Nội chiến Mỹ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nội chiến Mỹ là cuộc tranh chấp quân sự giữa chính phủ liên bang và 11 tiểu bang phía nam Hoa Kỳ khi những tiểu bang này đòi tiếp tục phát triển hệ thống nô lệ và khi không đươc chấp thuận, thành lập chính phủ riêng. Tổng thống chính phủ Hoa Kỳ Abraham Lincoln và Đảng Cộng Hòa, từ chối không công nhận chính phủ ly khai này. Các tiểu bang phía nam (confederate tạm gọi là Liên Hiệp phía Nam) bầu ra tổng thống riêng là Jefferson Davis và mở đầu cuộc chiến ngày 12 tháng 4, 1861 khi họ tấn công căn cứ quân sự của quân Liên Bang tại đồn Sumter, South Carolina. Cuộc phân tranh Nam-Bắc kéo dài 4 năm, từ 1861 đến 1865.
Trong năm đầu của cuộc chiến, quân miền Bắc chiếm đóng và kiểm soát dọc biên giới các tiểu bang, đồng thời ngăn chận mặt biển. Hai phe thi nhau tăng cường quân lực. Những cuộc đụng độ đẫm máu bắt đầu từ năm 1862. Sau trận đánh tại Antietam, tháng 9 1862, Lincoln ra tuyến cáo giải phóng nô lệ, coi việc trả tự do cho nô lệ là mục tiêu chính yếu. Mặc dù lúc đó có nhiều phe đảng trong chính phủ vẫn còn ủng hộ thể chế nô lệ, họ phải đồng ý với tuyên cáo này vì an ninh của chính phủ liên bang. Tuyên cáo này cũng làm cho Anh và Pháp khó lấy cớ ủng hộ quân miền Nam. Cũng nhờ tuyên cáo giải phóng nộ lệ mà quân miền Bắc chiêu mộ được một lực lượng khá nồng hậu là quân lính Mỹ gốc Phi. Trong khi đó miền Nam không muốn quân đội của họ có sắc dân gốc Phi.
Sau trận đánh ở Potomac, tướng miền Nam Robert Edward Lee đạt nhiều thắng lợi ở mặt trận phía Đông - tuy viên tùy tướng giỏi của ông là Jonathan Jackson (biệt danh "tường đá") bị bắn chết trong trận Chancellorsville vào tháng 5 1863. Lee tấn công lên miền Bắc nhưng bị đánh bại trong trận chiến trứ danh tại Gettysburg - ông suýt bị bắt và may mắn lắm mới bỏ chạy được về Virginia.
Về phía Tây, quân miền Bắc đoạt được cảng New Orleans năm 1862. Tướng miền Bắc là Ulysses S. Grant đem quân chiếm đoạt được Vicksburg, khống chế sông Mississippi vào tháng 7 1863 - cắt đôi lực lượng miền Nam.
Đến năm 1864, quân miền Bắc với nhiều lợi thế về địa hình, quân lực, kỹ nghệ, tài chánh, kế hoạch chính trị và chuyên chở bắt đầu lấn thế quân miền Nam. Hai tướng Grant và Lee đánh nhau nhiều trận kinh hồn tại vùng Virginia trong mùa hè 1864. Tuy tướng Lee thắng về mặt chiến thuật, ông thua về mặt chiến lược vì quá hao binh tổn khí - do đó ông phải rút về Richmond đóng giữ trong các tuyến đường hào. Trong lúc đó, tướng miền Bắc William Tecumseh Sherman chiếm được Atlanta thuộc tiểu bang Georgia và tiến thẳng ra bờ biển, phá vỡ vòng đai cố thủ của Georgia.
Năm 1865, tướng Lee ký giấy nhận đầu hàng tại tòa án Appomattox - chấm dứt cuộc tương tàn nam bắc Hoa Kỳ và bắt đầu cuộc giải phóng nô lệ tại Mỹ.
Thời hậu chiến là những năm hồi phục khó khăn. Hậu quả của cuộc phân tranh là 970.000 người chết, trong đó 620.000 là binh lính, gần hai phần ba do bệnh. Cho đến nay nhiều người Mỹ vẫn còn bàn cãi nhiều về những khía cạnh của cuộc chiến tàn khốc này.
Mục lục |
[sửa] Diễn biến
[sửa] 1860
6 tháng 11 - Abraham Lincoln, người đảng Cộng Hòa đầu tiên đắc cử tổng thống với 180 phiếu thuận trong 303. Ông tuyên bố chính phủ không thể chấp nhận một xã hội có nô lệ. 20 tháng 12 - tiểu bang South Carolina phản đối chính sách của Lincoln và ly khai chính phủ. Hai tháng sau, các tiểu bang Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, Louisiana and Texas cũng ly khai.
[sửa] 1861
9 tháng 2 - Liên Hiệp các tiểu bang phái Nam thành lập và bầu lãnh tụ là Jefferson Davis - cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, từng học trừ bị tại trường quân sự West Point.
4 tháng 3 - Abraham Lincoln chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.
12 tháng 4 - Lúc 4:30 sáng, quân miền Nam dưới chỉ huy của tướng Pierre Beauregard bắn đại bác vào đồn Sumter ở Charleston, South Carolina. Cuộc nội chiến bắt đầu.
15 tháng 4 - Lincoln ra tuyên cáo tuyển mộ 75.000 binh sĩ và họp quốc hội đặc kỳ cho ngày quốc khánh 4 tháng 7.
Tướng Robert E. Lee, con trai của một anh hùng cách mạng Mỹ, cựu sĩ quan với 25 năm kinh nghiệm chiến trường và cựu hiệu trưởng trường West Point được đề cử thống lĩnh quân miền Bắc. Nhưng ông từ chối.
17 tháng 4 - Virginia ly khai, tiếp theo là Arkansas, Tennessee, and North Carolina - tạo khối 11 tiểu bang, gồm 9 triệu dân, trong đó co 4 triệu nô lệ. Chính phủ miền Bắc Hoa Kỳ chỉ còn 21 tiểu bang và 20 triệu dân.
19 tháng 4 - Lincoln ra lệnh khóa các cảng hàng hải phía nam. Do đó, miền Nam bị thiếu nguyên liệu trong khi miền Bắc tiếp tục phát triển kỹ nghệ.
20 tháng 4 - Tướng Lee sau khi từ chối không giúp miền Bắc, từ chức và trở về quê quán tại Richmond Virginia và nhận thống lãnh quân đội miền Nam.
4 tháng 7 - Lincoln đọc diễn văn tại quốc hội. Quốc hội đồng ý kêu gọi 50,000 binh sĩ cho cuộc chiến với miền Nam.
21 tháng 7 - Quân miền Nam dưới chỉ huy của Thomas J. Jackson ngăn chận nhiều đợt tấn công của quân miền Bắc. Tướng miền Bắc Irvin McDowell bị đánh bại tại Bull Run, cách Washington 25 dặm phía tây nam.
27 tháng 7 - George B. McClellan được thăng chức thay thế McDowell. Sau đó McClellan được cử làm chỉ huy tham mưu trưởng.
8 tháng 11 - Khủng hoảng bang giao quốc tế với Anh Quốc. Hai tùy viên miền Nam trên chuyến tàu sang Anh bị hải quân miền Bắc bắt giữ. Chính phủ Anh đòi trả tự do cho hai người này, không thì sẽ khai chiến. Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln đành nhượng bộ thả họ ra vào tháng 12.
[sửa] 1862
6 tháng 2 - Tướng miền Bắc Ulysses S. Grant đánh thắng chiếm đoạt đồn Henry va 10 ngày sau hạ được đồn Donelson. Ông được biệt hiệu "Tướng chuyên bắt đầu hàng vô điều kiện".
8 tháng 3 - Tàu chiến bọc sắt Merrimac của miền Nam đánh chìm hai tàu chiến gỗ miền Bắc. Sau đó bất phân thắng bại khi đụng tàu bọc sắt Monitor của miền Bắc.
Tháng 3 - McClellan kéo quân đoàn Potomac từ Washington dọc sông Potomac và vịnh Chesapeake xuống bán đảo phía nam của Richmond và tiến về thủ phủ của miền Nam. Lincoln tạm thời giữ chức tham mưu trường chỉ huy quân miền Bắc.
6 tháng 4 - Quân miền Nam bất thình lình đánh úp quân của tướng Grant tại Shiloh trên sông Tennessee. Gần 13.000 quân miền Bắc và 10.000 quân miền nam tử trận. Các chính giới miền Bắc đòi đuổi Grant nhưng Lincoln không nghe, tin tưởng tài nghệ của vị tướng này.
24 tháng 4 - Sĩ quan hải quân miền Bắc David Farragut đem 17 chiến thuyền theo sông Mississippi lên đánh chiếm New Orleans, một hải cảng quan trọng của miền Nam.
31 tháng 5 - Tướng miền Nam Gen. Joseph E. Johnston bị thương nặng trong trận đánh bật quân của McClellan bên ngoài Richmond. Hôm sau tướng Lee lên thay thế Johnston, đổi tên lực lượng miền Nam thành Quân đội Bắc Virginia. McClellan khinh thường Lee, cho ông ta là người "...bẽn lẽn và thiếu cơ mưu trong tác chiến".
25 tháng 6 - 1 tháng 7 - Trận đánh Bảy Ngày. Lee đánh nhau với McClellan gần Richmond. Hai bên đều tổn thất nặng nề. McClellan thấy không xong bèn từ từ rút về Washington. Trong trận đánh tại Malvern Hill, binh sĩ miền Nam Edwin Jennison tử trận khi mới 16 tuổi.
11 tháng 7 - Tướng Henry W. Halleck lãnh chức chỉ huy tham mưu trưởng quân đội miền Bắc.
29 tháng 8 - Trận thứ nhì tại Bull Run giữa 75.000 quân miền Bắc do tướng John Pope chỉ huy và 55.000 quân miền Nam do hai tướng Stonewall Jackson và James Longstreet. Quân miền Bắc thua to và chạy về Washington. Pope bị cách chức.
4 tháng 9 - Tướng Lee dẫn 50.000 quân tấn công miền Bắc, chĩa mũi dùi về Harpers Ferry, cách Washington 50 dặm phiá tây bắc. Tướng McClellan dẫn 90,0000 quân miền Bắc đuổi theo.
[sửa] Antietam
17 tháng 9 - Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử Hoa Kỳ. Tướng McClellan và các tướng tùy tùng chận đánh quân của tướng Lee tại Antietam Maryland. Hơn 26,000 binh lính tử trận, bị thương hay mất tích. Tướng Lee phải rút lui chạy về Virginia.
22 tháng 9 - Lincoln tuyên cáo sơ khai về cuộc giải phóng nô lệ.
7 tháng 11 - Tổng thống Lincoln thất vọng khi thấy McClellan không biết nhanh chóng thừa thắng xông lên, bỏ lỡ cơ hội tấn công miền nam khi Lee thua chạy. Tướng Ambrose E. Burnside được bổ nhiệm thay thế McClellan.
13 tháng 12 - Burnside thất bại nặng nề trong trận chiến tại Fredericksburg thuộc Virginia. Sau 14 lần công kích các chiến hào gần Marye's Heights, 12.653 lính miền Bắc tử trận so với 5.309 bên miền Nam.
