Mã Tổ Đạo Nhất
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiền sư Trung Quốc |
Bồ-đề-đạt-ma đến Huệ Năng
Nhánh Thanh Nguyên Hành Tư
Nhánh Nam Nhạc Hoài Nhượng
Vân Môn tông
|
Mã Tổ Đạo Nhất (zh. măzǔ dàoyī/Ma-tsu Tao-i 馬祖道一, ja. baso dōitsu), 709-788, là một Thiền sư Trung Quốc vĩ đại đời nhà Đường, và là môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo không kém uy dũng như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Châu Huệ Hải...
[sửa] Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương. Tương truyền rằng Sư có những dấu hiệu đặc biệt của Thánh nhân (Ba mươi hai tướng tốt): mắt sáng như hổ và dáng đi như trâu, lưỡi dài chạm mũi và dưới gan bàn chân có hình bánh xe.
Lúc nhỏ, Sư vào chùa La Hán xin xuất gia với Hoà thượng Đường ở Từ Châu, sau thụ giới cụ túc ở Du Châu. Sau, Sư đến Hoành Nhạc sống viễn li và ngày ngày tu tập thiền định. Cũng tại núi này, Sư gặp Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng và đắc pháp. Cảnh Đức Truyền đăng lục kể câu chuyện sau về cách hoằng hoá của Sư và Thạch Đầu Hi Thiên (Thích Thanh Từ dịch):
- Đặng Ẩn Phong đến từ biệt Sư. Sư hỏi đi đâu, Ẩn Phong nói đi gặp Thạch Đầu. Sư nói: "Đường Thạch Đầu trơn." Ẩn Phong nói có cây gậy tuỳ thân, không sao. Ẩn Phong đến gặp Thạch Đầu, dộng cây gậy xuống đất hỏi: "Ấy là tông chỉ gì?" Thạch Đầu nói: "Trời xanh! Trời xanh!" Ẩn Phong không biết trả lời sao, về thuật lại Sư. Sư khuyên Ẩn Phong trở lại Thạch Đầu, nếu Thạch Đầu lại nói "Trời xanh" thì chỉ nên khịt mũi "Hư! Hư!". Ẩn Phong nghe lời, đến Thạch Đầu, dộng gậy, lại hỏi như trước. Lần này Thạch Đầu chỉ khịt mũi "Hư! Hư!" Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thuật lại, Sư nói: "Ta đã bảo ngươi đường Thạch Đầu trơn."
- Có vị tăng đến hỏi Sư: "Thế nào được ngộ Đạo?" Sư đáp: "Ta sớm chẳng ngộ Đạo." Tăng lại hỏi: "Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?" Sư liền nắm cây gậy đập và nói: "Nếu ta không đánh ngươi, các nơi sẽ chê ta."
Lịch sử Thiền tông còn nhắc nhở những câu trả lời đặc biệt của Mã Tổ về "Phật là gì?" Những cuộc pháp chiến lừng danh của Sư với cư sĩ Bàng Uẩn được ghi lại trong Bàng cư sĩ ngữ lục. Các mẫu chuyện về Mã Tổ phần lớn được ghi trong Giang Tây Đạo Nhất Thiền sư ngữ lục.
[sửa] Ảnh hưởng cho Thiền tông
Sau Lục tổ Huệ Năng, Sư là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Sư chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như tiếng quát, im lặng, dựng phất tử, hay thình lình đánh gậy. Có khi Sư xô học trò xuống đất, vặn mũi bức tóc, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động này là kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lí luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò khỏi vòng vây bọc của khái niệm, để sau đó có một kinh nghiệm Giác ngộ trực tiếp.
Sức giáo hoá của Sư mãnh liệt tới mức để lại cho đời 139 đệ tử được truyền ấn. Mã Tổ được nhắc đến trong công án thứ 30 và 33 của Vô môn quan và công án thứ 3, 53 và 57 của Bích nham lục. Hậu thế vì quý trọng Sư quá nên gọi là Mã Tổ, tức là vị Tổ họ Mã. Sư cũng được phong danh là Giang Tây Pháp chủ.
Đời Đường, niên hiệu Trịnh Nguyên, mùng bốn tháng hai, Sư có chút bệnh, tắm gội xong ngồi kết già thị tịch, thọ 80 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc thuỵ là Đại Tịch.
[sửa] Tham khảo
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Dumoulin, Heinrich:
- Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
- Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |