung lập (QĐTL). Theo Jimbo Wales, người sáng lập Wikipedia, QĐTL là "tuyệt đối và không thoả hiệp."
Xin xem thêm phần hướng dẫn để học cách viết đúng theo quan điểm trung lập (QĐTL).
[sửa] Giới thiệu
Qui định về quan điểm trung lập chỉ ra rằng các tài liệu phải được viết một cách không thiên vị, đưa ra các quan điểm một cách công bằng.
Điều luật này thì rất dễ bị hiểu lầm. Nó không giả thiết rằng có thể viết được một tài liệu từ một quan điểm đơn thuần trung lập, không thiên vị. Điều luật nói rằng chúng ta nên trình bày một cách công bằng tất cả các khía cạnh của một vấn đề mâu thuẫn, và không nên viết một tài liệu trong đó khẳng định, ám chỉ, hoặc hàm ý chỉ một khía cạnh là đúng đắn. Điều rất quan trọng là các thành viên Wikipedia chung sức với nhau để xây dựng các tài liệu không thiên vị. Vấn đề này xem như là một trong những giá trị cao quí của Wikipedia.
Viết một bài viết không thiên vị là một nghệ thuật cần nhiều tập luyện. Những người viết đã nắm vững được nghệ thuật của QĐTL thì được hoan nghênh để xây dựng tập hướng dẫn QĐTL.
[sửa] Khái niệm căn bản của tính trung lập
Ở Wikipedia, chúng tôi dùng các khái niệm "không thiên vị" và "quan điểm trung lập" một cách chính xác không như cách hiểu thông thường:
- Các tài liệu không thiên vị "tường thuật" các tranh luận một cách quân bình hơn là "cổ vũ" bất cứ khía cạnh nào của cuộc tranh luận. Do tất cả các tài liệu được sửa chữa bởi mọi người, việc này rất khó khăn, vì con người vốn dĩ là thiên vị.
[sửa] Công thức chính của QĐTL
Mục đích chung của tự điển bách khoa là một tập hợp các kiến thức tổng hợp được trình bày từ một quan điểm trung tính. Đến một mức độ có thể, những người soạn thảo tự điển bách khoa phải tránh không nên đứng trên quan điểm nào ngoại trừ quan điểm khách quan.
Quan điểm khách quan cố gắng trình bày các ý niệm và dữ kiện với một cách thức mà cả những người ủng hộ và chống đối đều có thể đồng ý. Đương nhiên rằng đồng ý 100% là không thực tế; trên đời này có những nhà tư tưởng không bao giờ đầu hàng với bất cứ cách diễn đạt nào ngoại trừ tuyên bố hùng hồn về quan điểm của họ. Chúng ta chỉ có thể tìm kiếm một cách viết có thể được sự nhất trí của những người có tính chừng mực dù họ có thể khác biệt ở một vài điểm.
Những ví dụ sau có thể giúp làm rõ hơn những ý mà tôi muốn nói.
- Một tài liệu bách khoa toàn thư không nên cho rằng các tập đoàn tư bản là tội phạm, ngay cả nếu tác giả tin rằng như vậy. Thay vì vậy nó nên trình bày thật sự rằng có vài người tin như thế, và lý do của họ là gì, và nó cũng nên đưa ra những gì phe đối lập muốn nói.
- Một tài liệu bách khoa toàn thư không nên lập luận rằng chủ nghĩa tư bản tự do mậu dịch là hệ thống xã hội tốt đẹp nhất. [...] Thay vì vậy nó nên trình bày những lập luận của những người ủng hộ quan điểm ấy, và lập luận của những người chống lại quan điểm ấy.
Có lẽ phương pháp dễ nhất để làm văn phong của bạn mang tính bách khoa toàn thư là viết về những gì người ta tin vào, thay vì đó là gì. Nếu điều này làm bạn nghĩ nó mang tính chủ quan, tập thể hoặc đế quốc, thì hãy hỏi tôi, vì tôi cho rằng bạn đã lầm. Những gì người ta tin vào là vấn đề của thực tế khách quan, và ta có thể trình bày chúng một cách dễ dàng từ quan điểm trung lập.
--Jimbo Wales, người sáng lập Wikipedia
[sửa] Tại sao Wikipedia không nên thiên vị?
Wikipedia là một bách khoa toàn thư tổng hợp, có nghĩa là nó là biểu hiện của trí tuệ nhân loại ở những mức độ tổng thể. Nhưng con người thường bất đồng về những chi tiết; hoặc những chủ đề chứa đựng những quan điểm cạnh tranh, mỗi quan điểm đại diện cho một quan niệm khác nhau về sự thật, và trong khi quan điểm ấy trái ngược với những quan điểm khác, những người ủng hộ nó cho rằng những quan điểm khác là sai và vì thế chúng không phải là kiến thức. Ở đâu có bất đồng về những gì là sự thật, ở đấy có bất đồng về những gì thiết lập nên kiến thức. Wikipedia hoạt động được là nhờ nó là thành quả của sự hợp tác; nhưng, trong quá trình hợp tác, làm cách nào chúng ta có thể giải quyết được những cuộc bút chiến trong đó một người khẳng định đấy là p, ngay sau đó một người khác đổi bài viết để khẳng định đấy không phải là p?
Chúng ta chấp nhận một giải pháp để làm việc được trên Wikipedia, đó là "trí tuệ nhân loại" bao gồm tất cả những giả thuyết quan trọng khác nhau về tất cả các chủ đề khác nhau. Vì thế chúng ta cam kết vào mục tiêu để thể hiện trí tuệ nhân loại trong ý nghĩa đó. Những điều như vậy thật sự mang một ý nghĩa chắc chắn của từ "kiến thức"; trong ý nghĩa này, điều gì được "biết" thay đổi liên tục với dòng trôi của thời gian, và khi chúng ta dùng từ "biết", chúng ta thường dùng cái gọi là "trong ngoặc". Dưới thời Trung cổ, chúng ta "biết" ma quỉ tạo ra bệnh tật. Bây giờ chúng ta "biết" là không phải thế.
Chúng ta có thể tổng hợp trí tuệ nhân loại (trong ý nghĩa này) trong một nội dung thiên vị: chúng ta lập ra một loạt những giả thuyết về chủ đề T, rồi cho rằng sự thật về T là như thế này thế kia. Nhưng nên nghĩ rằng Wikipeida là một công trình hợp tác quốc tế. Hầu như tất cả quan điểm về tất cả đề tài sẽ tìm thấy từ những người viết và người đọc. Để tránh những cuộc bút chiến vô tận, chúng ta có thể đồng ý trình bày mỗi quan điểm quan trọng một cách công bằng, và không khẳng định chỉ một trong số đó là đúng. Việc này giúp làm trang viết trở thành "không thiên vị" hoặc "trung lập" trong ý nghĩa mà chúng ta đang trình bày tại đây. Để viết với một quan điểm trung lập, người viết nên trình bày những quan điểm đáng tranh cãi mà không khẳng định chúng; để làm việc ấy, nên thường đưa ra đầy đủ các quan điểm đối chọi với một phong cách ít nhiều được chấp nhận bởi những người ủng hộ chúng, và cũng để đưa ra quan điểm của họ. Mâu thuẫn thì được tường thuật trên Wikipedia. Chúng không nên tái lập lại.
Để tóm tắt nguyên nhân chủ yếu của qui định này: Wikipedia là một bách khoa toàn thư, một tổng thể của trí tuệ nhân loại. Nhưng vì Wikipedia được xây dựng bởi cộng đồng, với nguồn tin quốc tế, chúng ta không thể trông đợi các hợp tác viên đồng ý trong mọi trường hợp, hoặc ngay cả trong nhiều trường hợp mà trong đó kiến thức mang một ý nghĩa chính xác. Vì vậy mà chúng ta có thể chấp nhận một nghĩa thoát hơn về "kiến thức nhân loại" mà dựa theo đó có rất nhiều giả thiết đối chọi nhau để hợp thành cái mà chúng ta gọi là "kiến thức". Chúng ta, cả cá nhân và tập thể, nên cố gắng để trình bày những ý kiến đối nghịch này một cách công bằng mà không ủng hộ một ý kiến nào trong số chúng, với một hạn chế là nếu những ý kiến đại diện cho một số rất nhỏ thì không nên trình bày dù chúng là những ý kiến thiểu số, và có lẽ không nên trình bày là hơn.
Còn có một nguyên nhân khác để chúng ta nên tự cam kết với qui định này. Đó là, trong khi người đọc hiểu rõ rằng chúng ta không trông đợi họ chấp thuận bất cứ ý kiến nào, việc này cho phép họ tự do quyết định, từ đó khuyến khích sự độc lập trong hiểu biết. Các chính phủ độc tài và những tổ chức tôn giáo ở mọi nơi có thể tìm ra lí do để phản đối Wikipedia, nếu chúng ta thành công trong việc trung thành với qui định không thiên vị: sự biểu hiện của nhiều giả thuyết trái ngược về vô số những chủ đề cho biết rằng chúng ta, những người sáng lập Wikipedia, tin tưởng vào khả năng của người đọc để tự họ thiết lập quan điểm riêng cho họ. Những bài viết trình bày đa quan điểm một cách công bằng mà khônng đòi hỏi người đọc phải chấp thuận bất cứ quan điểm nào thì thật tự do. Tính trung lập phá đổ nguyên tắc giáo điều, và hầu hết mọi người ở Wikipedia có thể đồng ý đó là một điều tốt.
[sửa] Quan điểm trung lập là gì?
Ý của chúng tôi không rõ ràng lắm, và rất dễ bị hiểu lầm. Có nhiều cách giải nghĩa đúng đắn về "tính không thiên vị", và "trung lập". Khái niệm của "viết một cách không thiên vị" thiết lập trong qui định của Wikipedia là "trình bày những quan điểm mâu thuẫn mà không khẳng định chúng." Điều này cần giải thích thêm như sau.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, hãy suy nghĩ rằng có nghĩa gì khi nói cách viết không thiên vị đưa ra các quan điểm mâu thuẫn mà không khẳng định chúng. Cách viết không thiên vị không đại diện cho quan điểm được ưa chuộng nhất; nó không khẳng định quan điểm nổi tiếng nhất là đúng sau khi đã trình bày tất cả quan điểm; nó cũng không khẳng định một quan điểm trung gian nào đó là đúng giữa các quan điểm khác nhau. Việc trình bày tất cả các quan điểm cho rằng, ít hay nhiều, là những người thuộc phe p tin vào p, và những người thuộc phe q tin vào q, và đấy là nơi hiện tại của cuộc tranh biện. Một cách lý tưởng, việc đưa ra toàn bộ các quan điểm cũng giúp thể hiện một cách sâu xa lí lịch của những người tin vào p và q và tại sao họ tin, và quan điểm nào được ưa chuộng hơn (nên cẩn trọng đừng lầm lẫn giữa ưa chuộng và chính xác). Những tài liệu chi tiết cũng có thể chứa đựng những nhận định chung của trường phái p và q, cho phép mỗi bên được "bắn thẳng" vào bên kia, nhưng kiềm chế một cách cẩn trọng trong việc khẳng định bên nào thắng.
Một điểm nữa cũng cần nên phân tích. Cách viết không thiên vị có thể được hiểu như là việc thể hiện những mâu thuẫn, lột tả chúng, hơn là tiếp cận chúng. Người ta có thể nghĩ rằng viết không thiên vị như một sự tường thuật công bằng, lạnh lùng, xem xét những tranh luận. Đương nhiên, người ta cũng có thể nghi ngờ rằng việc này có thể làm được mà không phải hàm ý một cách khéo léo rằng quan điểm ấy là chính xác. Nhưng những học giả kinh nghiệm, những tác giả luận chiến, và những thuyết gia thì rất quen thuộc với sự thiên vị, cả cho họ và cho người khác, cho nên họ thường tìm thấy sự tường thuật không công bằng trong một cuộc tranh luận. Nếu họ muốn, với một tí sáng tạo, họ thường có thể loại bỏ sự thiên vị ấy.
Một điều kiện quan trọng: Những bài viết so sánh những quan điểm không cần phải đưa ra những quan điểm thiểu số cặn kẽ hoặc chi tiết như những quan điểm được ưa thích hơn. Chúng ta không nên cố gắng trình bày một mâu thuẫn với một quan điểm của một thiểu số nhỏ phải được quan tâm nhiều như quan điểm của đa số. Điều ấy có thể làm lạc hướng nội dung của mối mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn trình bày mối mâu thuẫn một cách công bằng, chúng ta nên trình bày các quan điểm đối lập tuỳ thuộc vào tỉ lệ của những nhà chuyên môn hoặc những người quan tâm đại diện cho chúng. Dù sao điều này không có nghĩa là những quan điểm thiểu số không được chiếu cố nhiều như chúng ta có thể trong những trang đặc biệt dành riêng cho những quan điểm ấy. Không có giới hạn về kích cỡ ở Wikipedia. Nhưng ngay cả ở những trang ấy, mặc dù một quan điểm được tường thuật một cách cặn kẽ, chúng ta vẫn nên đảm bảo rằng quan điểm không được trình bày như là sự thật.
- Trích từ thư gửi vào tháng Chín, 2003 của Jimbo Wales:
- Nếu một quan điểm thuộc về đa số, thì rất dễ để chứng minh nó với vị thế thường chấp nhận được của bài viết;
- Nếu một quan điểm thuộc về một thiểu số đáng kể, thì rất dễ để nêu tên người ủng hộ có cở;
- Nếu một quan điểm thuộc về một thiểu số cực nhỏ (hoặc vô cùng giới hạn), nó không nên có mặt ở Wikipedia (ngoài trừ có lẽ vài tài liệu phụ trợ) bất kể là nó có đúng hay không; và bất kể là bạn có thể chứng minh được hay không.
Không cần phải tỉnh táo mới thiên vị được. Ví dụ như một người còn mới mẻ trong một vấn đề thường không nhận ra rằng một điều nghe có vẻ như lẽ thường tình thật sự ra là thiên vị cho một quan điểm nào đó. (Để ta không phải thỉnh thoảng tìm một chuyên gia sửa chữa bài viết hoàn toàn không thiên vị.) Một ví dụ khác là người viết có thể vô tình tuyên truyền sự thiên vị về "địa lý" bằng cách như tường thuật vấn đề tranh cãi như là nó được xây dựng ở một quốc gia mà không biết rằng vấn đề đó được cấu thành một cách khác biệt ở những nơi khác.
Qui định về quan điểm trung lập là không phải che dấu những quan điểm trái ngược, mà để chỉ ra sự khác nhau của các quan điểm. Trong tường hợp gây tranh cãi, những điểm mạnh và điểm yếu sẽ được trưng ra dựa trên mỗi quan điểm mà không bênh vực phe nào. Quan điểm trung lập không phải là một quy định "riêng rẽ nhưng bình đẳng". Những dữ kiện, tự bản thân chúng thì khách quan, nhưng sự kết tụ đơn giản về chúng không thể là quan điểm trung lập. Nếu chỉ có những dữ kiện được ưa chuộng được đưa ra trong một bài viết, nó sẽ vẫn không là khách quan.
[sửa] Thành phần chủ yếu: tìm hiểu cặn kẽ
Nhiều trận chiến về quan điểm có thể giải quyết dễ dàng qua việc nghiên cứu kĩ càng. Dữ kiện không phải là quan điểm của chính bản thân chúng. Vì thế cách dễ dàng để tránh đưa ra tuyên bố để ủng hộ một quan điểm là tìm hiểu nguồn gốc đáng tin cho một dữ kiện và liệt kê nguồn gốc. Đây là cách thức dễ dàng nhất để diễn tả một khía cạnh của cuộc tranh luận mà không phải ủng hộ một quan điểm. Kỹ thuật là đi tìm một nguồn tốt nhất và đáng tin nhất nếu có thể. Dùng thư viện để tìm những cuốn sách và tạp chí hay, và tìm trên mạng nguồn tin đáng tin cậy nhất. Một chút công việc vòng ngoài có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc chứng minh một quan điểm sau này.
Một điều quan trọng quan trọng cần quan tâm là trong khi dữ kiện không phải là quan điểm của chính nó, tổng hợp các dữ liệu chỉ từ một phía của cuộc tranh luận là một sai phạm về quan điểm trung lập, dù chúng ta có liệt kê nguồn cặn kẽ đến đâu. Vì thế nên làm việc một cách cân đối. Đi tìm dữ kiện không phải thuộc về bên này hay bên kia và liệt kê nguồn gốc.
[sửa] Một công thức đơn giản
Đôi khi chúng ta có một công thức khác biệt cho qui định không thiên vị: khẳng định dữ kiện, kể cả dữ kiện về các ý kiến - nhưng đừng khẳng định các ý kiến ấy. Có mối khác biệt giữa dữ kiện và giá trị hoặc ý kiến. Khi ta nói "dữ kiện", đó có nghĩa là "một mẫu thông tin mà không có tranh cãi nghiêm trọng về nó." Điều này có nghĩa là một cuộc điều tra cho ra một kết quả công khai thì gọi là dữ kiện. Nói Hoả Tinh là một hành tin đó là dữ kiện. Nói Socrates là một triết gia đó là dữ kiện. Không ai mạnh mẽ phản đối những điều này. Vì thế chúng ta có thể tự do khẳng định chúng bao nhiêu cũng được.
Mặt khác, khi nói về giá trị hay ý kiến, có nghĩa là "một mẫu thông tin có những tranh cãi về nó." Chắn chắn có những trường hợp mập mờ mà ta không chắc là có nên quan tâm kỹ đến mối mâu thuẫn hay không; nhưng có rất nhiều tuyên bố trong đó biểu hiện rất rõ giá trị hay ý kiến. Nói trộm cắp là xấu đó là giá trị hay ý kiến. Nói ban nhạc Beattles là hay nhất đó là giá trị hoặc ý kiến. Nói nước Mỹ sai lầm khi thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đó là giá trị hay ý kiến. Hay nói Thượng đế tồn tại ... đây có thể gây nên một trở ngại đáng kể. Thượng đế có thật hay không không phải là vấn đề của dữ kiện, cũng không phải là vấn đề của giá trị. Nhưng nói về dữ kiện thì nó thật sự không có một khám phá nào như ta biết từ trước đến nay, việc Thượng đế tồn tại hay không thường được diễn tả như là quan điểm hoặc giá trị. Khi tuyên bố như một dữ kiện rằng "sự tồn tại của Thượng đế là một quan điểm" thì có vẻ tế nhị, nhưng lại hàm ý rằng không có dữ kiện được thảo luận (Trường phái hậu hiện đại hoặc Trường phái vô ngộ nhận, hoặc nó không quan trọng gì mấy (thiên vị thế tục.)
Wikipedia dành hết cho việc trình bày dữ kiện và chỉ dữ kiện mà thôi. Khi nào ta muốn bày tỏ ý kiến, ta hoán chuyển ý kiến đó thành dữ kiện bằng cách chuyển hoá ý kiến đó cho người khác. Vậy, thay vì khẳng định "Beattles là ban nhạc hay nhất", chúng ta có thể nói "Đa số người Mỹ tin rằng Beattles là ban nhạc hay nhất" đó là dữ kiện được kiểm chứng bởi kết quả điều tra, hoặc "Ban nhạc Beattles có nhiều bài hát nằm trong danh sách Billboard Hot 100" đó là dữ kiện. Trong ví dụ đầu chúng ta khẳng định một ý kiến; trong ví dụ thứ hai và thứ ba ta "chuyển hoá" ý kiến ấy trở thành dữ kiện bằng cách chuyển tải nó cho người khác. Điều quan trọng nên lưu ý là công thức này vô cùng khác biệt với công thức "người ta cho rằng..." rất thông dụng trong những cuộc tranh luận chính trị. Sự tham khảo yêu cầu một thành phần nhận diện được và xác định được số lượng hoặc tốt hơn nữa, một cái tên.
Hơn nữa, khi trình bày một ý kiến việc quan trọng là nên nhớ rằng có những bất đồng về việc các ý kiến được trình bày ra sao một cách tốt nhất; đôi khi thì cần thiết để thẩm định cách trình bày ý kiến hoặc trình bày vài công thức, đơn giản là tìm ra một giải pháp trình bày một cách công minh mọi quan điểm chủ yếu của vấn đề. (Những tranh luận về lý thuyết và triết học thì rất khó mà thiết lập với một phong cách không thiên vị, chính trang này đã mang ý nghĩa ấy, như nó đã đưa ra trong phần trước như là một ví dụ của một quan điểm đó là "Thượng đế tồn tại".)
Nhưng vẫn chưa đủ để nhấn mạnh qui định của Wikipedia về tính không thiên vị khi chỉ nói rằng chúng ta nên trình bày dữ kiện, không đề cập đến quan điểm. Khi khẳng định một dữ kiện về một quan điểm, điều quan trọng là cũng nên khẳng định dữ kiện về những quan điểm bất đồng, và làm thế nào mà không phải hàm ý rằng bất cứ một quan điểm nào trong chúng là chính xác. Cũng cần thiết khi đưa ra dữ kiện về những lý do phía sau những quan điểm ấy, và làm rõ là ai là chủ nhân của chúng. (Tốt nhất là liệt dẫn một đại diện quan trọng của quan điểm ấy.)
[sửa] Giọng văn công bằng và đồng cảm
Nếu ta muốn miêu tả những mâu thuẫn một cách công bằng, chúng ta nên trình bày các quan điểm đối nghịch với một giọng văn luôn đáng tin và đồng cảm. Nhiều tài liệu trở thành những phát biểu thiên vị ngay cả trong khi trình bày cả hai quan điểm. Ngay cả khi một chủ đề được trình bày với dữ kiện thay vì ý kiến, một tài liệu vẫn có thể phát xuất một ẩn ý qua việc chọn lọc dữ liệu, hoặc tế nhị hơn là qua cách sắp xếp chúng - Ví dụ như, gạt bỏ những quan điểm chống đối làm chúng trông có vẻ tệ hơn là thu thập chúng trong mục ý kiến của phái đối lập.
Thay vì thế chúng ta nên viết bài với một phong cách làm cho tất cả các ý kiến ít nhất là đáng tin, luôn nhớ trong đầu tính chất quan trọng của những quan điểm thiểu số. Hãy trình bày tất cả những quan điểm khác biệt chính một cách đồng cảm.
[sửa] Diễn đạt ý kiến về những tác phẩm của người khác
Trường hợp đặt biệt là sự diễn đạt các ý kiến về nghệ thuật. Tài liệu của Wikipedia về nghệ thuật, nghệ sĩ, và những chủ đề sáng tạo (ví dụ như nhạc sĩ, diễn viên, sách, vân vân) thường hơi quá lạc quan. Điều này không có trong một bách khoa tự điển. Chúng ta không thể nào đồng ý là một người nào đó là nhạc sĩ guitar nổi tiếng nhất trong lịch sử, nhưng điều quan trọng là tường thuật những nghệ sĩ nào đó hoặc tác phẩm nào đó đã được công nhận bởi công chúng hoặc bởi những nhà chuyên môn. Cung cấp một khái quát về sự cảm nhận chung đối với một tác phẩm, kèm theo tài liệu dẫn chứng về các cá nhân tiêu biểu của quan điểm đó thì được chấp nhận. Ví dụ như Shakespeare thì được công nhận như một tác giả kịch bản lớn nhất của tiếng Anh là một mẫu kiến thức một người có thể tìm được trong một bách khoa tự điển. Nhưng dù sao, vì mục đích trung lập, người ấy cũng nên biết rằng một số học giả có tiếng cho rằng Christopher Marlowe cũng xứng đáng đạt danh hiệu ấy. Nên để ý rằng, quyết định việc các nghệ sĩ hoặc tác phẩm được công nhận hay phủ nhận yêu cầu việc tìm hiểu; nhưng sự cảm nhận ấy, không như quan điểm cá nhân của các người viết trên Wikipeda, là một quan điểm đáng kể.
[sửa] Một hệ quả: viết cho kẻ thù
Những người thường cố cổ xuý cho quan điểm của họ trong những chủ đề chính trị, và những người bất cần đến các quan điểm khác có được trình bày một cách công bằng hay không, thì vi phạm qui định không thiên vị ("viết một cách không thiên vị"). Nhưng điều luật cũng đề cập rằng công việc của chúng ta là phát biểu cho phía đối lập, và không chỉ tránh cổ xuý cho quan điểm riêng của chúng ta. Nếu chúng ta không bắt mình làm điều ấy, Wikipedia sẽ trở nên yếu kém trên vấn đề ấy. Tất cả chúng ta nên cố gắng giải thích quan điểm của mỗi người một cách đồng cảm càng nhiều càng tốt.
