Thép đã tôi thế đấy
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thép đã tôi thế đấy (tiếng Nga:Как закалялась сталь) là cuốn tiểu thuyết do Nikolai Ostrovsky (1904-1936) viết trong thời kỳ Stalin. Pavel Corsaghin là nhân vật chính của tác phẩm. Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật này (chính là hóa thân của tác giả), khiến cho độc giả nhiều nơi trên thế giới yêu quí nhân vật Pavel và phương châm sống của Pavel cũng đã trở thành phương châm sống của nhiều thanh niên thế hệ Pavel: "Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Nó cho con người chỉ một lần, và cần sống sao cho khỏi phải ân hận và xót xa vì những năm tháng đã sống vô nghĩa, sao cho không phải hổ thẹn vì những điều nhỏ nhen, ti tiện đã qua - và sao cho khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho lý tưởng cao đẹp nhất trên thế giới - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...". Ngày nay, khi đọc tác phẩm theo quan điểm mới, rộng rãi hơn, nhiều người cho rằng, cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại chính là cuộc đấu tranh với đói nghèo và bệnh tật, với dốt nát và vô chính phủ, với chuyên quyền và độc tài... Cuốn tiểu thuyết đã được dịch được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam.
Tiểu thuyết này đã được Nga dựng thành phim vào năm 1956, có tựa đề là Pavel Corsaghin.
Vào cuối năm 2000, Trung Quốc cũng đã chuyển thể tiểu thuyết này sang thành phim truyền hình nhiều tập cùng tên và tất cả các vai diễn là người Ukraina đảm nhận.
Mục lục |
[sửa] Nội dung tóm tắt
- Cảnh báo: Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.
Pavel Corsaghin (thường được gọi là Pavơlusa) là một thanh niên lớn lên trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như bao thanh niên Liên Xô khác, anh cũng có người bạn gái chơi thân, cô tên là Tônhia và sau này trở thành người yêu. Tônhia là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó, lý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản. Anh trai Pavel cũng theo con đường này. Tônhia rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh và theo anh, không dám yêu một lý tưởng. Nhà Tônhia lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel nói : ""Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng"...
Pavel đã chia tay Tônhia mà theo lý tưởng mình đã xác định. Anh hăng hái, hồ hởi cống hiến sức trẻ thanh niên của mình cho nhưng công việc phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong thời gian xây dựng con đường sắt nhỏ nối khu rừng với thành phố, tình cờ Pavel đã gặp lại Tônhia. Công việc ở đây rất cực nhọc, ngày đêm chịu đói rét, gian khổ để gấp rút hoàn thành cho kỳ được con đường sắt cho kịp trước khi mùa đông tới. Nếu không kịp thì tất cả mọi người trong thành phố này sẽ chết cóng vì không đủ gỗ để sưởi ấm. Do vậy, Tônhia đã suýt không nhận ra anh vì trông anh đã hoàn toàn khác, rách rưới, tím tái vì giá lạnh, gầy gò như một người ăn xin và đang xúc tuyết, tuy có đôi mắt thì vẫn là Pavơlusa ngày nào. Tuy nhiên, cô đã không dám bắt tay anh khi anh đưa tay ra và anh hiểu rằng, tình cảm cũ giữa hai người vĩnh viễn không còn nữa. Cô giờ đây đã có chồng và "sặc mùi băng phiến"...
Sau này, trong quá trình lao động và sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Pavel đã gặp Rita và được cô quý mến. Nhưng tình cảm giữa hai người chỉ giữ ở tình đồng chí...Về sau, có lúc Pavel bị bệnh sốt thương hàn và bị bại liệt, vôi hóa cột sống, phải ngồi xe lăn, có một y tá chăm sóc và động viên, dồn hết tình thương cho anh. Anh cảm thấy mình không được quyền lùi bước trước khó khăn, tin tưởng vào tình yêu mới và chuyển sang viết sách vẫn với ngọn lửa và chất thép đã được tôi luyện ngày nào...
[sửa] Ý nghĩa tác phẩm
"Thép đã tôi thế đấy" đã một thời được coi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Pavel là một thanh niên, được tôi luyện, được nung rèn trong lò lửa của cách mạng và đã vượt qua được nhiều khó khăn, cực khổ. Tác phẩm lột tả được niềm tự hào đã vượt qua những thử thách cam go, sức mạnh của niềm tin và khát khao được sống, được cống hiến, được bùng cháy trọn vẹn ngọn lửa đời mình cho Tố quốc, cho cách mạng. Tác phẩm đã truyền lại được cho những độc giả là thanh niên ngọn lửa và chất thép hào hùng, một thứ rất cần thiết trong hành trang vào đời các bạn trẻ để họ có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đây là tác phẩm được coi là đặt nền móng cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
[sửa] Thông tin thêm
Trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi, Nguyễn Văn Thạc đã viết : "Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là con người của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu. Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven... Đừng lười nữa. Sống say mê và dồn ép lại, đừng để những tháng ngày trôi qua vô vị nữa... Cuộc sống của Paven là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của 1 chiến sỹ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng..."
Trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm đã viết đại ý rằng, trên mảnh đất miền Nam hầu như không lúc nào ngưng tiếng súng nổ này, 100% các gia đình đều có tang tóc, chết chóc đau thương đè nặng lên mỗi người dân. Vậy mà, ở giữa cái nơi sự "gian nan, chết chóc, hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” ấy, có những người lính như chị nằm dưới công sự nghe giặc đào ở trên mà vẫn kể cho nhau nghe chuyện về anh chàng Pavel Corsaghin trong "Thép đã tôi thế đấy".
Iuri Bêlichencô - nhà văn Nga, đã viết: "... Ngày nay, đọc lại "Thép đã tôi thế đấy", tôi càng thấy rõ hơn bao giờ hết: đó là một cuốn sách độc nhất vô nhị và đầy sức thuyết phục. Trong tất cả những điều mà ngày hôm nay một số người thì đe dọa chúng ta, còn số khác thì tỏ ra khâm phục cuộc đấu tranh giai cấp, nội chiến và đặc biệt là khâm phục sự lao động vô cùng cực nhọc nhưng tự nguyện của tác giả. Bị vôi hóa cột sống, bị bại liệt cả hai chân, bị mù hẳn vì vết thương, cuộc sống vật chất quá thiếu thốn sau nội chiến, thế mà ông vẫn đêm ngày làm việc bằng hết cả phần cuộc đời còn lại của mình...".
[sửa] Xem thêm
- Ruồi trâu
- Thuyền trưởng và đại uý
- Just people