Động Sơn Lương Giới
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thiền sư Trung Quốc |
Bồ-đề-đạt-ma đến Huệ Năng
Nhánh Thanh Nguyên Hành Tư
Nhánh Nam Nhạc Hoài Nhượng
Vân Môn tông
|
Động Sơn Lương Giới (zh. dòngshān liángjiè 洞山良价, ja. tōzan ryōkai), 807-869, là Thiền sư Trung Quốc, Pháp tự của Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Cùng với môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch, Sư sáng khai tông Tào Động, một dòng Thiền được lưu truyền đến ngày nay. Sư quyền khai Ngũ vị để giáo hoá học đồ, đời sau gọi là Động Sơn ngũ vị.
[sửa] Cơ duyên
Sư họ Du quê ở Cối Kê. Thuở nhỏ theo thầy tụng Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh đến câu: “Vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý”, Sư lấy tay rờ mặt hỏi thầy: “Con có mắt, tai, mũi, lưỡi sao kinh nói không?” Thầy thấy lạ và giới thiệu Sư đến núi Ngũ Duệ yết kiến Thiền sư Linh Mặc (trước học đắc nơi Mã Tổ, đại ngộ nơi Thạch Đầu).
Năm 21 tuổi, Sư đến Tung Sơn thụ giới cụ túc. Sao đó Sư du phương, yết kiến Nam Tuyền Phổ Nguyện. Gặp ngày kị trai Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng: “Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng?” Tất cả chúng không đáp được, Sư bước ra thưa: “Đợi có bạn liền đến.” Nam Tuyền khen: “Chú nhỏ này tuy là hậu sinh rất dễ giũa gọt.” Sư thưa: “Hoà thượng chớ ếm kẻ lành thành đứa giặc.”
Sư đến Quy Sơn Linh Hựu. Quy Sơn lại chỉ đến Vân Nham.
- Đến Vân Nham Sư hỏi: “Vô tình thuyết pháp, người nào được nghe?”
- Vân Nham bảo: “Vô tình thuyết pháp, vô tình được nghe.”
- Sư hỏi: “Hoà thượng nghe chăng?”
- Vân Nham bảo: “Ta nếu nghe, ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp.”
- Sư thưa: “Con vì sao chẳng nghe?”
- Vân Nham dựng phất tử, hỏi: “Lại nghe chăng?”
- Sư thưa: “Chẳng nghe.”
- Vân Nham bảo: “Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống là vô tình thuyết pháp.”
- Sư hỏi: “Vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?”
- Vân Nham bảo: “Đâu không thấy kinh A-di-đà nói: nước, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật, niệm pháp?”
Ngay câu này Sư có tỉnh, thuật bài kệ:
- 也大奇!也大奇!
- 無情說法不思議
- 若將耳聽終難會
- 眼處聞時方得知
- Dã đại kì, Dã đại kì
- Vô tình thuyết pháp bất tư nghì
- Nhược tương nhĩ thính chung nan hội
- Nhãn xứ văn thì phương đắc tri.
- Cũng rất kì! Cũng rất kì!
- Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì
- Nếu lấy tai nghe trọn khó hội
- Phải đem mắt thấy mới liễu tri.
Sắp rời Vân Nham, Sư hỏi: “Sau khi Hoà thượng trăm tuổi, chợt có người hỏi ‘tả được hình dáng của thầy chăng?’ con phải đáp làm sao?” Vân Nham lặng thinh hồi lâu, bảo: “Chỉ cái ấy.” Sư trầm ngâm giây lâu, Vân Nham bảo: “Xà-lê Lương Giới thừa đương việc lớn phải xét kĩ.” Sư vẫn còn hồ nghi. Sau, Sư nhân qua suối nhìn thấy bóng, đại ngộ ý chỉ, liền làm bài kệ:
- 切忌從他覓
- 迢迢與我疏
- 我今獨自往
- 處處得逢渠
- 渠今正是我
- 我今不是渠
- 應修甚麼會
- 方得契如如
- Thiết kị tòng tha mịch
- Thiều thiều dữ ngã sơ
- Ngã kim độc tự vãng
- Xứ xứ đắc phùng cừ
- Cừ kim chính thị ngã
- Ngã kim bất thị cừ
- Ưng tu thậm ma hội
- Phương đắc khế như như.
- Rất kị tìm nơi khác
- Xa xôi bỏ lãng ta
- Ta nay riêng tự đến
- Chỗ chỗ đều gặp va
- Va nay chính là ta
- Ta nay chẳng phải Va
- Phải nên như thế hội
- Mới mong hợp như như.
[sửa] Pháp ngữ
Sư thượng đường dạy chúng: “Lại có người không đền đáp bốn ân ba cõi chăng?” Chúng đều không đáp, Sư lại bảo: “Nếu chẳng thể nhận ý này, làm sao vượt khỏi hoạn trước sau. Hẳn phải tâm tâm chẳng chạm vật, bước bước không chỗ nơi, thường không gián đoạn mới được tương ưng. Cần phải nỗ lực, chớ nhàn rỗi qua ngày!”
Một vị tăng hỏi Sư: “Khi lạnh nóng đến làm sao né tránh?” Sư đáp: “Sao chẳng nhằm chỗ không lạnh nóng đi?” Tăng hỏi: “Thế nào là chỗ không lạnh nóng?” Sư đáp: “Khi lạnh lạnh chết Xà-lê, khi nóng nóng chết Xà-lê.”
Sắp tịch, Sư sai cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh chuông, giã từ chúng ngồi yên mà tịch. Đại chúng khóc lóc mãi không dứt. Sư chợt mở mắt bảo: “Người xuất gia tâm chẳng dính mắc nơi vật, là tu hành chân chính. Sống nhọc thích chết, thương xót có lợi ích gì?” Sư bảo chủ sự sắm trai ngu si để cúng dường. Chúng vẫn luyến mến quá, kéo dài đến ngày thứ bảy. Thụ trai cùng chúng xong, Sư bảo: “Tăng-già không việc, sắp đến giờ ra đi, chớ làm ồn náo.” Nói xong Sư vào trượng thất ngồi yên mà tịch. Bấy giờ là tháng ba năm thứ mười, niên hiệu Hàm Thông đời Đường. Sư thọ 63 tuổi, 42 tuổi hạ. Vua sắc phong là Ngộ Bản Thiền sư.
[sửa] Tham khảo
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
- Thích Thanh Từ: Thiền sư Trung Hoa I-III. TP HCM 1990, 1995.
- Dumoulin, Heinrich:
- Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
- Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |