Trương Hán Siêu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trương Hán Siêu (chữ Hán: 張漢超;?-1354) tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, quê tại làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh (sau đổi thành Gia Khánh), lộ Trường Yên (nay là xã Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), là một danh sĩ đời, nổi tiếng với bài Bạch Đằng giang phú.
Mục lục |
[sửa] Tiểu sử
Ông xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, tham dự cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và thứ ba. Năm 1308, ông được vua Trần Anh Tông bổ Hàm lâm học sĩ. Đời Trần Minh Tông được giữ chức Hành khiển. Sang đời Trần Hiến Tông làm Môn hạ hữu ty Lang Trung, đến đời Trần Dụ Tông đổi sang Tả Tư Lang kiêm chức Kính lược sử ở Lạng Giang, rồi thăng Gián nghị Đại phu Tham chính sự.
Năm Quý Tỵ 1353, ông lãnh Thần sách quân ra trấn nhậm ở Hóa Châu. Năm sau, ông cáo bệnh xin về nghỉ, nhưng về chưa đến kinh sư thì ông mất.
Sau khi ông mất, vua cho truy tặng hàm Thái Bảo và được thờ ở Văn miếu quốc gia, ngang với các bậc hiền triết đời xưa.
Trương Hán Siêu là người có học vấn sâu rộng, giàu lòng yêu nước, được các vua đời Trần tôn quý như bậc thầy. Thời trẻ, ông bài (phản đối) Phật [1], nhưng vua không trách, còn bổ ông làm quản tự cho một ngôi chùa lớn.
Ông có bài Bạch Đằng Giang phú được truyền tụng và soạn Linh tế thập ký (bài ký tháp Linh Tế) Quang nghiêm tự bi văn (bài văn bia chùa Quang Nghiêm). Ông và Nguyễn Trung Ngạn hợp soạn bộ Hoàng triều đại điển và Hình thư. Hiện tại còn lưu được 3 bài văn 4 bài thơ. Bài Bạch Đằng giang phú của ông được truyền tụng và bài thơ về núi Dục Thúy được khắc bên sườn núi, hãy còn bút tích.
[sửa] Tên đường
Tên của ông được đặt cho nhiều đường phố ở những địa phương khác nhau.
- Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Quận 1, TP.HCM
- Quận Sơn Trà, Đà Nẵng
- Phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình
- Phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương
[sửa] Thơ văn
- Bạch Đằng giang phú
- Vịnh hoa cúc
- Khắc đá núi Dục Thuý
- Hình luật thư
- Hoàng triều đại điển (cùng viết với Nguyễn Trung Ngạn)