Đông Nam Á
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đông Nam Á là một khu vực của châu Á, rộng khoảng 4 triệu km² và bao gồm 11 quốc gia: Brunei, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Vào năm 2004, dân số của cả khu vực lên đến 593 triệu người, trong đó hơn 1/6 sống trên đảo Java (Indonesia).
[sửa] Địa hình
Đông Nam Á là khu vực giao điểm của nhiều mảng địa chất, do đó hoạt động núi lửa và động đất phát triển mạnh. Các quốc gia của khu vực được chia ra làm hai nhóm chính: Myanma, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam nằm ở Đông Nam Á lục địa, còn gọi bán đảo Đông Dương, trong khi đó các nước còn lại tạo nên Quần đảo Malaysia. Quần đảo này được hình thành bởi nhiều cung đảo thuộc về Vành đai núi lửa Thái Bình Dương và là một trong những khu vực có hoạt động núi lửa mạnh nhất thế giới.
[sửa] Tên gọi
Tên gọi "Đông Nam Á" (Southeast Asia) được các nhà nghiên cứu chính trị và quân sự của Hà Lan, Anh, Mỹ đưa ra từ những năm đầu khi nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng chính thức đi vào lịch sử với ý nghĩa là một khu vực địa - chính trị, và quân sự được bắt đầu từ khi tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hội nghị Quebec lần thứ nhất vào tháng 8 năm 1943 nhất trí thành lập Supreme Allied Command in Southeast Asia (Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng Minh ở Đông Nam Á). Trước đó, để chỉ khu vực này, người ta đã dùng nhiều tên gọi khác nhau cho những mục đích riêng biệt.