Đại Cổ Sinh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đại Cổ Sinh (Paleozoic) là một đơn vị phân chia chính trong niên đại địa chất, một trong bốn đại chính[1]. Sự phân chia thời gian ra thành các đại, đơn vị lớn nhất trong niên biểu địa chất vào thời kỳ ban đầu có xuất xứ từ Giovanni Arduino vào thế kỷ 18, mặc dù tên gọi chính thức của ông cho đại mà ngày nay gọi là đại Cổ Sinh đã là "Primitive" (xem Đại địa chất để biết thêm chi tiết). Từ paleozoic có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp palaio (cổ, cũ) và zoion (động vật) và có nghĩa là "sự sống cổ".
Mục lục |
[sửa] Các kỷ trong đại Cổ Sinh
Đại Cổ sinh bao gồm 6 kỷ địa chất; từ cổ nhất đến trẻ nhất là: kỷ Cambri, kỷ Ordovic, kỷ Silur, kỷ Devon, kỷ Than đá (Carboniferous) (tức kỷ Mississippi và kỷ Pennsylvania tại Bắc Mỹ) và kỷ Permi. Nó trải rộng từ khoảng 542 triệu năm trước (MA) tới khoảng 251 MA (theo Ủy ban quốc tế về địa tầng học (ICS), 2004). Nó diễn ra sau đại tiền Cambri và tiếp theo nó là đại Trung sinh.
[sửa] Sự sống
Đại Cổ Sinh bao gồm khoảng thời gian từ lúc bắt đầu xuất hiện các hóa thạch vỏ cứng và phổ biến đầu tiên tới thời gian khi các lục địa bắt đầu được chiếm lĩnh bởi các loài bò sát lớn, tương đối phức tạp và các loài thực vật tương đối hiện đại. Ranh giới dưới (cổ nhất) được quy định một cách kinh điển là khi có sự xuất hiện đầu tiên của các sinh vật gọi là trùng ba lá (lớp Trilobita) và Archeocyatha. Ranh giới trên (trẻ nhất) được quy định là khi diễn ra sự kiện tuyệt chủng lớn khoảng 300 triệu năm sau, được biết đến như là tuyệt chủng Permi. Ngày nay ranh giới dưới được thiết lập là khi có sự xuất hiện lần đầu tiên của dấu vết hóa thạch đặc biệt, gọi là Trichophycus pedum.
Vào đầu đại này thì sự sống chỉ hạn chế bao gồm vi khuẩn, tảo, hải miên (bọt biển) và các dạng khác nhau của dạng sống có phần bí ẩn, gọi chung là hệ động vật Ediacaran. Một lượng lớn động, thực vật đa bào đã xuất hiện gần như đồng thời vào đầu đại -- một hiện tượng được biết đến như là sự bùng nổ Cambri. Có một số chứng cứ cho thấy sự sống đơn giản có thể đã xâm chiếm mặt đất vào đầu đại Cổ Sinh, nhưng các loài động, thực vật đáng kể đã không chiếm mặt đất cho đến tận kỷ Silur và đã không phát triển tốt cho đến tận kỷ Devon. Mặc dù các động vật có xương sống nguyên thủy cũng đã được biết đến ở giai đoạn gần đầu đại này, nhưng các dạng động vật vẫn chủ yếu là động vật không xương sống cho đến tận giữa đại Cổ Sinh. Quần thể cá đã bùng nổ trong kỷ Devon. Vào giai đoạn cuối đại Cổ Sinh, một loạt các cánh rừng lớn của các loài thực vật nguyên thủy đã phát triển mạnh trên đất liền, tạo thành một tầng than lớn ở châu Âu và miền đông Bắc Mỹ ngày nay. Vào cuối đại này thì những loài bò sát lớn và phức tạp đầu tiên cũng như các loài thực vật hiện đại đầu tiên (thông, tùng, bách) đã phát triển.
[sửa] Kiến tạo
Về mặt địa chất, đại Cổ Sinh bắt đầu khi có sự chia tách của siêu lục địa gọi là Rodinia và vào cuối của thời kỳ băng hà toàn cầu. (Xem sự đóng băng Varanger và Quả cầu tuyết Trái Đất). Trong cả giai đoạn đầu của đại Cổ sinh, các khối đất đá của Trái Đất bị chia nhỏ thành một lượng đáng kể các lục địa tương đối nhỏ. Vào cuối đại này, các lục địa lại tập hợp lại cùng nhau thành một siêu lục địa mới gọi là Pangea, nó bao gồm phần lớn diện tích đất đai của Trái Đất.
[sửa] Tham khảo và đọc thêm
- British Palaeozoic Fossils, 1975, The Natural History Museum, London.
- Trang chủ của ICS truy nhập ngày 19 tháng 9 năm 2005.
[sửa] Lưu ý
- ▲ Liên đại Hỏa Thành (Hadean), Liên đại Thái Cổ (Archean) và Liên đại Nguyên Sinh (Proterozoic) trước đây gọi chung là thời Tiền Cambri, nhưng ngày nay nói chung chúng được chia thành các đại riêng rẽ cho mỗi liên đại, vì thế số lượng đại không còn là 4.
Liên đại Hiển Sinh | ||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Đại Cổ Sinh | Đại Trung Sinh | Đại Tân Sinh |
Đại Cổ Sinh | |||||
---|---|---|---|---|---|
kỷ Cambri | kỷ Ordovic | kỷ Silur | kỷ Devon | kỷ Than Đá | kỷ Permi |