Trịnh Căn
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trịnh Căn | |
---|---|
Năm sinh-mất: | 1633–1709 |
Tên húy: | Trịnh Căn |
Trị vì: | 1682–1709 |
Dưới vua: | Lê Hy Tông Lê Dụ Tông |
Miếu hiệu: | Chiêu tổ |
Thụy hiệu: | Khang vương |
Định Nam vương Trịnh Căn (1633-1709) là chúa Trịnh thứ năm thời Lê trung hưng, ở ngôi từ năm 1682 đến 1709. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.
Sự nghiệp của Trịnh Căn chính là gạch nối cơ bản giữa thời Trịnh Nguyễn phân tranh và thời thịnh trị của Đàng Ngoài. Ông là người chỉ huy có công chặn đứng thế bắc tiến của quân Nguyễn, giữ hoà bình cho Bắc Hà và đưa miền bắc Việt Nam vào thời kỳ phát triển phồn thịnh trở lại sau nhiều năm binh lửa.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Trịnh Căn là con trưởng của Tây Đô vương Trịnh Tạc, khi chưa lên ngôi được phong tước Phú quận công. Lúc nhỏ ông từng phạm tội bị giam vào ngục, sau nhờ khéo vận động nên được tha. Trịnh Căn chính thức xuất hiện trên chính trường kể từ trận Nghệ An, cuộc đụng độ thứ năm giữa Trịnh và Nguyễn lúc mới 24 tuổi.
[sửa] Đại chiến quân Nguyễn
- Xem thêm bài Trịnh Nguyễn phân tranh.
[sửa] Hoàn cảnh
Trịnh Căn lớn lên trong thời chiến tranh giữa Trịnh và Nguyễn đang ở cao trào. Thanh Đô vương Trịnh Tráng, ông nội của Trịnh Căn 4 lần mang quân vào nam đều không giành được thắng lợi, hao binh tổn tướng. Ngay cả khi người Hà Lan đã đến giúp sức đánh họ Nguyễn nhưng vẫn không kết quả. Thuỷ quân lợi hại của chúa Nguyễn bắn cháy chìm một tàu Hà Lan buộc hai tàu kia phải bỏ chạy.
Sau nhiều lần đánh lui được quân Trịnh, tháng 4 năm 1655, chúa Nguyễn cử hai danh tướng là Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc Bố Chính. Đây là lần đầu tiên quân Nguyễn chủ động tấn công Bắc Hà, khí thế rất hăng hái. Các tướng Trịnh là Phạm Tất Toàn đầu hàng, Lê Hữu Đức thua trận bỏ Hoành Sơn, Lê Văn Hiểu cũng thua chạy bỏ Hà Trung, cùng với Hữu Đức về giữ An Trường (Nghệ An).
Thanh Đô vương thấy ba tướng đều thua, sai Trịnh Thượng làm Thống lĩnh mang quân vào nam. Trịnh Thượng lãnh binh, ban đầu quân Nguyễn hơi lùi, sau bị hai tướng Nguyễn là Tiến, Dật chia đường thuỷ, bộ đánh tan. Quân Trịnh hai cánh đều thua về giữ An Trường. Thế là 7 huyện Nghệ An ở phía nam sông Lam về tay chúa Nguyễn. Một nửa Nghệ An bị mất, đất căn bản Thanh Hoá của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh bị uy hiếp dữ dội. Quân Nguyễn hừng hực khí thế bắc tiến như thể sắp đánh ra Thăng Long.
Chúa Trịnh giận dữ giáng chức Thượng rồi cử cha Trịnh Căn là Trịnh Tạc vào làm Thống lĩnh, lấy lại đất đã mất. Hữu Tiến thấy viện binh Trịnh bèn lui về giữ Hà Trung. Nhưng lúc đó ở phía bắc, tàn dư họ Mạc lại quấy rối ở Cao Bằng, Trịnh Tạc được lệnh phải rút về bắc để lo đánh dẹp, để lại các tướng ở lại trấn thủ.
