Chúa Nguyễn
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Loạt bài Lịch sử Việt Nam |
||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Chúa Nguyễn là cách gọi chung trong sử sách và dân gian về một số nhà cai trị các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền nam của Việt Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê Trung Hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi vua Gia Long lên ngôi, hay đầu thế kỷ 19. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kim (1468-1545), một tướng giỏi của nhà Hậu Lê, vì giúp vua Lê chống lại nhà Mạc nên được phong chức Thái Sư Hưng Quốc Công. Về sau, nhà Nguyễn thống nhất đất nước, truy tôn ông là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế. Ông có ba con. Người con gái lớn nhất, tên Ngọc Bảo, lấy chúa Trịnh Kiểm; hai người con trai cũng là tướng giỏi được phong chức Quận công. Vì người con trai lớn, Nguyễn Uông, bị Trịnh Kiểm giết nên người con trai còn lại là Nguyễn Hoàng xin vua Lê cho vào cai trị vùng đất Thuận Hóa để xa Chúa Trịnh. Tổng cộng có chín chúa Nguyễn.
Mục lục |
[sửa] Chín chúa
- Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên (1525-1613), con út của Nguyễn Kim, xưng Chúa năm 1558, có 10 con trai và 2 con gái. Một người con gái lấy chúa Trịnh Tráng. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thái tổ Gia Dụ hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Nguyên tức Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, kế nghiệp năm 1613 vì các anh đều chết sớm và một anh bị Chúa Trịnh giữ tại Đàng Ngoài, có 11 con trai và 4 con gái. Chúa Sãi là người đầu tiên trong dòng họ mang họ Nguyễn Phúc. Tương truyền lúc mẹ ngài có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ "Phúc". Lúc kể lại chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị đứa bé ra đời được đặt tên là "Phúc". Nhưng bà nói rằng, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này làm chữ lót. Và khi thế tử ra đời bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hi Tông Hiếu Văn hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Lan tức Chúa Thượng (1601-1648), con trai thứ hai của Chúa Sãi, kế nghiệp năm 1635 vì anh trưởng chết sớm, có 3 con trai và 1 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thần Tông Hiếu Chiêu hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Tần tức Chúa Hiền (1620-1687), con trai thứ hai của Chúa Thượng, kế nghiệp năm 1648 vì cả anh lẫn em đều chết sớm, có 6 con trai và 3 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thái Tông Hiếu Triết hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Trăn tức Chúa Nghĩa (1650-1691), con trai thứ hai của Chúa Hiền, kế nghiệp năm 1687 vì anh trưởng chết sớm, có 5 con trai và 5 con gái. (Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì Chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái; còn Nguyễn Phúc Trăn không có, mà chỉ có Nguyễn Phúc Trân, em kế của Chúa tức Cương quận công.) Chúa Nghĩa là người dời đô đến Huế. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Chu [1] tức Chúa Minh (còn gọi là Quốc Chúa) (1675-1725), con trai trưởng của Chúa Nghĩa, kế nghiệp năm 1691, có 38 con trai và 4 con gái. Chúa Minh là người đầu tiên sai sứ sang nhà Thanh để xin phong vương nhưng không được nhận vì nhà Thanh vẫn xem vua Lê của Đàng Ngoài là vua của toàn xứ Việt lúc đó. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Chú [2] tức Chúa Ninh (1697-1738), con trai trưởng của Chúa Minh, kế nghiệp năm 1725, có 3 con trai và 6 con gái. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ Vương (còn gọi là Chúa Vũ) (1714-1765), con trai trưởng của Chúa Ninh, kế nghiệp năm 1738, có 18 con trai và 12 con gái. Đến lúc này Chúa Trịnh đã xưng vương nên Nguyễn Phúc Khoát cũng gọi mình là Vũ Vương vào năm 1744 và xem Đàng Trong như một nước độc lập. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế.
- Nguyễn Phúc Thuần tức Định Vương (còn gọi là Chúa Định) (1753-1777), con trai thứ 16 của Vũ Vương, kế nghiệp năm 1765, không có con. Khi còn sống, Vũ Vương đã có ý định cho con trai thứ chín là Nguyễn Phúc Hiệu nối ngôi. Sau khi Nguyễn Phúc Hiệu chết, và con ông hãy còn quá nhỏ, Vũ Vương định cho con trai thứ hai của mình là Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của vua Gia Long sau này) nối ngôi. Khi Vũ Vương chết, một vị quan lớn trong triều là Trương Phúc Loan giết Nguyễn Phúc Luân và lập Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi, lên ngôi. Nhà Nguyễn sau này truy tôn ông là Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế.
Năm Quý Tỵ 1773, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi binh ở Bình Định và đưa quân chiếm thành Quy Nhơn với khẩu hiệu ban đầu là "Phù nguyễn diệt Trương" (Trương ở đây chính là Trương Phúc Loan). Sau khi Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt, Nguyễn Phúc Dương (cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần bằng chú) lên ngôi, gọi là Tân Chính Vương. Năm Tân Dậu 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Định, quân Tân Sơn truy lùng gắt gao, Tân Chính Vương cùng một số quan lại đã bị bắt và bị giết. Nguyễn Phúc Ánh đã bắt đầu sống một mình long đong vất vả và dần dần thu thập binh lính từ các nơi về đảo Thổ Châu và lấy lại Sài Gòn rồi tiến ra Bình Thuận. Sau khi đã củng cố lực lượng, năm Canh Tý 1780, Nguyễn Phúc Ánh (con của Nguyễn Phúc Luân) lên ngôi Vương tại Gia Định, và xưng là Nguyễn Vương. Sự nghiệp của các Chúa dày công xây dựng đã tiêu tan và lịch sử bước sang một trang mới. (Xem chi tiết tại bài Nhà Nguyễn)
[sửa] Kiêng huý
Người Đàng Trong kỵ húy các chúa Nguyễn nên đọc biến âm một số từ ngữ:
- Tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ "hoàng" cũng đọc là "huỳnh" (lưu huỳnh)
- Nguyễn Phúc Khoát là "Vũ Vương", nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ.
- Chữ "Phúc" đọc thành "Phước" để tránh chữ "Phúc" trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
- Chữ "Cảnh" là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) đọc là "kiểng", nên "cây cảnh" gọi là "cây kiểng"
- Chữ "Kính" là tên Nguyễn Hữu Kính, người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là "kiếng" nên "tấm kính" gọi là "tấm kiếng"
- Chữ "Tông" là tên Nguyễn Phúc Miên Tông, tức vua Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là "tôn". Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn... Đến tận sau này một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng này và chép miếu hiệu các vua từ "Tông" thành "Tôn". Các tên đường phố tại miền nam Việt Nam, mà tên gọi là miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi Tông thành Tôn.
Ngoài ra còn nhiều chữ kiêng húy nữa nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống xã hội hơn.
[sửa] Chú thích
- ▲ Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Tu.
- ▲ Khâm định Việt sử thông giám cương mục gọi là Nguyễn Phúc Chú, có tác giả (Nguyễn Tâm) gọi là Thụ.
[sửa] Xem thêm
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản điện tử.
- Nhà Nguyễn
- Tây Sơn