Ỷ Lan
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ỷ Lan (1044–1117), từ một cô gái hái dâu nuôi tằm, sau trở thành Nguyên phi, Hoàng thái hậu của nhà Lý. Bà đã có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.
Mục lục |
[sửa] Xuất thân
Tên thật của Ỷ Lan cũng có nhiều giả thuyết. Tương truyền có tên là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến, hoặc Lê Thị Yến Loan. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt ghi lại là Lê Thị Yến Loan, nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan. Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, một cung tần của chúa Trịnh Cương thì bà có tên là Lê Khiết Nương.
Bà được cho là sinh ngày 7 tháng 3 (19 tháng 2 âm lịch, theo [1]) năm 1044, Giáp Thân, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất. Một tài liệu khác cho rằng năm sinh của Ỷ Lan không rõ, sử sách chỉ ghi: Bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông.
Nguyên quán của Ỷ Lan ở trại trang Thổ Lỗi [1], hương Siêu Loại, nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Yến Loan vốn là một thôn nữ, con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm Yến Loan 12 tuổi thì mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm Yến Loan 16 tuổi, cha cũng qua đời, cô được mẹ kế nuôi dạy.
[sửa] Giai thoại
Câu chuyện Yến Loan vào cung vua Lý đã trở thành một giai thoại nổi tiếng, nhưng có một vài chi tiết nhỏ còn mâu thuẫn.
Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu[2] (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá.
Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là Yến Loan. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong Yến Loan là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan.
[sửa] Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan
Trong cung Ỷ Lan được học hành. Khác với các cung phi khác, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc, mong chiếm được tình yêu của vua mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan, triều thần khâm phục Ỷ Lan là người có tài.
Khi sinh người con trai thứ nhất là Càn Đức[3] (Bính Ngọ 1066) , bà được phong là Thần phi, sinh người con trai thứ hai là Minh Nhân Vương, bà được phong là Nguyên phi. Càn Đức được lập làm thái tử. Khi vua Lý Thánh Tông mất (1072), Càn Đức lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, bà được phong là Linh Nhân Hoàng Thái hậu.
[sửa] Nhiếp chính
Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính.
[sửa] Lần thứ nhất
Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh giặc phương Nam, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Cũng năm ấy, nước Đại Việt không may bị lụt lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhưng nhờ có kế sách trị nước đúng đắn, quyết đoán táo bạo, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Cảm cái ơn ấy, cũng là cách suy tôn một tài năng, nhân dân đã tôn thờ Ỷ Lan là Quan Âm Nữ, lập bàn thờ Ỷ Lan.
Lý Thánh Tông đánh giặc lâu ngày không thắng, bèn trao quyền binh cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến Mạt Liên[4] (Tiên Lữ, Hưng Yên ngày nay) Lý Thánh Tông hay tin Ỷ Lan đã vững vàng đưa đất nước vượt qua khó khăn, giữ cảnh thái bình, thịnh trị, vua hổ thẹn quay ra trận quyết đánh cho kỳ thắng mới về. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan.
[sửa] Lần thứ hai
Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, Lý Nhân Tông (Càn Đức) mới 7 tuổi lên ngôi vua, bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Triều đình rối ren, Ỷ Lan đã coi triều chính, điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075 và 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến.
Là một phụ nữ tài trí, đức độ, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ nên Hoàng Thái hậu đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý.
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan còn chăm lo đến việc mở mang dân trí, thi cử học hành. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò. Ngô Sĩ Liên có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy".
Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý [5], mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.
Ỷ Lan còn được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần. Bà có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:
|
|
Nhưng trong đời Ỷ Lan không phải không có tì vết. Sau khi vua Lý Thánh Tông qua đời, Hoàng hậu Thượng Dương dựa vào thế lực của Thái sư Lý Đạo Thành, đã gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình. Mãi 4 tháng sau, có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới trở lại nắm quyền nhiếp chính. Bà đã xui vua bắt giam Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung, bỏ đói cho đến chết. Về cuối đời Ỷ Lan đã hối hận về hành động của mình, bà cho lập nhiều chùa để tỏ lòng sám hối và độ siêu sinh cho Hoàng hậu Thượng Dương và các cung nữ [cần chú thích].
Bà mất ngày 25 tháng 7 (âm lịch) năm 1117, năm Đinh Dậu, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 đời Lý Nhân Tông. Và được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Tại quê hương và nhiều nơi đã xây dựng chùa tháp, đền thờ bà. Cùng với những ngôi đền lớn thờ bà ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện ở Hưng Yên có hai ngôi: Đền Ghênh, xã Như Quỳnh và chùa Hương Lãng, xã Minh Hải đều thuộc huyện Văn Lâm.
[sửa] Chú thích
- ▲ Còn có ghi là làng Sủi
- ▲ Theo một bài viết thì đó là hội cầu duyên ở hương Thổ Lỗi do triều thần của nhà vua mở
- ▲ Có tài liệu ghi Kiền Đức. Càn/Kiền chỉ là cách phát âm khác nhau của 乾, là tên một trong tám quẻ của bát quái, tượng trưng cho Trời.
- ▲ Có tài liệu ghi là Châu Cư Liên
- ▲ Sách Thiên uyển tập anh ngữ lục đời Trần còn ghi lại tường tận chuyện này
[sửa] Trong văn nghệ dân gian
Ỷ Lan là nhân vật chính trong vở chèo Bài ca dựng nước của đạo diễn, nghệ sỹ Tào Mạt.
[sửa] Liên kết ngoài
- Ỷ Lan trên trang của tỉnh Hưng Yên
- Ỷ Lan phu nhân
- Ỷ Lan Hoàng thái hậu - Bài viết của Ðoàn Minh Tuấn
- Kết quả khảo cổ ở di tích chùa-đền Bà Tấm
- Chuyện Ỷ Lan phu nhân