Biển Baltic
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Biển Baltic nằm ở Bắc Âu từ 53 đến 66 độ vĩ bắc và 20 đến 26 độ kinh đông, được bao bọc bởi bán đảo Scandinavia, khu vực Trung Âu và Đông Âu và quần đảo Đan Mạch.
Biển Baltic nối với Bạch Hải bởi kênh đào Bạch Hải và với Bắc Hải bởi Kiel.
Các nước tiếp giáp với biển Baltic: Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Nga, Thụy Điển. Các đảo và quần đảo thuộc khu vực biển Baltic: Aland (khu tự trị thuộc Phần Lan), đảo Bornholm (Đan Mạch), đảo Gotland (Thụy Điển), đảo Hailuato (Phần Lan), đảo Hiiumaa (Estonia), đảo Kotlin (Nga), đảo Muhu (Estonia), đảo Oland (Thụy Điển), đảo Rugen (Đức), đảo Saaremaa (Estonia), quần đảo Stockholm (Thụy Điển), đảo Usedom hay còn gọi là Uznam (phân chia giữa Ba Lan và Đức), đảo Valassaaret (Phần Lan), đảo Wolin (Ba Lan).
Adam xứ Bremen (một sử gia người Đức) là người đầu tiên gọi vùng biển này là Baltic. Có vẻ như ông lấy cái tên này từ tên một hòn đảo lớn, đảo Baltia, cũng nằm trong khu vực Bắc Âu.
Biển Baltic là một biển nội địa lớn. Kích thước:
- Dài 1610 km
- Rộng trung bình 193 km
- Sâu trung bình 55 m
- Độ sâu nhất ở vùng trung tâm phía Thụy Điển (459 m)
- Diện tích mặt nước: 277000 km vuông.
- Thể tích: 21000 km khối
- Đường bờ biển dài 8000 km.