[sửa] 1863
1 tháng 1 - Tổng thống Lincoln chính thức ra tuyên cáo Giải Phóng Nô Lệ - trả tự do cho mọi người Mỹ gốc Phi xưa nay là nô lệ của các địa chủ Mỹ. Đồng thời kêu gọi những người nô lệ này nhập ngũ. Cuộc chiến lúc đầu có ý nghĩa bảo vệ quyền hạn chính phủ; lúc này trở thành cuộc chiến cách mạng giải thể chế độ nô lệ.
25 tháng 1 - Tướng Joseph Hooker thay thế Burnside chỉ huy quân đoàn Potomac.
29 tháng 1 -Tướng Grant được cử chức chỉ huy trưởng quân đoàn miền Tây với nhiệm vụ chiếm Vicksburg.
3 tháng 3 - Quốc hội ra lệnh tổng động viên, bắt buộc người nam tuổi từ 20 đến 40 phải nhập ngũ - trử khi đóng $300 thế chân hay mướn được ai khác đi thay mình.
1 tháng 5 - Tướng Lee đem 60.000 quân miền Nam đánh 130.000 quân miền Bắc do tướng Hooker cầm đầu tại Chancellorsville. Do chiến thuật tài tình táo bạo, Lee đánh tan quân miền Bắc. Bên miền Nam 13.000 lính thiệt mạng, so với 17.000 lính miền Bắc tử vong.
10 tháng 5 - Tướng miền Nam Stonewall Jackson chết vì vết thương trong trận Chancellorsville. Ông bị quân của chính mình bắn nhầm.
13 tháng 6 - Tướng Lee kéo 75.000 quân đánh miền Bắc lần thứ nhì, nhắm hướng Pennsylvania.
28 tháng 6 - Tướng George G. Meade được Lincoln cử làm chỉ huy quân đoàn Potomac thay thế Hooker. Trong vòng 1 năm chức vụ này thay người 5 lần.
[sửa] Gettysburg
1 tháng 7 - Meade đem quân ngăn chận quân của tướng Lee từ miền Nam lên. Hai bên dàn trận tại Gettysburg. Hàng rào phía tây bắc của làng do một đội kỵ binh miền Bắc phòng thủ, sau đó tăng cường thêm hai đội bộ binh. Nhưng quân miền Nam tràn vào thật nhanh phá vỡ hàng phòng thủ này. Quân miền Bắc phải rút vào trong làng và chạy về ngọn đồi phiá nam.
Ngày hôm sau, quân đội hai bên dàn dựng chỉnh tề. Quân miền Bắc có đội hình móc câu. Tướng Lee xua quân miền Nam tràn vào đánh từ cánh trái và hai bên đánh nhau kịch liệt. Tuy thiệt hại nặng nề, quân miền Bắc giữ được phòng tuyến, không lùi bước.
Ngày thứ ba của trận đánh, trong khi kỵ binh hai bên đánh xáp lá cà tại nhiều nơi, tướng Lee quyết định xua 12.500 quân bộ binh miền Nam tấn công trung điểm của hội hình quân miền Bắc. Nhưng cả đoàn quân bị miền Bắc đem súng và đại bác ra bắn tan tành. Lee phải rút quân chạy về Virginia.
Khoảng 45-50 ngàn người lính Mỹ chết trong trận đánh kinh hồn này.
4 tháng 7 - Tướng Grant chiếm Vicksburg, thủ phủ cuối cùng trên sông Mississippi của miền Nam. Lực lượng miền Nam do đó bị chia hai không liên lạc tiếp tế được cho nhau.
13 tháng 6 - Bạo động chống tổng động viên tại New York do người di dân da trắng chủ động. Có đến 120 người da đen, kể cả trẻ con, bị giết và nhà cửa bị đốt. Quân đội từ Gettysburg phải kéo về giữ an ninh.