Nói như vậy, chúng ta đang giải thích rõ điều có vẻ rất rõ ràng khi mới đọc điều lệ. Nếu mỗi chúng ta đều được phép đóng góp những thứ thiên vị, thì làm thế nào mà qui định bị vi phạm? Qui định nói rằng "Duyệt qua rồi viết một cách không thiên vị". Nếu điều ấy không nói rõ rằng mỗi chúng ta nên trình bày một cách công bằng với những gì chúng ta không đồng ý, thì nó có nghĩa gì? Có thể bạn nghĩ rằng nó có nghĩa là "Trình bày quan điểm của bạn một cách công bằng, và để những người khác có cơ hội đáp trả." Nhưng nên nhớ rằng, nếu mỗi chúng ta đều chịu trách nhiệm cho toàn bộ bài viết khi chúng ta bấm "lưu giữ", rồi khi chúng ta làm một sửa đổi để đại diện cho quan điểm của chính chúng ta mà không phải là quan điểm đối lập, hoặc trình bày quan điểm đối lập một cách thiếu sót, rõ ràng là chúng ta đang đưa thêm thiên vị vào Wikipedia. Có đúng không nếu ta không chịu trách nhiệm cho toàn bộ bài viết? Có đúng không khi ta lấy ra vài câu văn và nói "những câu này là của tôi"? Có lẽ là đúng, nhưng trong một công trình mà chúng ta cố gắng thật nhiều vì mục đích trung lập, thái độ như vậy có vẻ không đúng chỗ.
Phe đối lập rất có thể nghĩ rằng những nỗ lực của bạn để trình bày quan điểm của họ là dưới tiêu chuẩn, nhưng ý định của bạn mới là quan trọng. Trong việc giải quyết mâu thuẫn về vấn đề trung lập, tốt hơn hết là ta công nhận rằng mọi phía phải được trình bày một cách công bằng, và ít nhất là cố gắng hết mực để trình bày những quan điểm dị biệt một cách công bằng. Điều này sẽ được cảm kích nhiều hơn là nếu bạn không chịu cố gắng chút nào cả.
"Viết cho kẻ thù" làm chúng ta có vẻ đang đưa thêm những tranh luận sai một cách cố ý vào Wikipedia, đó là điều rất lạ lùng để làm. Nhưng tốt hơn là xem thái độ này (không thì rất khó hiểu) như là bổ xung sự tranh luận tốt nhất cho phe đối lập, liệt kê cá nhân có tiếng người đã viết ra sự tranh luận, và trình bày nó một cách đồng cảm. Những học giả, những triết gia chẳng hạn, rất thường làm việc này. Luôn luôn liệt kê nguồn gốc, và bảo đảm rằng nguồn của bạn là đáng tin, và bạn không qua sai lầm.
[sửa] Một ví dụ
Một ví dụ của cách viết thiên vị và Wikipedia đã sửa chữa nó như thế nào để trở thành tương đối không thiên vị:
Trong trang Phá thai vào khoảng đầu năm 2001, có những người trong cuộc đã dùng trang này để đấu khẩu, không đồng ý về việc ý kiến nào nên bỏ vào và những quan điểm chống đối được trình bày ra sao. Việc cần làm - và cái cần bổ sung - là cuộc thảo luận kỹ lưỡng giữa các chính kiến khác nhau về vấn đề đạo lý và pháp lý của việc phá thai trong các thời điểm khác nhau. Thảo luận về các quan điểm đã được viết rất kỹ lưỡng để không thiên vị cho bất cứ quan điểm trong ấy. Việc này tạo điều kiện dễ dàng để tổ chức và thấu hiểu các tranh luận chung quanh chủ đề phá thai, chúng được trình bày một cách đồng điệu, mỗi vấn đề với mặt mạnh và yếu của nó.
Có vô số những chuyện thành công về những bài viết khi mới ra đời là một tranh cãi dài dòng nhưng đã được dọn dẹp sạch sẽ bởi những người quan tâm đến việc trình bày mọi quan điểm một cách rõ ràng và đồng cảm.
[sửa] Một ví dụ khác
Tác giả Karada đưa ra một lời khuyên dưới đây trong phạm trù của bài viết về Saddam Hussein:
- Bạn không cần phải nói rằng ông ta tàn ác. Vì thế mà bài viết về Hitler không bắt đầu với "Hitler là một kẻ xấu" - Chúng ta không cần phải nói thế, những hành động của ông ta đã buộc tội ông ta gấp nghìn lần rồi. Chúng ta chỉ cần liệt kê những dữ kiện về nạn diệt chủng dân Do thái một cách vô tư, và tiếng khóc của của cái chết tái hiện lại với một phong cách mà việc tố cáo trở thành vô nghĩa và không cần thiết. Xin hãy làm như thế: liệt kê tội trạng của Saddam, và chú thích nguồn gốc.
[sửa] Những thắc mắc và những giải thích
Dưới đây là những danh mục của những phản đối hoặc câu hỏi thường gặp về qui định không thiên vị của Wikipedia, theo sau là những câu trả lời.
[sửa] Không có điều gì gọi là khách quan
Bất cứ ai có một hiểu biết khá về triết học đều biết điều ấy. Vậy thì làm sao ta có thể tôn trọng qui định "trung lập" một cách đứng đắn? Khách quan, không thiên vị thì không thể có.
Đây có lẽ là phản đối thường gặp nhất về qui định trung lập. Nó cũng phản ảnh sự hiểu lầm thường gặp nhất về qui định này. Sự hiểu lầm là điều luật nói về khả năng của tính khách quan. Nó đơn giản không phải vậy. Nói đúng ra, qui định không nói rằng có một cái gọi là trung lập, một "quan điểm không từ đâu cả" (theo Thomas Nagel) -- Những bài viết được viết từ cách nhìn ấy thật sự là công bằng. Đấy không phải là mục đích của chúng ta! Ngược lại, chúng ta tiếp nhận một cách hiểu khác về "trung lập" và "không thiên vị" hơn nhiều người vẫn nghĩ. Đơn giản là qui định muốn chúng ta miêu tả các mâu thuẫn hơn là nhập cuộc với chúng. Nói vậy có nghĩa là không nên tuyên bố những gì gây tranh cãi, theo quan điểm triết học; thật vậy, các triết gia luôn làm việc ấy. Những người thành thạo chủ nghĩa tương đối sẽ hiểu ngay rằng điều lệ này trùng hợp với chủ thuyết tương đối của họ.
Nếu có gì có thể gây tranh cãi về điều luật này, đó là sự hàm ý của việc có thể tường thuật mâu thuẫn một cách công bằng, để rồi các cá nhân chính tham gia có thể giám định kết quả, đồng ý rằng quan điểm của họ được diễn đạt một cách đồng cảm và hoàn hảo càng nhiều càng tốt (trong ý nghĩa của cuộc thảo luận). Một câu hỏi mang tính thực tế, không mang tính triết lý, đó là việc này có thể hay không; và điều ấy thực sự có thể được với bằng chứng là hãy theo dõi các tài liệu được viết hàng ngày bởi những nhà giáo dục, soạn giả tự điển, soạn giả sách giáo khoa, và các nhà báo có khả năng nhất.
Xin đừng hiểu điều này có nghĩa là không thể nào có sự thật khách quan trong một tự điển bách khoa, trong ý nghĩa là những tài liệu dễ tìm nên dẫn chứng chính xác với những nguồn chính có được, ngay cả nếu có những nguồn phụ đưa dẫn chứng không chính xác. Tính khách quan không bắt ta đưa ra sự sai lầm khi điều ấy có thể kiểm chứng trực tiếp. Tính khách quan quyết định rằng có thể có nhiều cách giải thích có giá trị đối với ý nghĩa hoặc giá trị của một công trình, nhưng thường thì nội dung của nó có thể kiểm chứng một cách khách quan, đặc biệt trong trường hợp của những tài liệu đương đại.
[sửa] Khoa học giả tưởng
Chúng ta nên viết tài liệu về khoa học giả tưởng như thế nào, dựa trên ý kiến khoa học chủ đạo nào thì ý kiến về khoa học giả tưởng là không có giá trị và không đáng được đề cập đến?
Nếu chúng ta muốn diễn đạt tổng thể trí tuệ nhân loại, thì chúng ta phải công nhận rằng chúng ta sẽ phải tường thuật những quan điểm mang tính kì cục mà không khẳng định rằng chúng là sai. Mọi vật không tệ như ta tưởng. Công việc của chúng ta là không nên diễn đạt mâu thuẫn như là, lấy ví dụ như, khoa học giả tưởng là tương đồng với khoa học; thay vì thế; công việc của chúng ta là trình bày cho quan điểm đa số (về khoa học) là quan điểm đa số và quan điểm thiểu số (đôi khi mang tính giả tưởng) là quan điểm thiểu số; và hơn nữa, là giải thích các khoa học gia chấp nhận những giả thuyết của khoa học giả tưởng ra sao. Điều này nằm trọn trong công việc tường thuật một mâu thuẫn một cách công bằng.
Khoa học giả tưởng có thể được xem như là sự kiện xã hội lớn và vì vậy nó trở nên quan trọng. Nhưng dù sao, khoa học giả tưởng không nên làm lẫn lộn sự tường thuật những quan điểm chủ đạo, và những đề cập đến chúng nên được quân bình trong suốt bài viết.
Một thành phần thiểu số tại Wikipedia rất quan tâm đến vấn đề này, họ cho rằng Wikipedia nên xử dụng "quan điểm khoa học" thay vì "quan điểm trung lập." Nhưng nó không thiết lập một được một bằng chứng là ta cần có một qui định như vậy, dù quan điểm khoa học về khoa học giả tưởng có thể giải thích với những người tin theo khoa học giả tưởng một cách rõ ràng, đầy đủ, và khách quan.
[sửa] Tôn giáo
Qui định về Quan điểm trung lập thường có nghĩa là tường thuật nhiều quan điểm. Đây cũng có nghĩa là không những đưa ra quan điểm của các nhóm khác nhau hiện nay, mà cả những nhóm khác nhau trong quá khứ.
Wikipedia là một tự điển bách khoa. Một nhiệm vụ quan trọng của các tự điển bách khoa là giải thích sự việc. Trong tường hợp về tín ngưỡng và thờ phụng của con người, việc giải thích bao gồm không chỉ những gì thúc đẩy những cá nhân có những tín ngưỡng và thờ cúng, mà cả việc tại sao những tín ngưỡng và tập tục ấy hình thành. Tài liệu của Wikipedia về lịch sử và tôn giáo trích ra từ kinh sách tôn giáo. Nhưng tài liệu Wikipedia cũng trích từ những nguồn của khảo cổ học, sử học và khoa học.
Những người ủng hộ một tôn giáo sẽ phản đối một chỉ trích lịch sử đối với tín ngưỡng của họ, cho rằng việc này kì thị tín ngưỡng của họ. Họ muốn rằng các tài liệu nên tường thuật tín ngưỡng theo cách họ hiểu, thường là bắt nguồn từ một quan điểm không dựa trên lịch sử (ví dụ như mọi vật luôn giữ nguyên từ trước đến giờ, những gì khác chúng là từ những giáo phái không đại diện cho tôn giáo chính thống.) Quan điểm của họ phải được đề cập, nhưng để ý rằng không có điều đối lập. Qui định về Quan điểm trung lập có nghĩa là chúng ta nên nói như thế này: Nhiều người của tôn giáo này tin vào X, điều mà họ cho rằng các thành viên của nhóm này luôn tin vào; dù sao, căn cứ vào những kết quả tìm được (dẫn ra) từ các nhà sử học và khảo cổ học (dẫn ra), một số người (dẫn ra) theo tôn giáo này bây giờ tin vào Z.
Một điểm quan trọng khi dùng từ "nền tảng". Từ này thường được dùng nhiều trong những tài liệu về tôn giáo, nhưng chỉ nên được dùng trong ý nghĩa kỹ thuật mà thôi. Chúng ta phải cố gắng giải thích ý nghĩa của nó để tránh: (a) gây ra xúc phạm không cần thiết, và (b) dẫn dắt sai người đọc (đa số mọi người không nhận thức được từ này nên dùng như thế nào.) Chúng ta không nên dùng từ này như một ý nghĩa tiêu cực. Vì tôn giáo là một chủ đề gây tranh cãi, nên sẵn sàng để thấy những tài liệu này bị hiệu đính vì những điều nhỏ nhặt có vẻ như vô nghĩa.
[sửa] Những quan điểm vi phạm đạo đức
Thế còn những quan điểm bị cho là vi phạm đạo đức đối với đa số người Tây phương, như là kì thị chủng tộc, giới tính, và việc không công nhận nạn diệt chủng dân Do thái mà một số người thật sự tin vào?
Chắc chắn chúng ta đưa vào những cuộc tranh luận dài trình bày sự phản đối của chúng ta về những điều ấy; làm được việc đó, chúng ta có thể giữ được một sự ủng hộ chắc chắn, đều đặn cho quan điểm trung lập bằng cách đặt quan điểm vào những đại diện quan trọng hoặc những tập thể. Những người khác sẽ có thể có suy nghĩ riêng của họ và, là những người phải lẽ, chắc chắn họ sẽ chấp nhận quan điểm của chúng ta. Những người chứa chấp sự kì thị chủng tộc, giới tính, vân vân, sẽ không cảm thấy thuyết phục để thay đổi quan điểm của họ dựa trên những bài viết thiên vị, chúng chỉ đặt họ vào vị trí phòng thủ. Mặt khác, nếu chúng ta cố gắng một cách hài hoà để thực thi điều luật không thiên vị của chúng ta một cách nhất quán, chúng ta có thể vạch ra ý sáng cho những người ấy để thay đổi quan điểm của họ.
Trên một khía cạnh khác, Wikipedia không chính thức đưa ra quan điểm ngay cả với những vấn đề dễ thấy như vậy, nhưng trên mặt khác, cũng không nên làm như chúng ta (những tác giả trên Wikipedia) có đủ tư cách hài hoà với những quan điểm ác cảm ấy. Khi những người viết trên Wikipedia đưa ra một xét nghiệm cứng rắn đối với giới có học thức, những người đọc tin rằng ta xét nghiệm tương tự đối với quan điểm cực đoan: đa số chúng ta ghê tởm nó.
[sửa] Đưa ra "giá trị bình đẳng"
Nhưng hãy khoan. Tôi thấy sự lạc quan về khoa học và khoa học giả tưởng là không căn cứ. Lịch sử cho thấy khoa học giả tưởng có thể đánh bại sự thật, như những người dựa trên khoa học giả tưởng dùng sự lừa dối, vu khống, gợi ý và số đông của những người ủng hộ để áp đặt quan điểm của họ lên bất cứ ai. Nếu công trình này đưa ra một giá trị bình đẳng cho những người tin rằng trái đất thì dẹp, hoặc những người cho rằng nạn diệt chủng Do thái không bao giờ xảy ra, kết quả là nó sẽ (không tránh khỏi) hợp thức hoá và giúp cổ xuý cho một suy nghĩ ác độc.
Xin nhận rõ điều này: Qui định về tính khách quan của Wikipedia rõ ràng không xác nhận, hoặc gợi ý, rằng chúng ta phải có "giá trị công bằng" với những quan điểm thiểu số. Nó xác nhận rằng chúng ta không được nhìn nhận chúng qua những người viết tự điển; nhưng nó không ngăn chúng ta trong việc tường thuật quan điểm đa số là như vậy; từ việc giải thích một cách công bằng những tranh luận mạnh mẽ chống lại giả thuyết của khoa học giả tưởng; từ việc tường thuật sự chống đối mạnh mẽ của nhiều người đối với những quan điểm đạo đức ác cảm; và vân vân.
[sửa] Tiêu điểm Âu Mỹ
Wikipedia có vẻ chú trọng vào tinh thần Âu Mỹ. Việc này có mâu thuẫn với quan điểm trung lập không?
Đúng vậy, đặc biệt khi đối phó với những tài liệu cần quan điểm quốc tế. Sự hiện hữu của những tài liệu viết từ quan điểm Mỹ và Anh chỉ đơn giản là sự phản ảnh của thực tế là có rất nhiều công dân Mỹ và Anh làm việc trong công trình, do đó phản ảnh thực tế là chúng có mặt rất nhiều trên mạng. Đây là một trở ngại đang tiếp diễn cần sửa chữa bởi sự hợp tác tích cực từ những công dân các quốc gia khác. Nhưng thay vì giới thiệu sự thiên vị về văn hoá của họ, họ nên tìm cách phát triển các bài viết bằng cách loại bỏ những ví dụ về thiên vị về văn hoá mà họ gặp phải. Đây không phải là trở ngại trong Wikipedia tiếng Anh. Wikipedia tiếng Pháp có thể phản ảnh một thiên vị về thuộc địa Pháp, Wikipedia của Nhật có thể chịu sự thiên vị của người Nhật, và vân vân.
[sửa] Thiếu tính khách quan là một lý do để xoá bỏ
Qui định về tính khách quan thì đôi khi được dùng để xoá bỏ các đoạn văn bị cho là thiên vị. Vậy đấy có phải là một trở ngại không?
Trong nhiều trường hợp, có. Đa số chúng ta tin rằng thực tế có đoạn văn thiên vị thì không đủ lý do để xoá bỏ hết. Nếu nó chứa đựng thông tin có giá trị, đoạn văn nên được hiệu đính đàng hoàng.
Đôi khi ta gặp khó khăn khi quyết định một kết luận là đúng hoặc có ích, đặc biệt là khi không có nhiều người hiện tại hiểu biết về chủ đề ấy. Trong trường hợp như vậy, việc thích hợp là nên đưa ra ý kiến phản đối trong trang thảo luận; nếu một người có lý do để tin rằng tác giả của tài liệu thiên vị quyết không sửa đổi nó, đôi khi chúng ta bắt buộc phải xoá bỏ đoạn văn trong trang thảo luận (nhưng không xóa bỏ nó hoàn toàn.) Giải pháp thứ hai chỉ nên áp dụng như là biện pháp cuối cùng, không bao giờ dùng nó như phương tiện để trừng phạt những người viết những điều thiên vị.
[sửa] Đối phó với những người đóng góp bài thiên vị
Tôi đồng ý với qui định không thiên vị nhưng có những cá nhân có vẻ như hoàn toàn thiên vị, không gì cứu vãn. Tôi phải đi lòng vòng dọn dẹp cho họ. Tôi phải làm gì đây?