Năm 1556, Hữu Tiến và Hữu Dật lại tiến hai đường thuỷ, bộ đánh tới, phá tan hai đạo quân Trịnh. Các tướng Đào Quang Nhiêu, Vũ Văn Thiêm thua chạy về giữ An Trường. Trịnh Tráng bèn cử con út là Ninh quốc công Trịnh Toàn, chú của Trịnh Căn mang quân vào cứu viện. Toàn đốc quân đánh nhau với quân Nguyễn, tuy ban đầu thắng được hai trận ở Hương Bộc, Đại Nại nhưng sau đó lại bị thua, một lần nữa lại phải co về giữ An Trường.
[sửa] Giữa cha và chú
Giữa lúc chiến trận ở Nghệ An đang ác liệt thì chúa Trịnh Tráng bệnh nặng, Trịnh Tạc được phong làm Tây Đô vương thay cha cầm quyền điều hành. Trịnh Toàn là người có tài, hết sức lấy lòng quân sĩ, bị Trịnh Tạc nghi ngờ có ý tranh ngôi. Trịnh Tạc bèn cho Trịnh Căn làm Phú quận công, mang quân vào Nghệ An, vừa để tăng viện chống quân Nguyễn vừa để phòng ngừa Trịnh Toàn làm loạn. Theo lệnh cha, Trịnh Căn vào Nghệ An, đóng ở huyện Hưng Nguyên nghe ngóng tình hình.
Tháng 4 năm 1657 chúa Trịnh Tráng qua đời, Tây Đô vương Trịnh Tạc chính thức lên ngôi, sai người triệu Trịnh Toàn về kinh. Các tướng dưới quyền Trịnh Toàn lo sợ bị hỏi tội bèn chạy sang đầu hàng chúa Nguyễn. Trịnh Toàn thế cô, đến cửa doanh trại của Trịnh Căn xin cháu đoái thương. Trịnh Căn lấy lẽ thuận nghịch thuyết phục rồi nói với Toàn: “Việc đã như thế, phải tự mình về cửa khuyết đợi mệnh”. Toàn miễn cưỡng trở về kinh, bị Trịnh Tạc bắt giam, lấy cớ không chịu tang cha rồi tra hỏi tội và giết đi.
Sử Lê-Trịnh đánh giá rất cao việc Trịnh Căn ngăn chặn được việc làm phản của Trịnh Toàn đang lúc còn manh nha, nhưng các nhà sử học về sau cho rằng lý do là Toàn không có ý phản, ngay cả khi thủ hạ đã chạy đi hàng Nguyễn.
[sửa] Cầm cự với địch mạnh
Tháng 6 năm 1657, Trịnh Căn chia quân sai Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến và Trịnh Thế Công vượt sông Lam đánh tướng Nguyễn là Tống Hữu Đại ở huyện Thanh Chương. Do có người tiết lộ, Hữu Tiến biết trước phòng bị nên quân Trịnh bị thua rút về bờ bắc sông Lam. Sau đó Trịnh Căn điều quân đánh Đông Hôn nhưng cũng bị thua trận.
Trước thế địch mạnh, thắng trận liên tiếp, quân nhà đang nhụt nhuệ khí, Trịnh Căn chủ trương cầm cự, không đánh lớn để chờ thời cơ. Ông cũng biết thực lực của quân Nguyễn không đủ mạnh, quân ít chỉ lợi đánh nhanh thắng nhanh, đi đánh xa lâu ngày đã mệt nên cũng không đủ sức ồ ạt bắc tiến như trước. Tranh thủ thời gian ngưng chiến, ông ra sức củng cố tinh thần tướng sĩ vừa bị thua trận và chia rẽ sau chuyện Trịnh Toàn. Nhờ đó khi thế quân Trịnh dần dần được tăng lên rõ rệt. Trong quân ngũ, Trịnh Căn điều hành rất nghiêm. Biết tướng Nguyễn Đức Dương lén bán lương cho quân Nguyễn để kiếm lợi, Trịnh Căn bắt Dương xử tử ngay. Sau đó ông lại phát hiện tướng Hoàng Nghĩa Chấn vì ganh ghét Đào Quang Nhiêu nên không chịu đến tiếp ứng cho Nhiêu khiến trận đánh quân Nguyễn ở Bạch Đàng thất bại, ông bèn giết chết Chấn.
Việc hành xử của vị thống chế trẻ tuổi khiến tướng sĩ một lòng tin phục chấp hành mệnh lệnh. Tháng 6 năm 1658, tù trưởng Lang Công Chấn ở Quỳnh Lưu theo Nguyễn, mang quân đánh Trịnh, bị quân Trịnh đánh bại bắt được giải về Thăng Long. Tháng 7, quân Nguyễn vượt sông Lam thắng được Nguyễn Hữu Tá ở huyện Hưng Nguyên nhưng sau đó bị tướng Lê Thì Hiến đánh bại phải rút về. Tháng 12, quân Trịnh đánh thắng quân Nguyễn ở huyện Hương Sơn.
Những thắng lợi liên tiếp dù chỉ là những cánh quân nhỏ của địch nhưng nâng cao tinh thần cho quân Trịnh rất nhiều. Cùng lúc đó biến cố khác khiến Trịnh Căn thêm tin tưởng vào khả năng đánh bại quân Nguyễn.
Quân Nguyễn không đủ thực lực để tự mình bắc tiến nên Nguyễn Hữu Dật đã sai người ra bắc câu kết với các lực lượng phản Trịnh như Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây, họ Mạc ở Cao Bằng, họ Vũ ở Tuyên Quang. Tuy nhiên hai bên dùng dằng, ỷ lại vào nhau. Tây Định vương Trịnh Tạc phát giác, dụ giết chết Phạm Hữu Lễ khiến các cánh Mạc, Vũ không dám cử động, quân Nguyễn cũng hết trông đợi nội ứng. Giữa lúc đó các tướng Nguyễn nảy sinh mâu thuẫn. Hữu Tiến và thuộc tướng ghét Hữu Dật vì Dật được chúa Nguyễn tin hơn. Trịnh Căn nhân đó bèn sai người mang vàng đến dụ nhưng không kết quả. Tuy nhiên ông nhận thấy thời cơ đánh thắng quân chủ lực của Nguyễn đã đến.
[sửa] Thu hồi đất cũ
Sau thất bại ở Đông Hôn lần thứ hai tháng 8 năm 1660, Trịnh Căn viết thư về kinh xin thêm viện binh. Chúa Trịnh phát thêm 1 vạn quân và 3 tướng ra mặt trận. Có thêm lực lượng, ông chia quân ra bày trận nhiều nơi khiến quân Nguyễn không biết phải phòng bị chỗ nào.
Tháng 9 năm 1660, Trịnh Căn chia quân đánh cứ điểm quan trọng Lận Sơn, sai Hoàng Nghĩa Giao và Lê Thì Hiến đang đêm vượt sông Lam. Cánh quân của Giao đến Lận Sơn bị Nguyễn Hữu Dật vây ngặt, 4 tướng Trịnh bị tử trận. Trịnh Căn đang thị chiến trên núi Dũng Quyết, thấy Giao bị vây bèn điều quân đến cứu, lại sai các đội quân thuỷ tiến qua sông trợ chiến, nhằm quân Nguyễn bắn dữ dội. Nguyễn Hữu Dật không cự nổi, thua chạy rút về Khu Độc.
Cánh quân của Thì Hiến và Mẫn Văn Liên đụng Nguyễn Hữu Tiến ở Tả Ao, Tuy tướng Mẫn Văn Liên tử trận nhưng quân Trịnh phá được luỹ, đốt cháy doanh trại Hữu Tiến. Tiến thua to phải rút về Nghi Xuân.
Thế là hai cánh quân Nguyễn do hai danh tướng khét tiếng bách chiến bách thắng từng làm khiếp đảm quân Trịnh đều đã bị đánh bại. Tinh thần quân Trịnh vô cùng phấn chấn. Những cái tên Hữu Dật, Hữu Tiến không còn là nỗi ám ảnh cho quân Trịnh nữa.
Chúa Trịnh nghe tin thắng trận lại tăng viện cho Trịnh Căn. Ngày 17 tháng 11 năm 1660, biết bên Nguyễn các tướng bất hoà, quân (mới hàng ở Nghệ An) lại bỏ trốn, Trịnh Căn sai Lê Thì Hiến và Lê Sĩ Triệt đánh huyện Nghi Xuân, Hoàng Nghĩa Giao và Nguyễn Năng Thiệu đánh huyện Thiên Lộc. Quân Trịnh liên tiếp phá tan quân Nguyễn trong 3 ngày 17, 18 và 19. Quân Nguyễn tan vỡ thua chạy. Quân Trịnh lấy lại 7 huyện ở Nghệ An.