18 tháng 7 - Đội quân da đen của quân đoàn 54 Massachusetts dưới sự chỉ huy của Trung tá Robert G. Shaw tấn công đồn Wagner thuộc South Carolina của quân phiến loạn miền Nam. Shaw và 600 binh sĩ của ông bị bắn chết.
10 tháng 8 - Chính trị gia Frederick Douglass đòi quyền bình đẳng cho binh sĩ của Đội quân da đen.
21 tháng 8 - William C. Quantrill và 450 người ủng hộ thể chế nô lệ tràn vào tỉnh Lawrence của Kansas và giết 182 người, đàn ông và thiếu niên.
19 tháng 9 - Quân đoàn Tennessee do tướng miền Nam Braxton Bragg thống lãnh chiến thắng tại Chickamauga. Tướng miền Bắc William S. Rosecrans và quân đoàn Cumberland của ông bị vây chặt tại Chattanooga, Tennessee.
16 tháng 10 - Tướng Grant được tổng thống Lincoln giao phó chức vụ tổng chỉ huy toàn mặt trận miền Tây.
19 tháng 11 - Tổng thống Lincoln đọc diễn văn Gettysburg Address dài hai phút - công bố chiến trường Gettysburg là Nghiã Trang Quốc Gia.
23 tháng 11 - Tướng Grant kéo đến đánh quân miền Nam của tướng Bragg, phá vỡ vòng vây tại Chattanooga.
[sửa] 1864
9 tháng 3 - Tổng thống Lincoln đề cử tướng Grant làm tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Hoa Kỳ. Tướng William T. Sherman nhậm chức chỉ huy quân đội miền Tây.
Tháng 5 - Grant kết hợp các quân đoàn thành một lực lượng 120.000 lính tiến về Richmond. Tướng Lee lúc này chỉ còn 64.000 quân. Hai bên đánh nhau tại nhiều nơi: Wilderness (5 tháng 5), Spotsylvania (8 tháng 5).
Tại phía tây, tướng Sherman đem 100.000 quân nhắm hướng Atlanta để đương đầu với 60.000 quân Tennessee của tướng miền Nam Joseph E. Johnston.
3 tháng 6 - Tướng Grant tính toán sai lạc khi tấn công Cold Harbor và lãnh thiệt hại nặng nề với 7.000 quân miền Bắc tử vong. Trước đó nhiều viên chức sĩ quan trong đội quân này đã biết không thể nào chiếm được Cold Harbor. Một binh sĩ bị chết trong trận này đã biết trước số phận của mình và viết trong nhật ký: "3 tháng 6, Cold Harbor, Virginia. Tôi bị giết."
15 tháng 6 - Quân miền Bắc bỏ lỡ cơ hội không chiếm được Petersburg và cắt đường xe hoả của miền Nam. Petersburg bị bao vây trong suốt 9 tháng.
20 tháng 7 - Sherman kéo đến Atlanta, khiêu chiến với quân phiến loạn. Tướng miền Nam John B. Hood thay thế tướng Johnston cố thủ Atlanta.
29 tháng 8 - Đảng Dân Chủ đưa George B. McClellan ra ứng cử tổng thống.
2 tháng 9 - Atlanta thất thủ. Đây là thắng lợi lớn cho Lincoln khi ông đang vận động tranh cử.
19 tháng 10 - Kỵ binh miền Bắc do tướng Philip H. Sheridan chỉ huy thắng lớn tại Shenandoah Valley, phá tan đội quân miền Nam do Jubal Early cầm đầu.
8 tháng 11 - Abraham Lincoln tái đắc cử tổng thống.
15 thang 11 - Sau khi phá huỷ các thiết bị xe hoả và nhà máy tại Atlanta, tướng miền Bắc Sherman được Washington chấp thuận cho kéo 62.000 quân lội bộ ra hướng biển, tiến về Savannah thuộc Georgia.
