Trịnh Giang
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trịnh Giang | |
---|---|
Năm sinh-mất: | 1711–1761 |
Tên húy: | Trịnh Giang |
Trị vì: | 1729–1740 |
Dưới vua: | Lê Dụ Tông Lê Duy Phường Lê Thuần Tông Lê Ý Tông |
Miếu hiệu: | Dụ Tổ |
Thụy hiệu: | Thuận Vương |
Uy Nam vương Trịnh Giang (1711–1761) là chúa Trịnh thứ bảy thời Lê trung hưng, ở ngôi từ năm 1730 đến 1740. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam.
Trịnh Giang là con trưởng của An Đô vương Trịnh Cương. Khi ông còn làm thế tử, bảo phó của ông là Nguyễn Công Hãng đã dâng mật sớ nhận xét rằng ông là người ươn hèn, không thể gánh vác được ngôi chúa. Trịnh Cương đã có ý định thay đổi ngôi thế tử nhưng chưa dứt khoát thì đột ngột mất, Trịnh Giang với tư cách thế tử lên nối ngôi chúa.
Mục lục |
[sửa] Ra uy
Tháng 4 nǎm 1730, Trịnh Giang tự tiến phong là Nguyên soái, thống quốc chính Uy Nam vương.
Năm 1731, thượng hoàng Lê Dụ tông mất. Năm sau, để tỏ rõ uy quyền, Trịnh Giang vu tội cho vua Lê Duy Phường (con thứ của Dụ tông) tư thông với vợ của Trịnh Cương, phế truất làm Hôn Đức công, lập anh Duy Phường là Duy Tường (con cả Dụ tông) lên ngôi, tức là Lê Thuần Tông, sau đó thắt cổ giết chết Duy Phường. Cuối năm đó Giang lại giết Nguyễn Công Hãng vì trước Công Hãng đã bàn với Trịnh Cương bỏ ngôi thế tử của mình.
Ngoài ra, Trịnh Giang còn bỏ hết các chính sách về thuế khoá tài chính do Trịnh Cương đặt ra trước đây.
[sửa] Hưởng lạc
Trịnh Giang là người thích âm nhạc, thơ ca và chơi bời, cho chế lễ nhạc trong phủ chúa, mỗi khi đi tuần thường có phường nhạc đi trước dẫn đường. Những buổi không có triều hội, ông thường mời các quan đến cùng ngâm tụng thơ ca, bình luận văn sách và các lối viết chữ; ra đề tại chỗ cho mọi người cùng làm thi và có thưởng. Trịnh Giang còn khuyến khích các nho thần sưu tầm thơ văn.
Trịnh Giang có người em thứ ba là Trịnh Doanh, tuổi còn trẻ nhưng có tài kiêm văn võ, được ông rất tin tưởng. Do không tha thiết việc chính sự, nǎm 1736 Trịnh Giang phong cho Doanh lúc đó mới 17 tuổi làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, chức Thái úy, tước Ân Quốc công, cho mở phủ Lượng Quốc. Mỗi tháng ba lần, Doanh thay Giang triều kiến trǎm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc. Giang rảnh tay vào ǎn uống, chơi bời, tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ. Giang cho xây dựng rất nhiều cung quán, chùa chiền rất nguy nga và tốn kém: Chùa Hồ Thiên, hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng họ ngoại như làng Tứ Dương, làng My Thử. Việc xây cất, chơi bời của Trịnh Giang làm tốn kém nhiều tiền của nên Giang ra lệnh tăng các thứ thuế khoá và bắt dân lao dịch nặng nề khiến nhân dân rất bất bình.
Trịnh Giang lao vào ǎn chơi, ham mê tửu sắc nên sức khỏe ngày càng kém sút. Ông quan hệ cả với cung nữ của cha là Kỳ Viên họ Đặng, điều cấm kỵ thời phong kiến. Sau Vũ thái phi biết chuyện, bắt ép Đặng thị phải tự tử. Một hôm bất ngờ Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Từ đó Giang mắc bệnh "kinh quý", tâm thần bất định, hoảng hốt và hay sợ hãi. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ nói dối rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất.” Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Công Phụ càng có điều kiện để lộng quyền.
Hoàng thân Lê Duy Mật định làm binh biến lật đổ Trịnh Giang nhưng việc bại lộ, bèn trốn ra ngoài phát động khởi nghĩa. Khắp các vùng, dân chúng đã nổi lên khởi nghĩa dưới cờ các thủ lĩnh Vũ Đình Dung, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh, Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương... với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh". Triều đình bất lực, không trị nổi.
Trước tình hình đó, Thái phi Vũ thị đã cùng triều thần bàn cách lập Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang để trấn an lòng người. Nǎm 1740 Trịnh Doanh thay quyền ngôi chúa, tức là Minh Đô vương, tiến tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Ít lâu sau Trịnh Doanh đưa vua Ý Tông (thay Thuần Tông năm 1735) lên làm thượng hoàng và lập cháu vua là Duy Diêu lên ngôi, tức là Lê Hiển Tông. Thế là trong triều lần đầu tiên vừa có vua vừa có thượng hoàng, lại vừa có chúa vừa có thượng vương.
Trịnh Giang ở ngôi được 11 nǎm (1730-1740) rồi lánh ở cung Thưởng Trì thêm 20 nǎm nữa mới mất (1761), thọ 51 tuổi, được tôn là Dụ Tổ Thuận vương. Về sau, khi cháu nội Trịnh Doanh là Trịnh Tông bị Tây Sơn tiêu diệt (1786), con Trịnh Giang là Trịnh Bồng được lập lên ngôi chúa, tức là Án Đô vương, chúa Trịnh cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
[sửa] Bình luận
Trịnh Giang là người làm hỏng chính sự Đàng Ngoài, khiến thế nước của Bắc Hà suy yếu. Giang vu cho vua Lê Duy Phường tư thông với vợ của cha mình để phế truất nhưng rồi chính ông lại phạm vào điều cấm đó với Kỳ Viên họ Đặng, là một trong những nguyên nhân khiến ông bị mất ngôi. Ham chơi bời, háo sắc, bỏ bê chính sự, sợ sấm sét và bị mất địa vị, những nét đó của Trịnh Giang khá giống với Mạc Mậu Hợp. Tuy nhiên, vì họ Trịnh đã xây dựng được bộ máy cai trị nề nếp, quy củ từ nhiều đời trước nên cơ đồ vẫn được giữ vững bởi tay Trịnh Doanh và nhờ đó Trịnh Giang mới được sống vô sự đến hết đời.
[sửa] Xem thêm
[sửa] Tham khảo
- Việt Nam sử lược
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
- Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, 2001
Trước: Trịnh Cương |
Uy Nam Vương 1729–1740 |
Sau: Trịnh Doanh |