Ebooks, Audobooks and Classical Music from Liber Liber
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z





Web - Amazon

We provide Linux to the World


We support WINRAR [What is this] - [Download .exe file(s) for Windows]

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
SITEMAP
Audiobooks by Valerio Di Stefano: Single Download - Complete Download [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Alphabetical Download  [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Download Instructions

Make a donation: IBAN: IT36M0708677020000000008016 - BIC/SWIFT:  ICRAITRRU60 - VALERIO DI STEFANO or
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Thần thoại Hy Lạp – Wikipedia tiếng Việt

Thần thoại Hy Lạp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chủ đề trong Thần thoại Hy Lạp
Các vị thần:
Các anh hùng:
Nhân vật liên quan:
  • Nhân dương và Nhân mã
  • Tôn giáo Hy Lạp cổ đại

Thần thoại Hy Lạp là những truyện thần thoại của người Hy Lạp, bao gồm các truyền thuyết về các vị nam thần, nữ thần và các vị anh hùng của người Hy Lạp. Ban đầu, thần thoại Hy Lạp là những câu chuyện thơ truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Các câu chuyện đó tồn tại đến ngày nay là nhờ các ghi chép về các câu chuyện truyền miệng nói trên, đôi khi chúng được bổ sung thêm các lời giải thích về các ý nghĩa biểu tượng hoặc các hàm ý khác có thể là hiện đại hoặc cổ điển. Nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là tìm ra những ý nghĩa ban đầu được ẩn dấu trên các hình vẽ trên các bình gốm sứ, các bức họa,... hoặc đằng sau những nghi lễ tôn giáo còn tồn tại đến ngày nay.

Trong các truyền thuyết, câu chuyện và trường ca, tất cả các vị thần của Hy Lạp cổ đại đều được miêu tả giống như hình dáng của con người, ngoại trừ một số sinh vật nửa người nửa thú như các nhân sư, số còn lại đều có nguồn gốc từ vùng Cận Đông và vùng Thổ Nhĩ Kỳ. Các vị thần Hy Lạp có thể sinh con nhưng trẻ mãi không già, không bị thương tổn, không ốm đau, có thể trở nên tàng hình, có thể di chuyển rất nhanh và có thể dùng người là phương tiện truyền đạt ý tưởng của họ mà người đó có thể biết hoặc không biết. Mỗi vị thần có một hình dáng, một nguồn gốc, một sở thích, một cá tính và một lĩnh vực chuyên môn mà họ quản lý; tuy nhiên, việc miêu tả các thần thường xuất phát từ các dị bản khác nhau nên không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau. Khi các vị thần được vinh danh trong thơ ca hoặc khi cầu nguyện thì họ được coi như là một ý nghĩa tổng hợp gồm tên và trách nhiệm của các vị để phân biệt với các hình ảnh khác của các thần. Trách nhiệm của một vị thần có thể phản ánh một khía cạnh đặc biệt về vai trò của vị thần đó, ví dụ, Apollo, vị thần thơ ca là tên dành cho thần Apollo, được coi là người bảo trợ cho nghệ thuật: thơ, ca, nhạc, họa; người cầm đầu các tiên nữ thơ ca muse. Nhưng trách nhiệm của một vị thần cũng có thể dùng để phân biệt một khía cạnh đặc biệt nào đó của một vị thần.

Trong các truyện thần thoại Hy Lạp, các vị thần được miêu tả là những người thuộc cùng một gia đình đa thế hệ. Vị thần già nhất tạo ra thế giới, nhưng các vị thần trẻ hơn đã thay thế các vị thần già. Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus là các vị thần quen thuộc nhất với tôn giáo Hy Lạp và nghệ thuật Hy Lạp và được miêu tả trong các sử thi có hình dáng của con người trong "Thời đại của các anh hùng". Đó là các bài học mà tổ tiên người Hy Lạp phải học để có được các kỹ năng cần thiết, lòng kính sợ thần thánh, đề cao đức hành và trừng phạt tội lỗi. Các vị thần nửa người, nửa thần được gọi là các "anh hùng" và cho đến khi thiết lập được thể chế dân chủ, các hậu duệ người Hy Lạp xây dựng trên cơ sở của tổ tiên.