15 tháng 12 - Tại Nashville, 23.000 quân miền Nam do tướng Hood chỉ huy bị 55.000 quân miền Bắc (trong đó có cả quân da đen) cùa tướng George H. Thomas đánh bại. Quân đoàn Tennessee cùa miền nam hầu như hoàn toàn mất thực lực.
21 tháng 12 - Tướng Sherman đến Savannah, sau một cuộc tàn phá tiêu thổ 300 dặm từ Atlanata. Ông đánh điện cho tổng thống Lincoln, hứa sẽ dâng Savannah làm quà Giáng sinh.
[sửa] 1865
31 tháng 1 - Quốc hội Hoa Kỳ thông qua sửa đổi thứ 13 của Constitution, bác bỏ thể chế nô lệ.
3 tháng 2 - Lincoln đến gặp phó tổng thống miền Nam là Alexander Stephens tại Hampton Roads của Virginia để thương lượng hoà giải nhưng không thành. Cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn.
Quân miền nam lúc này chỉ còn hai nơi: Quân đoàn North Viriginia của tướng Lee đang bị vây tại Petersburg và quân của Johnston tại North Carolina. Trong khi đó lực lượng quân miền Bắc lên đến 280.000 lính.
4 tháng 3 - Tổng thống Lincoln tuyên thệ nhậm chức lần thứ nhì.
25 tháng 3 - Tướng Lee kéo quân từ Petersburg ra đánh phá vòng vây nhưng chỉ 4 tiếng sau cuộc công kích bị phá vỡ.
2 tháng 4 - Tướng Grant tấn công Petersburg, phá từng tuyến phòng thủ của Lee. Tướng miền Nam Ambrose P. Hill bị giết. Lee bỏ Petersburg. Nhiều vụ đốt phá và cướp bóc xảy ra. Hôm sau cờ Liên bang Hoa Kỳ được kéo lên tại thủ phủ Richmond của miền Nam.
4 tháng 4 - Lincoln tham quan Richmond và vào xem văn phòng của Jefferson Davis tại Toà Bạch Ốc của Liên minh tiểu bang miền Nam.
9 tháng 4 - Tại toà án của Appomattox, Virginia, tướng miền Nam Robert E. Lee ký giấy đầu hàng tướng miền Bắc Ulysses S. Grant. Grant cho phép hàng quân được tiếp tục giữ súng tay bên hông, và cho giữ lừa ngựa. Tướng Lee khuyên nhủ quân sĩ của mình: "Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và ngoan cường chưa từng thấy, Quân đoàn Bắc Virginia bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng và hậu thuẫn quá to lớn".
10 tháng 4 - Cuộc liên hoan chiến thắng bắt đầu tại Washington.
14 tháng 4 - Cờ Hoa Kỳ được kéo lên long trọng tại đồn Sumter nơi cuộc nội chiến bắt đầu 4 năm trước. Tối hôm đó, tổng thống Lincoln cùng vợ là bà Mary đi xem vở kịch "Người bà con Mỹ của chúng ta" tại Ford's Theater. Lúc 10:30 tối, trong phần 3 của vở kịch, John Wilkes Booth thò súng ngắn bắn vào đầu Lincoln. Ông bất tỉnh và chết vào lúc 7 giờ 22 phút sáng hôm sau.
15 tháng 4 - Phó tổng thống Andrew Johnson lên thay làm tổng thống.
18 tháng 4 - Tướng miền Nam Joseph E. Johnston đầu hàng tướng Sherman tại Durham thuộc North Carolina.
Nguồn: Diễn tiến Nội chiến Mỹ
[sửa] Liên kết ngoài
[sửa] Phim có bối cảnh cuộc Nội chiến Mỹ
- Gone with the wind - 1939 - Phim tình cảm xã hội Mỹ thời nội chiến. Vivien Leigh Clark Gable
- Glory - 1989 - Phim về trung tá Shaw và quân đoàn da đen 54 Massachusetts
- The Blue and the Gray - 1982 - Phim hai tập. Gregory Peck