Hữu Tiến thua trận buộc phải rút quân, nhưng vì ghét Hữu Dật nên giả cách hạ lệnh đánh An Trường và bí mật rút về Nam Bố Chính không báo cho Dật biết. Trịnh Căn đang đà thắng, điều quân sang sông đánh Khu Độc. Dật biết tin Tiến rút, bèn nghi binh khiến quân Trịnh không dám đuổi gắt. Quân Trịnh lấy lại Bắc Bố Chính. Thế là toàn bộ đất đai bị mất năm 1655 được thu về. Trịnh Căn để Đào Quang Nhiêu kiêm trấn thủ Nghệ An và Bắc Bố Chính, còn mình rút về bắc.
[sửa] Ra tay đánh dẹp
Sau chiến thắng 1660, Trịnh Căn nổi danh vang dội ở Bắc Hà. Ông được phong chức thái uý, Nghi quận công.
Sau 1 năm nghỉ binh, tháng 10 năm 1661, Trịnh Tạc mang vua Lê Thần Tông cử đại binh vào nam, cử Trịnh Căn làm thống lĩnh cùng các tướng Hoàng Thể Giao, Đào Quang Nhiêu, Lê Thì Hiến vượt sông Gianh. Nguyễn Hữu Dật trấn thủ Nam Bố Chính chia quân đắp luỹ thế thủ, quân Trịnh đánh mấy tháng không hạ được. Tháng 3 năm 1662, quân viễn chinh mệt mỏi, lương hết, chúa Trịnh bèn rút quân về bắc.
Năm 1667, Trịnh Căn làm tổng chỉ huy cùng các tướng Đinh Văn Tả, Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương tiến đánh Cao Bằng. Lúc này nhà Minh ủng hộ cho họ Mạc đã mất, nhà Thanh lên thay cũng không giúp họ Mạc nữa vì Mạc Kính Vũ lại theo phản thần Ngô Tam Quế chống nhà Thanh. Kính Vũ bỏ trốn sang nhà Thanh rồi bị bắt. Họ Trịnh đã dứt được lực lượng cát cứ của họ Mạc ở Cao Bằng suốt từ đời Bình An vương Trịnh Tùng kéo dài 80 năm.
Năm 1672, chúa Trịnh lại cử binh nam tiến, sai Trịnh Căn lĩnh thuỷ binh, Lê Hiến lĩnh bộ binh. Quân Trịnh hăng hái đánh luỹ Trấn Ninh mấy lần suýt hạ được nhưng Hữu Dật cố sức chống đỡ. Quân Trịnh đánh mãi không thắng phải rút về Bắc Bố Chính, gặp lúc Trịnh Căn lại bị ốm, Trịnh Tạc lúc đó tuổi đã cao, thấy con là chỗ dựa lớn nhất không thể cầm quân bèn rút đại quân về kinh, cử Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt ở lại trấn thủ. Giao tranh Trịnh Nguyễn từ đó cũng ngừng hẳn.
[sửa] Cai trị Đàng Ngoài
Năm 1682, Tây Đô vương Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên ngôi, tức là Định Nam vương. Kế tục sự nghiệp của cha, Trịnh Căn chú tâm củng cố bộ máy cai trị ở Bắc Hà. Ông trọng dụng các danh sĩ như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tông Quai…
Năm 1683, Trịnh Căn hạ lệnh cho các quan phải vi hành để thị sát dời sống dân chúng. Trong lệnh chỉ ông viết: “Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên của chính sự. Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc, bọn quyền quý ức hiếp, có người vì oan ức phải phiêu tán tha hương, họ cần được vỗ về thưong yêu mới phải”.
Năm 1693, ông chỉnh đốn lại thể văn thi ở các khoa trường, đặt chức quan quản lĩnh công việc ở Quốc Tử Giám, lập sổ “tu tri” quản lý các xã thôn trong nước.
Bằng nhiều nỗ lực ngoại giao, Trịnh Căn buộc nhà Thanh phải trả lại một số thôn ấp ở vùng biên giới do các quan trấn thủ nhà Thanh lấn chiếm khi họ Trịnh mải tập trung vào chiến tranh với họ Nguyễn.
Do hai con lớn là Trịnh Vĩnh, Trịnh Bách lần lượt qua đời, sau đó cháu nội là Trịnh Bính (con Trịnh Vĩnh) cũng mất sớm, Trịnh Căn lập chắt là Trịnh Cương (con Bính) làm người kế vị. Năm 1704, ông dẹp tan cuộc làm loạn của hai người con Trịnh Bách là Luân và Phất muốn tranh ngôi thế tử.
Năm 1709, Trịnh Căn qua đời, thọ 77 tuổi, ở ngôi chúa được 28 năm (1682-1709), được tôn là Chiêu tổ Khang vương. Các sử gia đương thời đánh giá Trịnh Căn rằng: “Về chính trị, thưởng phạt rõ ràng, mối rường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc”.
Trịnh Cương lên ngôi, tức là An Đô vương.
[sửa] Nhà thơ
Không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự, Trịnh Căn còn là một nhà thơ. Ông có để lại một tập thơ nôm “Ngự đề Thiên Hoà doanh bách vịnh”, làm theo thể thơ Hàn luật. Đây là tập thơ có tính chất cung đình, nhân danh bậc vua chúa vịnh trăm bài thơ ở điện Thiên Hoà, với mục đích ca ngợi triều đại, công tích và ân huệ trị dân của mình. Theo các nhà nghiên cứu văn học, tập thơ có tính chất gần giống với “Hồng Đức quốc âm thi tập” của Lê Thánh Tông. Tập thơ có những bài vịnh cảnh sông núi, chúa miếu, thiên nhiên, thời khắc rất hay, thể hiện niềm tự hào về văn vật đất nước. Thơ của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá là khá chải chuốt, điêu luyện dù đôi khi sa vào khuôn sáo.
[sửa] Nhận định
Có thể nói, sau Lê Thánh Tông trở đi, ở nước Đại Việt chiến sự liên miên, những người cầm quyền phần nhiều bị cuốn vào chuyện binh đao, hiếm có một vị vương giả nào kiêm được thành tích trên cả ba mặt “chiến”, “trị” và “văn” như Trịnh Căn. Hiển nhiên công tích về cả ba mặt này của Trịnh Căn, cũng như ngôi vị của ông, đều chưa được như vua Lê, người được coi là vị vua xuất sắc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Mọi thứ của Trịnh Căn đều gần như một Lê Thánh Tông thu nhỏ: vua Lê là “đế”, Trịnh Căn là “vương”; vua Lê mở đất, Trịnh Căn chỉ giữ đất; vua Lê làm nhiều thơ và lập cả Hội Tao Đàn, Trịnh Căn chỉ để lại một tập thơ.
Tuy nhiên, thời đại của Trịnh Căn nhiều điều kiện khách quan khó khăn hơn thời Lê Thánh Tông. Thời Lê Thánh Tông lên ngôi, dù vừa xảy ra biến loạn Lê Nghi Dân, nhưng đó chỉ là biến loạn cung đình, đời sống xã hội không hề bị xáo trộn, nhân dân được no ấm, đất nước thái bình đã hơn 30 năm. Kẻ địch lúc đó là nước Chiêm Thành ở miền nam đã suy yếu. Trong khi đó, thời Trịnh Căn, nội chiến kéo dài gần nửa thế kỷ với một kẻ địch mạnh và có thừa sự khôn ngoan, đất căn bản Bắc Bộ vẫn đang bị chia cắt.
Có một đặc điểm về mặt chính trị thời Trịnh Căn khác thời Lê Thánh Tông: đó là thời của thể chế “lưỡng đầu”, vừa có vua vừa có chúa, nên luôn tồn tại mâu thuẫn âm ỉ trong cung đình giữa những người trong dòng họ nắm “thực quyền” và những người trong dòng họ chỉ có quyền trên “danh nghĩa”. Trịnh Căn nói riêng và các chúa Trịnh nói chung, dù có công lao với Bắc Hà, vẫn bị mang tiếng là “quyền thần”, “hiếp vua”, “lộng hành”, nhất là sử sách nhà Nguyễn sau này đã có nhiều lời chê trách.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Tham khảo
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, 2001
- Từ điển Văn học
- Thời Nam Bắc triều
Trước: Trịnh Tạc |
Chúa Trịnh 1682-1709 |
Sau: Trịnh Cương |