Achilles băng bó viết thương cho Patroclus: Chiến tranh thành Troy là khởi nguồn của nhiều chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Dương vật của Patroclus thể hiện phương diện tình dục của quan hệ đồng giới. Những kiểu quan hệ như vậy là yếu tố phổ biến trong thần thoại Hy Lạp, trong đó phải kể đến quan hệ của Zeus và Ganymede
Achilles băng bó viết thương cho Patroclus: Chiến tranh thành Troy là khởi nguồn của nhiều chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Dương vật của Patroclus thể hiện phương diện tình dục của quan hệ đồng giới. Những kiểu quan hệ như vậy là yếu tố phổ biến trong thần thoại Hy Lạp, trong đó phải kể đến quan hệ của Zeus và Ganymede

Mục lục

[sửa] Bản chất và nguồn gốc

Mặc dù tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều có các thần thoại riêng của mình, thuật ngữ "thần thoại" trong các ngôn ngữ Tây phương (mythology trong tiếng Anh, mythologie trong tiếng Pháp, mitología trong tiếng Tây Ban Nha...) bắt nguồn từ người Hy Lạp (tiếng Hy Lạp: μυθολογία - mythologia) và mang một ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Hy Lạp.

Thuật ngữ Hy Lạp mythologia là một từ ghép gồm hai từ đơn:

  • mythos — trong trường ca Homer của Hy Lạp cổ đại khái có nghĩa là "một bài diễn văn hay bài diễn ca được nghi thức hóa" của một thủ lĩnh ở một cuộc tập họp, hay của một nhà thơ hoặc một thầy tế.
  • logos — trong Hy Lạp cổ mang nghĩa là "một câu chuyện có sức thuyết phục, một lập luận chặt chẽ".

Vì thế, theo nguyên nghĩa, một thần thoại là một sự nỗ lực trong việc mang lại ý nghĩa cho các câu chuyện được cách điệu hóa mà người Hy Lạp đã kể trong các lễ hội, xì xào ở các đền đài và bàn tán trong các tiệc tùng của quý tộc. Vì ít người nào lại hay lý sự hơn các nhà thơ, các thầy tế và các quý tộc, các tài liệu thần thoại đầy dẫy các mâu thuẫn. Vả chăng, các mâu thuẫn này cũng mang một ý nghĩa hài hước.

Một vài nguồn tham khảo dùng trong việc nghiên cứu Thần thoại Hy Lạp bao gồm:

  1. Thi ca của các thời kỳ Cổ Đại (bao gồm Tối Cổ (Archaic) và Thượng Cổ (Classical)) — chủ yếu được sáng tác nhằm phục vụ cho các lễ hội tôn giáo hay các bữa tiệc quý tộc, cho nên là một phần của mythos theo nghĩa của Homer. Bao gồm:
    • Các tác phẩm của Homer: Odyssey, IliadSử thi Homer (Homeric hymns).
    • Thần phả (Theogony) của Hesiod.
    • Các tác phẩm kịch nghệ của Aeschylus, Sophocles, Euripides và Aristophanes.
    • Các bài lễ ca của Pindarus và Bacchylides.
  2. Các tác phẩm của các sử gia như Herodotus và Diodorus Siculus, và các nhà địa lý học như Pausanias và Strabon, những người đã đi khắp thế giới Hy Lạp và ghi nhận các câu chuyện họ đã nghe được ở các thành phố khác nhau.
  3. Các tác phẩm của các nhà sưu tầm và ghi chép thần thoại, những người đã viết các chuyên luận bằng văn xuôi dựa vào các nghiên cứu học thuật mà cố gắng giải rối những chi tiết mâu thuẫn của các thi sĩ. Tác phẩm Bibliotheke của Apollodorus thành Athena là tác phẩm lớn nhất hiện có của thể loại này.
  4. Thi ca của các thời đại văn minh Hellen và Roman cổ, dù được sáng tác thiên về mục đích văn học hơn là tôn giáo, nhưng vẫn chứa đựng nhiều chi tiết quan trọng, bao gồm các tác phẩm của:
    • Các thi sĩ thời Hellen như Apollonius của đảo Rhodes và Callimachus.
    • Các thi sĩ thời Roman như Hyginus, Ovid, Statius, Valerius Flaccus và Virgil.
    • Các thi sĩ Hy Lạp thời Hậu Cổ Đại như Nonnus và Quintus Smyrnaeus.
  5. Các tiểu thuyết cổ của Apuleius, Petronius, Lollianus và Heliodorus.

[sửa] Tổng quan

Thần thoại Hy Lạp có phạm vi rất rộng lớn, bao gồm từ các tội ác khủng khiếp của các thần Titan và các cuộc chiến đẫm máu ở thành Troy và Thebes, đến các trò tinh nghịch trẻ con của Hermes và sự đau khổ đến động lòng của Demetra vì con gái Persephone. Không thể đếm nổi số lượng các nam thần (god), nữ thần (goddess), nam anh hùng (hero), nữ anh hùng (heroine), quái vật (monster), ma quỷ (demon), các nữ thần núi và sông (nymph), các nhân dương (satyr) và nhân mã (centaur) đã xuất hiện.

Thần thoại Hy Lạp có một bảng niên đại tuy không chính xác lắm. Các mâu thuẫn trong các tài liệu làm cho việc phân khúc thời gian của thần thoại Hy Lạp không được chính xác. Tuy nhiên, thần thoại Hy Lạp được phân tạm ra thành ba thời đại:

  1. Thời đại của các vị thần,
  2. Thời đại thần và người sống hòa vào nhau một cách tự do, và
  3. Thời đại của các anh hùng, khi mà hoạt động của thần thánh bị hạn chế hơn.

Trong khi các người nghiên cứu thường có hứng thú hơn về các huyền thoại thuộc về thời đại của các vị thần, các tác giả Hy Lạp trong các kỷ nguyên Tối Cổ (Archaic) và Thượng Cổ (Classical) rõ ràng lại tỏ ra ưa thích các huyền thoại thuộc về thời đại của các anh hùng, ví dụ như hai bản anh hùng ca IliadOdyssey, hơn hẳn các câu chuyện tập trung vào thần thánh như Thần phảSử thi Homer về cả quy mô lẫn tính đại chúng.

Đền thờ thần Apollo ở Delphi
Đền thờ thần Apollo ở Delphi

[sửa] Thời đại của các vị thần

Như các láng giềng lân cận, người Hy Lạp tin vào một đền thờ đa thần (pantheon), một tập hợp các vị nam thần và nữ thần được liên kết đến các khía cạnh cụ thể của cuộc sống. Ví dụ như Aphrodite là nữ thần của tình yêu, còn Ares là thần của chiến tranh, và Hades là thần của cõi u minh. Một vài vị thần như Apollo và Dionysus có những nhân cách khá phức tạp và đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau trong khi các thần khác như nữ thần Hestia (có nghĩa là "gia đình" hay "tổ ấm") và thần Helios (có nghĩa là "mặt trời") chỉ được nhân cách hóa một tí. Cũng có các vị thần gắn với một địa điểm cụ thể như các thần sông và các nữ thần (nymph) của các con suối và hang động, và các lăng mộ được sùng kính của các anh hùng.

Mặc dù có hàng trăm các nhân vật có thể được xem như các "thần" hay các "anh hùng" theo nghĩa này hay nghĩa kia, một vài nhân vật chỉ được nhắc đến trong các truyện dân gian hay được tôn sùng ở một địa phương cụ thể nào đó (như Trophonius) hay tại các lễ hội cụ thể nào đó (như Adonis). Các địa điểm chính của các nghi thức, các đền thờ lớn, được dành phần lớn cho một nhóm nhỏ các thần, chủ yếu là cho Mười hai vị thần trên đỉnh Olympus, Heracles và Asclepius và ở một vài nơi có thờ cả Helios. Các vị này là các trung tâm của các tín ngưỡng có tầm ảnh hưởng rộng thời văn minh Hellen. Nhiều vùng và các ngôi làng có các tín ngưỡng riêng, thờ cúng các nymph, các thần linh, anh hùng thiểu số khác mà các nơi khác không hề biết đến. Hầu hết các thành phố cũng thờ cúng các vị thần chính với các nghi thức địa phương kỳ dị và có các truyền thuyết địa phương đặc biệt về các vị thần này.

[sửa] Các vị thần đầu tiên

Một loại truyện kể đầu tiên về thời đại các vị thần kể về sự ra đời và mâu thuẫn của các vị thần đầu tiên: Chaos, Nyx, Eros, Uranus, Gaia, các Titan và sự chiến thắng của thần Zeuscác vị thần Olympus. Thần phả (Theogony) của Hesiod là một ví dụ của loại này. Đây cũng là đề tài của nhiều bài thơ ca bị thất lạc như các bài được quy cho là của Orpheus, Musaeus, Epimenides, Abaris và các nhà tiên tri huyền thoại khác, được dùng trong các lễ tẩy uế riêng và các nghi thức huyền bí riêng. Một vài phần của các tác phẩm này tồn tại trong các trích dẫn của các triết gia trường phái Tân Plato và các phế vật bằng giấy cói (papyrus) được khai quật gần đây.

Những người Hy Lạp đầu tiên nghĩ về thơ ca xem Thần phả, hay bài ca về sự ra đời của các vị thần, như là thể loại thơ ca đầu tiên - mythos đầu tiên - và gán hầu hết các năng lực phép màu cho nó. Orpheus, thi sĩ nguyên mẫu, cũng là ca sĩ nguyên mẫu của các bài ca thần phả, đã sử dụng chúng để làm cho biển cả và các cơn bão lặng dần đi, và làm rung động con tim sắt đá của các vị thần của âm ty trong chuyến đi xuống cõi Hades (tên vị thần của cõi u minh, đồng thời cũng là danh từ để chỉ vùng quản hạt của vị thần này). Khi thần Hermes phát minh ra đàn lia (lyre) trong Vần thơ của Homer về Hermes (Homeric Hymn to Hermes), việc đầu tiên mà ông ta làm là hát bài ca về sự ra đời của các vị thần. Thần phả của Hesiod không chỉ là bản miêu tả về các vị thần đầy đủ nhất còn tồn tại mà còn là một bản miêu tả đầy đủ nhất về chức năng của các thi sĩ thời Tối Cổ còn tồn tại với các lời dẫn nhập dài cầu khẩn nàng thơ Muse (để mở đầu một bài anh hùng ca).

[sửa] Các vị thần trẻ

Một loại nữa kể câu chuyện về sự ra đời, các cuộc chiến đấu, các kỳ công và cuối cùng là việc trèo lên đỉnh Olympus của một trong thế hệ các vị thần trẻ như: Apollo, Hermes, Athena, v.v. Sử thi Homer là nguồn cổ nhất của thể loại này. Chúng thường gắn chặt với các trung tâm tín ngưỡng của vị thần được đề cập. Vần thơ của Homer về thần Apollo là một sự kết hợp của hai chuyện: một kể về sự ra đời của Apollo ở Delos, chuyện còn lại kể về sự thành lập đền tiên tri của Apollo ở Delphi. Tương tự như vậy, Vần thơ của Homer về Demetra, với câu chuyện Hades bắt cóc Persephone, kể về câu chuyện đằng sau các nghi thức tế lễ huyền bí của người Eleusis (Eleusinian Mysteries).

[sửa] Thời đại của các vị thần và loài người

Bắc cầu cho thời đại các vị thần sống một mình và thời đại mà sự can thiệp của thần thánh vào cuộc sống của loài người bị hạn chế là thời đại chuyển tiếp khi thần và người cùng sống tự do với nhau.

Thể loại truyện kể thông dụng nhất về sự gặp gỡ của các vị thần và những con người đầu tiên có liên quan đến việc các nam thần (thường là Zeus) quyến rũ hay cưỡng bức một phụ nữ, rồi tạo ra những người con anh hùng. Trong một vài trường hợp, một nữ thần lại kết hợp với một người đàn ông, như trong Vần thơ của Homer về Aphrodite, trong đó nữ thần này kết hợp với Ankhises và sinh ra Aeneas. Cuộc hôn nhân của Peleus và nữ thần Thetis, sau đó sinh ra Achilles, là một ví dụ khác.

Một thể loại nữa có liên quan đến sự chiếm đoạt hay phát minh ra vật dụng văn hóa quan trọng nào đó, như khi Prometheus ăn trộm lửa từ các vị thần, khi Tantalus lấy trộm rượu và thức ăn trên bàn của Zeus đem về bàn tiệc của mình - tiết lộ cho họ về các bí mật của các vị thần, khi Prometheus hay Lycaon phát minh ra tế lễ, khi Demetra dạy nông nghiệp và các các nghi thức tế lễ bí mật cho Triptolemus, hay khi Marsyas phát minh ra aulos (một nhạc cụ giống như sáo) và thi đấu âm nhạc với thần Apollo.

Và một thể loại nữa dành riêng cho thần Dionysus: vị thần đến từ những vùng đất ngoại bang, lang thang khắp Hy Lạp để truyền bá tín ngưỡng của mình. Vua Lycurgus hay Pentheus, gây khó khăn và chống đối lại thần, cuối cùng bị thần trừng phạt tàn nhẫn.

[sửa] Thời đại các anh hùng

Thời đại các anh hùng có thể được phân chia ra quanh các sự kiện vĩ đại của cuộc hải trình của nhóm thủy thủ tàu Argo (một nhóm các anh hùng cùng với người hùng Jason của thần thoại Hy Lạp) và Chiến tranh thành Troy. Cuộc chiến thành Troy tạm đánh dấu sự kết thúc của thời đại các anh hùng.

[sửa] Những anh hùng đầu tiên

Perseus với cái đầu của Medusa
Perseus với cái đầu của Medusa

Trong các anh hùng, Heracles hầu như nổi trội hơn hẳn. Các kỳ công mà người anh hùng này đơn độc lập được, với các chủ đề như trong truyện dân gian, đã trở thành tài liệu cho các huyền thoại được nhiều người biết đến. Khả năng ăn uống kinh khủng cộng với tính cách chất phác, mộc mạc cũng làm cho Heracles trở thành một hình tượng quen thuộc trong hài kịch; trong khi kết cục đáng thương lại trở thành tài liệu cho bi kịch.

Các nhân vật khác trong thế hệ đầu tiên của các anh hùng, như Perseus, Theseus và Bellerophontes, có nhiều đặc điểm giống với Heracles. Các chiến công của họ cũng lạ thường, cũng do họ đơn độc tạo ra và gần như là truyện thần tiên, như khi họ tiêu diệt các quái vật như Medusa và chimera. Thế hệ này không được ưa chuộng trong việc trở thành đề tài cho các các thi sĩ về sau. Người ta biết đến họ chủ yếu là thông qua các nhà ghi chép huyền thoại và các lời nhận xét thoáng qua trong các tác phẩm văn xuôi. Tuy nhiên họ lại là các đề tài ưa thích của thể loại nghệ thuật thị giác.

[sửa] Hậu duệ của nhóm thủy thủ tàu Argo

Hầu như mọi thành viên của thế hệ anh hùng kế tiếp, cũng như Heracles, đều đi với Jason trong hành trình tìm kiếm Bộ lông cừu vàng. Thế hệ này cũng bao gồm cả Theseus, người đi đến Crete để tiêu diệt Minotaur; nữ anh hùng Atalanta; và Meleager, người đã từng có một thiên anh hùng ca của riêng mình có thể cạnh tranh với IliadOdyssey.

[sửa] Tội ác hoàng gia

Trong giai đoạn giữa cuộc hải trình trên tàu Argo và Chiến tranh thành Troy, có một thế hệ nữa được biết đến chủ yếu về các tội ác kinh khủng. Các tội ác này bao gồm các hành vi của Atreus và Thyestes ở thành Argos; và của Laius và Oedipus ở Thebes, cuối cùng dẫn đến sự cướp phá thành phố này dưới tay của Bảy người chống lại thành Thebes và Epigoni. Vì những lý do hiển nhiên mà thế hệ này cực kỳ được ưa thích bởi các tác giả bi kịch của thành Athena.

"Cơn thịnh nộ của Achilles" của Giovanni Battista Tiepolo
"Cơn thịnh nộ của Achilles" của Giovanni Battista Tiepolo

[sửa] Troy và hậu quả

Cuộc chiến thành Troy là điểm chuyển tiếp giữa thời đại các anh hùng và thời đại mà người Hy Lạp coi như là thời kỳ lịch sử (có thật chứ không phải hư cấu). Sự mở đầu và kết thúc của nó hơn hẳn các sự kiện khác trong thời đại các anh hùng về số lượng các nguồn tài liệu hiện có. Cuộc chiến thành Troy bao gồm:

  • Các sự kiện dẫn đến cuộc chiến: Sự phán xét của Paris về sắc đẹp của ba vị nữ thần, việc bắt cóc Helen, sự hiến thân của Iphigenia ở Aulis.
  • Các sự kiện của Iliad, bao gồm cuộc tranh cãi giữa Achilles và Agamemnon và cái chết của Patroclus và Hector.
  • Mưu kế con ngựa thành Troy và sự phá hủy thành Troy.
  • Chuyến đi về nhà của các anh hùng từ thành Troy, bao gồm cuộc lang thang của Odysseus và án mạng giết Agamemnon.
  • Con cái của thế hệ các anh hùng thành Troy: ví dụ như Orestes và Telemachus.

[sửa] Các giả thuyết về nguồn gốc

Ngay từ cổ xưa, các tác giả như Herodotus đoán rằng người Hy Lạp đã vay mượn hàng loạt các vị thần từ người Ai Cập. Sau này, các tác giả Cơ Đốc đã cố gắng giải thích việc thờ nhiều thần của người Hy Lạp như là một sự thoái hóa của tôn giáo đến từ Kinh thánh. Tuy nhiên, vào các thế kỷ 1920, các ngành khoa học khảo cổ và ngôn ngữ được dùng để giải thích nguồn gốc của thần thoại Hy Lạp.

Một mặt, ngôn ngữ học lịch sử cho thấy một vài phần của thần hệ Hy Lạp đến từ xã hội Ấn-Âu cùng với cội nguồn của ngôn ngữ Hy Lạp. Vì thế, ví dụ, cái tên Zeus có cùng nguồn gốc với Jupiter trong tiếng Latinh, Dyaus trong tiếng Phạn và Tyr trong tiếng Đức (xem Dyeus), cũng như tên Ouranos với tên Varuna trong tiếng Phạn. Trong các trường hợp khác, các sự tương tự trong các nhân vật và chức năng của họ cũng chứng tỏ một cội nguồn chung, tuy nhiên, các chứng cứ ngôn ngữ học còn chưa đủ, nên khó có thể chứng thực được - như trong trường hợp Moirae của người Hy Lạp và Norns của thần thoại Bắc Âu.

Mặc khác, khảo cổ học lại cho thấy một sự vay mượn lớn của người Hy Lạp từ các nền văn minh Tiểu Á và Cận Đông. Kybele là một ví dụ rõ ràng của việc vay mượn từ văn hóa Anatolia, trong khi Aphrodite lại có nhiều đặc điểm hình tượng và danh hiệu từ nữ thần của văn hóa Semit như Ishtar và Astarte.

Các nghiên cứu văn bản đã hé lộ một vài tầng lớp trong các câu chuyện, ví dụ như những lời nói phụ dẫn Theseus vào trong câu chuyện Mười hai kỳ công của Heracles. Người ta cho rằng những câu chuyện có liên quan đến việc dùng tên người đặt cho một địa danh bắt nguồn từ các nỗ lực tiếp thu thần thoại của một tín ngưỡng này vào một tín ngưỡng khác để thống nhất các nền văn hóa.

Ngoài sự bắt nguồn từ Ấn-Âu và Cận Đông, một vài học giả còn cho rằng có sự liên quan giữa thần thoại Hy Lạp đối với các nhóm xã hội Hy Lạp trong thời kỳ trước thời văn minh Hellen mà cho đến nay người ta còn chưa hiểu rõ, ví dụ như những người Mino và những người được gọi là người Pelasgi. Điều này đặc biệt đúng trong trường hơp về các vị thần âm ty và thần mẫu. Lấy ví dụ, ba thế hệ thần chính trong Thần phả của Hesiod (Uranus, Gaia, v.v.; các Titan và rồi sau đó là các vị thần trên đỉnh Olympus) có thể là phản ánh về sự tranh đấu gữa các nhóm xã hội, với ba nền văn hóa đỉnh cao của nền văn minh Hy Lạp: Minoa, Mycenae và Hellen.

Sự giống nhau giữa câu chuyện của Hesiod và thần thoại của người Hurrian về Anu, Kumarbi và Teshub cho thấy rất có thể câu chuyện này là một sự phóng tác dựa trên các tài liệu vay mượn hơn là một sự bóp méo các dữ kiện lịch sử. Sự tương tự giữa các thế hệ thần sớm nhất (Chaos và các con) và Tiamat trong Enuma Elish là có khả năng (Joseph Fontenrose, Python: A Study of Delphic Myth and Its Origins: NY, Biblo-Tannen, 1974).

Các học giả thuộc trường phái phân tích tâm lý do Carl Jung sáng lập như Karl Kerenyi nghiêng về quan điểm nguồn gốc của các câu chuyện thần thoại (và sự mơ mộng) là từ các nguyên mẫu chung. Mặc dù không phải độc giả nào cũng đồng ý với sự diễn giải về thần thoại theo các thuật ngữ về sự mơ mộng/tưởng tượng của trường phái tâm lý học Carl Jung (ví dụ như theo Kerenyi hay Joseph Campbell), hầu hết mọi người đều đồng ý rằng thần thoại mang tính chất tưởng tượng trong hai mặt: chúng không hoàn toàn nhất quán với nhau, và có lẽ là không nhất quán ngay cả trong một chi tiết thần thoại riêng biệt, và chúng thường phản ánh một vài kinh nghiệm nhất thời về bản chất của thượng đế, một sự hiển linh nào đó, mà sau này phải được liên kết vào một sợi chỉ dẫn chuyện, giống như là sự tưởng tượng được tạo ra từ các sự kiện nối tiếp nhau.

Tóm lại, nguồn gốc của thần thoại Hy Lạp vẫn còn đang là một câu hỏi mở đầy lôi cuốn.

[sửa] Người Hy Lạp có tin vào các vị thần của họ không?

Đối với người Hy Lạp, thần thoại phản ánh một phần lịch sử của họ; một số người từng nghi ngờ về sự thật của câu chuyện Chiến tranh thành Troy trong tác phẩm IliadOdyssey. Người Hy Lạp đã sử dụng thần thoại để giải thích các hiện tượng tự nhiên, các sự khác biệt về văn hóa, các mối quan hệ thù địch và bằng hữu truyền thống. Sẽ là một niềm tự hào đối với họ nếu có thể truy ra tổ tiên của một người nào đó chính là một anh hùng hay vị thần huyền thọai.

Mặt khác, các triết gia như Xenophanes đã từng bắt đầu cho rằng các câu chuyện của các thi sĩ là các lời dối trá báng bổ vào thế kỷ thứ 6 TCN; dòng suy nghĩ này được biểu lộ chung chung trong các tác phẩm Nền Cộng hòa (Republic) và Luật pháp (Laws) của Platon. Thẳng thắn hơn, tác gia bi kịch Euripides trong thế kỷ thứ 5 TCN thường đùa nghịch với các phong tục truyền thống cũ, chế giễu chúng và thông qua tiếng nói của các nhân vật mà đưa ra sự nghi ngờ. Trong các trường hợp khác, Euripides có vẻ như hướng đến việc chỉ trích hành vi của các vị thần.

Các thi sĩ, đặc biệt trong thời kỳ Đế quốc La Mã về sau, thường phóng tác các câu chuyện về các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp theo cái cách mà làm cho chúng không còn phản ánh các tín ngưỡng thật sự lúc ban đầu. Nhiều phiên bản thông dụng của các thần thoại Hy Lạp mà chúng ta có hôm nay thật ra lại có từ các câu chuyện kể hư cấu lại chứ không phải từ các câu chuyện thần thoại thật sự lúc ban đầu.

