Báo đốm Mỹ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Báo đốm Mỹ Tình trạng bảo tồn: Ít quan tâm |
||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Báo đốm Mỹ |
||||||||||||||
Phân loại khoa học | ||||||||||||||
|
||||||||||||||
Tên khoa học | ||||||||||||||
Panthera onca (Linnaeus, 1758) |
Báo đốm Mỹ (Panthera onca) là thành viên lớn của họ Mèo có nguồn gốc ở Nam Mỹ và Trung Mỹ. Nó có quan hệ mật thiết với sư tử, hổ và báo hoa mai của Cựu thế giới, và là loài lớn nhất của họ Mèo tìm thấy ở khu vực châu Mỹ.
Chiều dài của báo đốm Mỹ dao động trong khoảng 1,1 tới gần 1,9 mét, cao khoảng 70 cm tính theo vai, và có trọng lượng khoảng 57 đến 113 kg. Báo đốm Mỹ có cấu trúc quai hàm khỏe nhất trong họ nhà mèo.
Mặc dù báo đốm Mỹ trông rất giống báo hoa mai và có quan hệ họ hàng gần với loài này, nhưng vai trò sinh học của nó cũng như các thói quen thì giống với hổ nhiều hơn.
Khu vực sinh sống của báo đốm Mỹ nằm từ các rừng mưa nhiệt đới của miền nam và miền trung châu Mỹ tới Mexico, nhưng ít khi nhìn thấy chúng ở các vùng núi. Được biết đến với khả năng bơi lội và leo trèo rất tốt, chúng thích sống ở ven sông, trong các đầm lầy, và trong các khu rừng rậm với nhiều con mồi. Người ta ít khi nhìn thấy báo đốm Mỹ ở phía bắc cũng như ở phía tây nam của nước Mỹ, đặc biệt là ở Arizona. Theo lịch sử, báo đốm Mỹ sinh sống ở các khu vực về phía bắc tới tận miền bắc California và miền tây Texas.
Báo đốm Mỹ là những kẻ săn mồi cô độc, chúng không đi săn với những con báo khác ngoài mùa sinh sản. Chủ yếu chúng săn bắt các loại con mồi lớn: Quai hàm khỏe của chúng cho phép chúng săn bắt hươu, nai và lợn pêcari, nhưng chúng là những kẻ cơ hội và sẽ ăn mọi thứ từ ếch, nhái đến chuột hay chim, cá cũng như thú nuôi trong gia đình. Khi giết mồi báo đốm Mỹ thường cắn và đâm thủng sọ con mồi, và đó là minh chứng cho sức mạnh của các cơ quai hàm.
Báo đốm Mỹ có thể chạy rất nhanh nhưng không bền, nên ít khi chúng tham gia vào các cuộc đua dài hơi.
Màu nền của chúng thông thường là màu vàng-da cam, với hàng loạt các vòng hay hình hoa thị bên hông và các đốm trên đầu và cổ. Có thể phân biệt chúng với báo đốm hoa mai theo các đốm trong các hoa thị. Nếu báo bị nhiễm hắc tố thì nó có thể sinh ra các báo con hoàn toàn đen (mặc dù khi nhìn gần vẫn thấy rõ các đốm). Các con này được gọi là báo đen, nhưng đây không phải là một loài riêng biệt.
Báo đốm Mỹ đực đạt đến độ tuổi trưởng thành khi chúng từ 3 đến 4 năm tuổi, báo cái sớm hơn chừng một năm. Báo cái sẽ sinh tối đa 4 con sau từ 90 đến 110 ngày mang thai, nhưng không quá 2 con non sẽ lớn đến độ trưởng thành. Khi vừa sinh ra, con non nhắm mắt và chúng chỉ có thể nhìn được sau khoảng 2 tuần. Chúng sẽ sống cùng mẹ trong khoảng 2 năm trước khi bỏ đi để thiết lập lãnh thổ riêng, lãnh thổ này có thể đạt tới 25 - 150 km2, phụ thuộc vào mức độ tập trung của các con mồi. Trong điều kiện nuôi nhốt, báo đốm Mỹ có thể sống tới 20 năm.
Trong tiếng Anh, từ jaguar có nguồn gốc từ tiếng Tupi-Guarani ở Nam Mỹ. Theo các nhà thám hiểm châu Âu thời kỳ đầu thì jaguara có nghĩa là "con thú có thể giết chết con mồi chỉ bằng một cú nhảy".
Tên nguyên thủy và có gốc hoàn toàn bản xứ của loài này là jaguarete. Kỳ lạ là từ jagua có nghĩa là "chó" trong tiếng Guarani. Jaguar cũng là tước hiệu của hoàng tử hay công chúa hay của vua đang cai trị của người Maya chẳng hạn như của bộ tộc Lenca.
Sự phổ biến rộng rãi của báo đốm Mỹ không có nghĩa là chúng không phải đối diện họa diệt chủng trong tương lai gần. Ở một số khu vực, số lượng của loài này đang bị suy giảm, chủ yếu là do bị mất môi trường sống, đặc biệt là trong các rừng mưa nhiệt đới và những khu vực có đồng cỏ bị chuyển thành đất gieo trồng.
Các ngành của sinh học |
---|
Giải phẫu học | Sinh học vũ trụ | Hóa sinh | Tin sinh học | Thực vật học | Tế bào học | Sinh thái học | Sinh học phát triển | Di truyền học | Sinh học biển | Sinh học người | Vi sinh vật học | Sinh học phân tử | Nguồn gốc sự sống | Cổ sinh vật học | Miễn dịch học | Sinh lý học | Phân loại học | Động vật học | Trang chính Sinh học |