Eo biển Kerch
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Eo biển Kerch (tiếng Nga: Керченский пролив) nối liền biển Đen với biển Azov, tách Crimea ở phía tây với bán đảo Taman ở phía đông. Eo biển này rộng khoảng 4,5 đến 15 km (3-11 dặm) và sâu tới 18 mét. Cảng quan trọng nhất ở đây là thành phố Kerch.
Vận tải bằng phà xuyên qua eo biển này được thiết lập năm 1952, đã nối liền Crimea và Krasnodar krai (đơn vị hành chính tương đương như tỉnh) (tuyến cảng Krym - cảng Kavkaz). Ban đầu ở đây có 4 "phà-xe lửa"; sau đó đã được bổ sung thêm 3 phà-ô tô. Vận tải bằng phà-xe lửa đã kéo dài khoảng 40 năm. Các phà-xe lửa trở nên cũ kỹ vào những năm cuối thập niên 1980 và đã không còn được vận hành nữa. Mùa thu năm 2004 các tàu mới đã được đưa vào sử dụng và vận tải đường sắt lại được phục hồi.
Đã có một vài cố gắng nhằm xây dựng cầu xuyên qua eo biển Kerch để thay thế cho phà, nhưng các khó khăn do cấu trúc địa chất của khu vực này đã làm cho các dự án xây cầu trở nên quá tốn kém.
Một số xí nghiệp chế biến cá nằm dọc theo bờ biển phía Crimea của eo biển này. Mùa đánh bắt cá bắt đầu từ cuối mùa thu và kéo dài trong 2-3 tháng.
Trong thời cổ đại eo biển Kerch đã được biết đến như là Bosporus của Crimea; nó còn có tên gọi theo tiếng Tatar là Yenikale.