Vô vi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vô vi (zh. 無爲, sa. asaṃskṛta, pi. asaṅkhata) trong Đạo Phật mang những nghĩa sau
1. Vô vi nghĩa là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là Hữu vi (有爲, sa. saṃskṛta), cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo nguyên thuỷ thì chỉ có Niết-bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các pháp còn lại đều là hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng toạ bộ (pi. theravādin) và Độc Tử bộ (sa. vātsīputrīya). Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này.
- Đại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi, đó là hai cách Diệt độ (sa., pi. nirodha), trong đó một loại (1.) được đạt bằng sự phân tích phân biệt, gọi là Trạch diệt (sa. pratisaṃkhyā-nirodha), tương ưng với Niết-bàn. Loại Diệt thứ hai (2.) được đạt không qua sự phân tích, phân biệt (phi trạch), được gọi là Phi trạch diệt (sa. apratisaṃkhyā-nirodha), liên hệ đến những lậu hoặc (ô nhiễm) mà một A-la-hán không còn vướng mắc. Được xếp vào vô vi pháp nữa là Hư không (3.), Không vô biên xứ (4.), Thức vô biên xứ (5.), Vô sở hữu xứ, tức là cái “không có gì” (6.), Phi tưởng phi phi tưởng xứ (7.), nội dung của thuyết Duyên khởi (8.) và Bát chính đạo (9.).
- Thuyết nhất thiết hữu bộ công nhận ba pháp vô vi là Hư không và hai loại Diệt trên. Duy thức tông liệt kê thêm vào ba vô vi pháp này một loại Diệt bằng một trạng thái thiền định an vui bất động, sự chấm dứt suy nghĩ và thụ cảm của một A-la-hán và Chân như (sa. tathatā).
- Pháp Tạng bộ (sa. dharmaguptaka) xếp vào loại vô vi pháp Chân như và sự “Trường tồn của mọi pháp.” Dưới “Trường tồn của mọi pháp” họ định nghĩa rằng cái đặc tính gì không biến đổi của nó (sự không biến đổi của nó chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (Nghiệp) cũng như một vài trạng thái Định.
2. Về nghĩa “Không làm” xem Bất hành nhi hành.
[sửa] Tham khảo
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |