Thánh hóa
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thánh hoá theo nguyên nghĩa là biệt riêng ra cho một mục đích đặc biệt, đó là làm nên thánh hoặc trở nên thiêng liêng. Vì vậy thánh hoá ngụ ý một tình trạng hoặc một tiến trình được biệt riêng ra để được nên thánh.
Khái niệm thánh hoá được sử dụng rộng rãi trong các tôn giáo, nhưng phổ biến nhất có lẽ là trong vòng các giáo phái thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo. Mặc dù thuật ngữ này có thể được dùng để chỉ những vật thể được biệt riêng ra cho một mục đích đặc biệt, trong thần học Cơ Đốc, thánh hoá là một hành động của Thiên Chúa thể hiện một sự thay đổi triệt để trong đời sống của tín hữu, khởi đầu với thời điểm người ấy được cứu rỗi hay được xưng công chính và tiếp tục kéo dài suốt cuộc đời. Nhiều truyền thống Cơ Đốc giáo tin rằng tiến trình thánh hoá chỉ kết thúc tại Thiên đàng, nhưng có nhiều người cho rằng một sự thánh khiết trọn vẹn là khả dĩ ngay trong đời này.
Trong nhiều giáo hội, cả con người và vật thể vô tri đều có thể được thánh hoá. Điển hình là trong tiến trình biến thể (transubstantiation), theo giáo lý Công giáo, bánh và rượu trong lễ ban thánh thể thực sự biến hoá thành thịt và huyết của Chúa Giê-xu. Tiến trình này là một hình thức thánh hoá bánh và rượu.
Trong các giáo phái khác nhau thuộc Cơ Đốc giáo, thuật ngữ này có thể được hiểu theo từng ý nghĩa riêng như đối với tín hữu Kháng Cách (Protestant), khái niệm thánh hoá được gắn kết chặt chẽ với ân điển của Thiên Chúa và chỉ được dùng riêng cho con người.
Theo Phong trào Thánh khiết (Holiness Movement) hiện đại, cách diễn giải cho rằng sự thánh khiết có tính hỗ tương (relational) đang trở nên phổ biến. Cốt lõi của sự thánh khiết hỗ tương là tình yêu thương. Có những ý nghĩa khác của sự thánh khiết như thanh sạch, biệt riêng, toàn hảo, vâng phục luật pháp, tận hiến. Nhưng những đức hạnh này chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa chân chính tối hậu của mình khi đặt tình yêu vào vị trí cốt lõi của chúng.
[sửa] Trích dẫn từ Kinh Thánh
- Lê vi ký 11. 44 “ ....Các ngươi phải nên thánh, vì ta (Thiên Chúa) là thánh ...”
- Matthew 5. 48 “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn”.
- Giăng 3. 30 “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống”.
- La mã 6. 22 “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Thiên Chúa rồi thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả”.
- 1 Corinthians 6. 11 “ ... Nhưng anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình trong danh của Chúa Giê-xu Cơ Đốc và trong Thánh Linh của Thiên Chúa chúng ta”.
- 2 Corinthians 7. 1 “hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Thiên Chúa mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”.
- 1 Thessalonians 4. 3 “Vì ý muốn của Thiên Chúa, ấy là khiến anh em nên thánh...”.
- 1 Thessalonians 4. 7 “Bởi chưng Thiên Chúa chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy”.
- 1 Thessalonians 5. 23 “Nguyền xin chính Thiên Chúa bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Chúa Giê-xu Cơ Đốc chúng ta đến”.
- Hebrew 6. 1 “Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin Lành của Chúa Cơ Đốc mà tiến tới sự trọn lành ...”.
- Hebrew 12. 14 “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Thiên Chúa”.
- James 1. 4 “Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào”.
- 1 Peter 1. 15 –16 “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em phải thánh trong mọi cách ăn ở của mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh”.
- 1 Giăng 4. 18 “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không trọn vẹn trong sự yêu thương”.