Ba mươi hai tướng tốt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ba mươi hai tướng tốt (theo từ Hán-Việt là Tam thập nhị hảo tướng, 三十二好相; tiếng Phạn: dvatriṃśadvara-lakṣaṇa) được tin là của một Chuyển luân vương (cakravartī-rāja), của một vị Bồ tát, hay là của một vị Phật.
Tuy nhiên, trong 32 tướng, Chuyển Luân Vương lại không có hai tướng là có chữ Vạn ở trước ngực và tướng người phát ra hào quang như Phật. Theo Luận Trí Độ, thì Bồ Tát thì cũng có 32 tướng tốt nhưng có 7 tướng khác hơn so với Chuyển Luân Vương. (Xin xem thêm bài dịch của Thích Huyền Tôn)
Ngoài ba mươi hai tướng tốt đó, người ta còn nói đến Tám mươi vẻ đẹp khác của Phật.
32 tướng tốt được nhắc tới trong nhiều kinh luận quan trọng bao gồm Kinh Đại Bát Nhã, Trường Bộ kinh, Đại Trí Độ Luận, Niết Bàn Kinh, Trung A Hàm Tam Thập Nhị Tướng kinh.
Các tướng tốt là hậu quả của tâm từ bi vô lượng.
Các tên Hán Việt ít dùng khác của 32 tướng tốt là Tam thập nhị đại nhơn tướng, Tam thập nhị đại trượng phu tướng, và Đại nhơn tam thập nhị tướng.
[sửa] Ba mươi hai tướng tốt
- Lòng bàn chân bằng phẳng
- Bàn chân có bánh xe ngàn cánh
- Ngón tay thon dài
- Gót chân rộng
- Ngón tay ngón chân cong lại
- Tay chân mềm mại
- Sống chân cong lên
- Thân người như con sơn dương
- Tay dài quá gối
- Nam căn ẩn kín
- Thân thể mạnh mẽ
- Thân thể nhiều lông
- Lông tóc hình xoáy
- Thân thể vàng rực
- Thân phát ánh sáng
- Da mềm
- Tay vai và đầu tròn
- Hai nách đầy đặn
- Thân người như sư tử
- Thân thẳng
- Vai mạnh mẽ
- Có bốn mươi răng
- Răng đều đặn
- Răng trắng
- Hàm như sư tử
- Nước miếng có chất thơm ngon
- Lưỡi rộng
- Giọng nói như Phạm thiên
- Mắt xanh trong
- Lông mi như bị rừng
- Lông xoáy giữa hai chân mày (bạch hào)
- Chóp nổi cao trên đỉnh đầu
Một số tướng tốt nói trên được đặc biệt chú ý trong tranh tượng – nhất là hào quang, một dấu hiệu rõ rệt của thánh nhân theo quan điểm Ấn Độ, không bao giờ thiếu trong các tượng Phật. Có lúc hào quang được vẽ như vòng lửa xuất phát từ đầu đến vai. Tướng lông xoáy giữa hai chân mày tượng trưng cho Trí huệ có khi được trình bày như một chấm vàng, hay được thay thế bằng ngọc quí. Tướng chóp nổi cao ở đỉnh đầu (肉 髻, uṣṇīṣa) được trình bày mỗi nơi mỗi khác, tại Ấn Độ và Trung Quốc hình bán cầu, tại Cam Bốt hình nón và tại Thái Lan hình nhọn đầu hay có dạng một ngọn lửa.
[sửa] Đoạn kinh Kim Cang về 32 tướng tốt
Trong chương thứ 13, kinh Kim Cang có một đề cập ngắn gọn liên quan tới 32 tướng như sau:
Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Khả dĩ tam thập nhị tướng kiến Như Lai phủ?
Phất dã Thế Tôn! Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai. Hà dĩ cố? Như Lai thuyết tam thập nhị tướng, tức thị phi tướng, thị danh tam thập nhị tướng.
Dịch nghĩa:
Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Có thể nào dựa vào 32 tướng mà thấy được Như Lai không?
Kính Thế tôn, không. Không thể dựa vào 32 tướng mà thấy được Như Lai. Tại vì sao? Như Lai nói 32 tướng, tức chẳng phải tướng, đó gọi là 32 tướng.
Đại ý cho thấy các hình tướng nhìn thấy, hay cảm xúc được, tâm tưởng được chỉ là hư vọng và vô thường không thể nào là chân lý (hay là thực chất của vạn vật). Thấy được cả tính không của các hình tướng này và không chấp vào các hình tướng thì thấy được thật tướng.