Văn Lang
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Văn Lang (chữ Hán: 文郎) là nhà nước đầu tiên của người Việt xưa, do các đời vua Hùng Vương cai trị.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: Quốc gia này có kinh đô là Văn Lang đặt ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Cương vực: Đông giáp Nam Hải (Biển Đông), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay), Bắc giáp hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung Quốc), Nam giáp Hồ Tôn (Chămpa). Nước chia làm 15 bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, và Văn Lang là bộ nơi vua đóng đô.
Việt Sử Lược chép rằng nước Văn Lang gồm 15 bộ, trong đó có 10 bộ giống tên như Toàn thư ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang), và 5 bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam).
Các tài liệu khác lại cho rằng lãnh thổ nước Văn Lang bao gồm khu vực Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ.
Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương (Vua Hùng). Ngôi Hùng Vương cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương có các lạc hầu, lạc tướng giúp việc. Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ (bộ lạc cũ). Dưới nữa là các bố chính, đứng đầu các làng bản. Dân gọi là lạc dân.
Nước Văn Lang truyền được 18 đời vua:
- Hùng Dương (Lộc Tục)
- Hùng Hiền (Lạc Long Quân)
- Hùng Lân (vua)
- Hùng Việp
- Hùng Hy
- Hùng Huy
- Hùng Chiêu
- Hùng Định
- Hùng Hy
- Hùng Võ
- Hùng Việt
- Hùng Anh
- Hùng Triều
- Hùng Tạo
- Hùng Nghị
- Hùng Duệ
- ?
- ?
Theo Hùng triều ngọc phả, nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính.