Chiến tranh Đông Dương
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chiến tranh Đông Dương trên thực tế kéo dài 30 năm từ 1945 đến 1975 liên quan đến ba nước tại Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) và có thể chia ra làm 2 giai đoạn chính:
- Chiến tranh Đông Dương (1945-1954)
- Chiến tranh Việt Nam (1954-1975)
Bài viết này nói về giai đoạn thứ nhất mà còn gọi là Chiến tranh chống Thực dân Pháp, trong đó các nhóm kháng chiến tại Việt Nam, Lào và Campuchia, các quân đội Nhật, Pháp, Anh và nhiều lực lượng từ Trung Hoa và Hoa Kỳ đều tham gia trực tiếp.
Mục lục |
[sửa] Nguyên nhân
Vào tháng 9 năm 1940, ngay giữa Đệ nhị thế chiến, Chính phủ Vichy của Pháp, vì đã đầu hàng với Đức Quốc Xã, đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc kỳ. Ngay lập tức quân đội Nhật Bản dùng đó làm bàn đạp để tiến vào Trung Quốc, tạo nên cuộc Chiến tranh Trung-Nhật giữa họ và nhóm Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu. Trên thực tế, đây là một điểm quan trọng trong chiến lược quân sự của Nhật nhằm thống trị toàn bộ vùng Đông Nam Á, hầu trợ giúp cho đồng minh cùng phe Trục (Axis) với họ là Đức trong việc đánh bại các chế độ thực dân của Pháp và của Hà Lan tại đây. Trong khi chờ đợi cuộc đại thắng của Đức tại châu Âu, Nhật tạm thời duy trì hệ thống bảo hộ của Pháp tại Đông Dương.
Vào tháng 5 năm 1941 nhiều lực lượng ái quốc, trong đó quan trọng nhất là một nhóm dẫn đầu bởi Hồ Chí Minh, tập họp tại một địa điểm gần biên giới Việt-Hoa và thành lập một tổ chức đứng về phía đồng minh giành độc lập cho Việt Nam gọi là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Tổ chức này thường được gọi vắn tắt là Việt Minh.
Nhưng đến năm 1945, thấy quân đội Đức bị đánh bại hoàn toàn tại mặt trận châu Âu và ưu thế quân đội Mỹ càng ngày càng lên tại mặt trận Thái Bình Dương, Nhật quyết định hoàn toàn thống trị Đông Dương. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, Nhật trao tối hậu thư cho Toàn quyền Đông Dương (Gouveneur de l'Indochine), Đô đốc Jean Decoux, yêu cầu đặt toàn bộ quân đội Pháp tại Đông Dương dưới quyền chỉ huy và điều động của họ. Decoux từ chối và bị bắt giam ngay lập tức, không kịp báo lệnh cho lực lượng dưới quyền của mình. Quân đội Nhật, sau đó, bất thần tấn công các doanh trại và cơ sở của chính quyền thuộc địa Pháp. Chỉ trong một đêm họ đã thanh toán xong toàn bộ cứ điểm và bắt giam tất cả các quan chức người Pháp. Người Nhật nắm chính quyền tại Đông Dương cho đến khi chính phủ Nhật đầu hàng vô điều kiện với lực lượng Đồng Minh (Allied Force) vào tháng 8 năm 1945, sau khi gánh chịu hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Ở Việt Nam, Quốc vương Bảo Đại, với sự trợ giúp của Nhật, ngay lập tức tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước đã ký kết với Pháp trước đó và mời nhà trí thức Trần Trọng Kim ra thành lập chính phủ. Tuy tạm thời thoát khỏi sự thống trị của Pháp, chính phủ này vẫn phải đi theo đường lối thân Nhật và quân đội Nhật vẫn chiếm đóng Việt Nam.
Sau Đệ nhị thế chiến, thực dân Pháp cố gắng duy trì quyền cai trị của mình ở các thuộc địa cũ. Nhưng ở Việt Nam, họ gặp phải sự phản kháng mãnh liệt của Việt Minh, một lực lượng bao gồm những nhà cách mạng yêu nước của nhiều khối khác nhau, trong đó mạnh nhất là Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Trong suốt Đệ nhị thế chiến Mỹ đã tích cực hỗ trợ lực lượng kháng chiến Việt Minh trong các hoạt động chống Nhật. Một đơn vị đặc nhiệm của tổ chức OSS (Office of Strategic Services - tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA) đã từng hợp tác cùng các chiến sĩ Việt Minh thành lập một đại đội Việt-Mỹ (do Đàm Quang Trung làm đội trưởng và Thiếu tá A. K. Thomas làm cố vấn) nhắm vào mục tiêu chung chống Nhật. Ngược lại lực lượng Việt Minh cũng bảo vệ các phi công Mỹ bị bắn rơi trong khu vực Đông Dương và đưa họ thoát sang Trung Quốc rồi trao lại cho quân đội Đồng Minh.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình của Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố sự khai sinh của một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn, dựa theo bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, bắt đầu bằng câu: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Đến cuối tháng 9 thì quân đội Anh đổ bộ vào Nam kỳ và quân đội Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch đổ bộ vào Bắc kỳ để giải giới vũ khí của quân đội Nhật theo điều khoản đặt ra bởi Hiệp định Potsdam, ký vào tháng 7 năm 1945. Pháp, được sự hậu thuẫn của các cường quốc Anh, Mỹ và Nga, muốn chiếm lại các thuộc địa cũ của mình. Tất cả Anh, Mỹ và nhóm Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đều muốn hạ chính phủ của Hồ Chí Minh, ngay cả với sự trở lại của chế độ thực dân tại Đông Dương, vì tính chất cộng sản của chính phủ đó. Cả Mỹ lẫn Tưởng Giới Thạch rất khẳng định trong việc này mặc dù trước đó họ là đồng minh của Hồ Chí Minh khi chống Nhật, mặc dù Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc kháng chiến cũng như viết bản tuyên ngôn Độc lập Việt Nam hoàn toàn dựa theo kiểu mẫu của Hoa Kỳ. (Nên nhớ rằng lúc ấy khuynh hướng chống Cộng đang đi lên tại các nước Âu-Mỹ và Tưởng Giới Thạch đang phải đối phó với nhóm Cộng Sản Trung Hoa của Mao Trạch Đông, hơn nữa họ không muốn mất lòng một đồng minh trong Đệ nhị thế chiến quan trọng như Pháp.) Sau khi giải giới vũ khí quân đội Nhật, Anh và Tưởng Giới Thạch trực tiếp trao quyền hành, và vũ khí, lại cho Pháp. Đây là điều mà tất cả người Việt Nam lúc ấy, quốc gia cũng như cộng sản, không chấp nhận được, nhất là sau hơn 100 năm đô hộ của Pháp.
[sửa] Diễn biến
Cuộc chiến Đông Dương khởi đầu đêm 22 rạng 23 tháng 9 năm 1945, do quân Anh - Pháp bất ngờ đánh chiếm trụ sở Lâm ủy Hành chính Nam kỳ. Tuy nhiên, các thành viên lãnh đạo Nam Bộ đã có sự đề phòng trước. Họ đã phát động một cuộc chiến tranh du kích chống trả. Tuy vậy, chiến cuộc vẫn còn giới hạn trong phạm vi của Nam và Trung kỳ. Chính phủ Trung ương lập tức một mặt kêu gọi đàm phán, một mặt huy động lực lượng chi viện cho Nam kỳ. Các đội quân Nam tiến liên tục đổ vào. Các tướng lĩnh quan trọng được cấp tốc cử vào như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...
Nhưng chiến cuộc cũng vẫn không bị thu hẹp mà còn có nguy cơ bùng nổ. Chiến tranh Đông Dương đã bùng nổ chính thức vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, thời hạn chót mà Pháp đòi Việt Minh bỏ vũ khí đầu hàng. Nhưng thực tế Pháp không ngờ là họ sẽ bị thua thảm bại bởi Việt Minh.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam kéo dài trong 9 năm cho đến tháng 5 năm 1954 bằng một trận chiến quyết định tại Điện Biên Phủ mà Việt Minh, dưới quyền chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, đã đánh bại hoàn toàn quân đội Pháp. Trong suốt thời gian này, Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Hoa và Anh nhưng đều bị từ chối. (Hơn thế nữa, Mỹ trực tiếp giúp đỡ và viện trợ Pháp trong cuộc chiến này: những hồ sơ từ Lầu Năm Góc (the Pentagon) cho biết từ 1950 đến 1954 số tiền viện trợ đạt đến gần 1,5 tỉ đô la.) Số mệnh của Pháp tại Đông Dương xem như nằm trong tay người Mỹ, không những về viện trợ không thôi. Chính CIA của Mỹ đã dùng máy bay chở 16 ngàn quân lính Pháp vào Điện Biên Phủ. Chiến thắng này kết thúc sự hiện diện của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và mở đầu cho sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, chuẩn bị cho Chiến tranh Việt Nam.
[sửa] Hiệp định Genève về hòa bình ở Đông Dương
Chiến tranh Đông Dương kết thúc, dẫn đến sự chia cắt Việt Nam thành hai miền: Bắc Việt và Nam Việt, theo Hiệp ước Genève ký giữa các phe liên quan vào ngày 21 tháng 7 năm 1954.
Sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương cũng đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thuộc địa trên toàn thế giới vì, chẳng bao lâu sau đó, các thuộc địa như Algérie, Tunisia và Maroc cũng theo gương Việt Nam nổi dậy.
[sửa] Liên kết ngoài
- Video