Trừ phi trường hợp thật quá đáng, điều tốt nhất có thể làm là công khai kêu gọi sự quan tâm đến vấn đề ấy, hướng dẫn cá nhân vi phạm đến trang này (một cách lịch sự - mật ngọt chết ruồi) và yêu cầu những người khác giúp đỡ. Xem Wikipedia:Giải quyết mâu thuẫn để có thêm ý kiến. Đấy phải là trường hợp khi mà lợi ích của đa phần các tác giả vượt quá lợi ích thiết yếu của dự án mở để họ có thể hoàn thành công việc mà không phải liên tục sửa chữa các vi phạm từ những người không tôn trọng luật lệ.
[sửa] Tránh những tranh luận triền miên
Làm sao để tránh những tranh luận triền miên bất tận về vấn đề khách quan?
Cách tốt nhất để tránh tranh cãi về thiên vị là nhớ rằng chúng ta đều là những người tương đối thông minh, khéo léo, nếu không chúng ta đã không làm việc này và lo lắng nhiều về nó. Mục đích của chúng ta là thấu hiểu quan điểm của nhau và làm việc chăm chỉ để bảo đảm những quan điểm của người khác được trình bày một cách công bằng. Khi xuất hiện một tranh luận về những gì nên đưa vào bài viết, hoặc điều gì là sự thật, chúng ta không nên đứng vào vị trí chống đối; chúng ta phải cố gắng hết mình để dừng lại và tự hỏi "Làm thế nào để diễn tả sự tranh luận này một cách công bằng?" Điều này cần được hỏi thường xuyên mỗi khi một điểm gây tranh cãi được đưa ra. Công việc chúng ta không phải là hiệu đính Wikipedia để nó phản ảnh quan điểm riêng tư của mình để rồi bảo vệ những hiệu đính đó chống lại tất cả mọi người. Công việc của chúng ta là làm việc chung với nhau, chủ yếu là bổ xung bài viết mới, nhưng khi cần thiết cũng đạt đến một thoả thuận về một vấn đề gây tranh cãi nên được tường thuật ra sao để được công bằng cho mọi phía.
Một trong những đề tài dể gây tranh luận nhất là các tranh cải về các cá nhân hay tổ chức chính trị có xứng đáng hay không xứng đáng để được đăng thành 1 bài trong từ điển BKTT này. Xin các bạn xem thêm một tiêu chuển làm giảm thiểu các tranh cải vô ích này qua Tiêu chuẩn để một cá nhân hay một tổ chức có thể được đăng chính thức trên trang BKTT.
[sửa] Tạo những giả thiết cần thiết
Thế còn trường hợp khi để phải viết một loạt các tài liệu dài về những chủ đề chung, chúng ta phải tạo ra những giả thiết gây tranh luận? Ví dụ như trường hợp viết về sự tiến hoá. Chắc chắn là ta không phải bới tung vấn đề giữa sự tiến hoá và tạo hoá trên mỗi trang?
Không, chắn chắn là không. Hầu như không có chủ đề nào có thể tiến triển mà không có vài giả thiết mà ai đó cho là đáng nghi ngờ. Việc này là thật không không những trong lĩnh vực tiến hoá sinh học, mà cả trong lĩnh vực triết học, lịch sử, vật lý, vân vân.
Thật khó mà rút ra những nguyên tắc chung để quyết định các truờng hợp chi tiết, nhưng nguyên tắc đây có thể giúp bạn: Có lẽ không có lý do tốt để thảo luận một giả thiết trong một trang nào đó, nếu giả thiết đó tốt hơn được thảo luận kỹ ở trang khác. Vài điểm ngắn gọn, không cản trở có thể thích hợp để đưa vào, ví dụ như trong bài viết về sự tiến hoá của loài ngựa, chúng ta có thể đưa vào một câu ngắn nói về những người theo chủ thuyết tạo hoá không tin rằng ngựa (hoặc bất cứ loài vật nào) đã trãi qua bất kì cuộc tiến hoá nào, và hướng độc giả đến những tài liệu liên quan. Nếu có thảo luận cụ thể về những điểm cụ thể, nó nên được bỏ vào trang đặc biệt dành riêng.
[sửa] Những quan tâm về "viết cho kẻ thù"
Tôi không tin mấy vào những gì bạn nói về việc "viết cho kẻ thù." Tôi không muốn viết cho kẻ thù. Đa số họ dựa trên việc đưa ra những dữ kiện sai lệch. Có phải bạn bảo rằng, để viết một bài viết khách quan, tôi phải nói dối, để đại diện cho một quan điểm mà tôi không đồng ý?
Đây là một hiểu lầm về những gì qui định khách quan muốn nói. Bạn không cần khẳng định điều gì, chỉ cần nêu ra: "Người ấy cho rằng __________, và vì vậy, __________." Điều này có thể làm được một cách thẳng thắn mà không hối hận gì về mặt đạo đức, vì bạn đang đưa ra lập luận của người khác. Nên để ý rằng các học giả được rèn luyện để khi họ đang chứng minh một quan điểm, họ đưa cả những lập luận chống đối, để họ có thể giải thích tại sao những lập luận chống đối ấy là sai.
[sửa] Những phản ứng khác
Tôi có phản đối khác. Tôi nên hỏi ở đâu?
Trước khi bạn hỏi nó, xin xem những liên kết dưới đây. Nhiều vấn đề chung quan qui định trung lập đã được đề cập cặn kẽ. Nếu bạn có những đóng góp thêm cho cuộc tranh luận, bạn có thể vào Thảo luận về quan điểm trung lập, hoặc đưa nó vào liệt kê danh sách gửi thư.
[sửa] Những nguồn giúp khác
- Hướng dẫn về QĐTL
- Các ví dụ
- Những ví dụ về tranh luận
- Hiểu về sự không thiên vị
- Danh sách những vấn đề gây tranh cãi
- Những từ ngữ cần tránh
- Thảo luận về thuyết Tạo hoá
- Giọng văn lạc quan
- Hướng dẫn cho những bài viết gây tranh cãi
- Cách nhìn theo Thượng đế
- Thực tế nhất quán
- Tránh những cách nói lươn lẹo
- Template:NPOV - {{NPOV}} văn bản dùng để cảnh báo những trở ngại
- Template:NPOV-section - {{NPOV-section}}chỉ đánh dấu một phần bài gây tranh cãi
- Template:POV check - {{POV check}} văn bản dùng để đánh dấu các tại liệu có thể thiên vị
- WikiProject Chống lại thiên vị có hệ thống