[sửa] Chủ nghĩa duy lý cổ Hy Lạp

Tính hoài nghi của thời kỳ Thượng Cổ đã trở nên rõ rệt hơn dưới thời kỳ của nền văn minh Hellen. Táo bạo hơn nữa, nhà thần thoại học Euhemerus cho là các câu truyện thần thoại chỉ là một trí nhớ mơ hồ về các hành động tàn ác của các vị vua xưa. Mặc dù các tác phẩm của Euhemerus đã bị mất, những lời giải thích tương tự như của nhà thần thoại học này có thể đọc được trong các taç phẩm của Diodorus Siculus.

Tìm hiểu về văn lý (hermeneutics) của thần thoại trở nên phổ thông trong thời kỳ Đế quốc La Mã vì các nguyên lý khắc kỷ (stoicism) và hưởng lạc (epicureanism) trong triết học, cũng như một lối nhìn thực dụng của người La Mã. Học giả Marcus Terentius Varro đã tổng kết truyền thuyết của hơn một thế kỷ bằng cách phân chia các vị thần Hy Lạp thành 3 loại:

  • Các vị thần của tự nhiên: các dạng nhân cách hóa của các hiện tượng tự nhiên như mưa, bão, lửa...
  • Các vị thần của các nhà thơ: được sáng tạo bởi các thi sĩ một cách không đắn đo để gây ra các xúc cảm mạnh
  • Các vị thần bảo vệ một khu vực: được sáng tạo bởi các nhà lãnh đạo khôn ngoan vuốt ve, xoa dịu cũng như để giảng dạy quần chúng tại khu vực của họ.

De Natura Deorum của Cicero giải thích rõ về lối nhìn này.

[sửa] Xu hướng dung hợp

Một khía cạnh ít ngờ tới của cách nhìn duy lí là xu hướng phổ biến trong việc dung hợp các thần Hy Lạp và phi Hy Lạp thành các dạng thần thánh mới mà gần như khó còn nhận ra được. Cụ thể chẳng hạn nếu Apollo, Serapis, Sabazios, Dionysus và Mithras đều thực sự là Helios, thì sao không kết hợp tất cả họ lại thành một vị thần duy nhất Deus Sol Invictus, với những nghi lễ và thuộc tính tổng hợp? Bộ thánh ca OrpheusSaturnalia của Macrobius từ thế kỷ thứ 2 còn sót lại là sản phẩm của lối tư duy này.

Tuy Apollo trong tôn giáo có thể coi như Helios hay thậm chí Dionysus, văn chương kể về vị thần này ít khi phản ánh điều đó. Thần thoại theo văn chương truyền thống thường ít gắn kết với thực tế tôn giáo.

[sửa] Giải thích dưới cách nhìn hiện đại

Một thư mục các tác phẩm hiện về thần thoại Hy Lap, bắt đầu từ tác phẩm Genealogia degli Dei de Gentili của Boccaccio: Carlos Parada, Greek Mythology Link. Các nhà nghiên cứu phát triển thần thoại học và văn lí học hiện đại, kể từ truyền thống nhã nhặn Cơ đốc giáo của Bulfinch, theo trình tự thời gian bao gồm:

  • Thomas Bulfinch
  • Johann Jakob Bachofen
  • James George Frazer
  • Jane Ellen Harrison
  • Walter Burkert
  • Otto Rank
  • Carl Jung
  • Walter Otto
  • Edith Hamilton
  • Karl Kerenyi
  • Robert Graves
  • Claude Lévi-Strauss
  • Michael Grant
  • Joseph Campbell
  • Norman O. Brown
  • Timothy Gantz
  • Roberto Calasso
  • H.J. Rose
  • James Hillman

[sửa] Xem thêm

  • Danh sách các nhân vật thần thoại Hy Lạp
  • Danh sách các sinh vật thần thoại Hy Lạp
  • Thần thoại cổ điển
  • Entheogen sử dụng entheogen (các chất kích thích tinh thần) trong thần thoại và cúng bái cổ điển
  • Thần phả Hy Lạp
  • Tôn giáo Hy Lạp
  • Odysseus
  • Tương đồng giữa thần thoại La Mã, Hy Lạp, và Etrusca

[sửa] Địa danh quan trọng

  • Elysium
  • Hades
  • Helicon
  • Hyperborea (Hyperboria)
  • Lethe
  • Đỉnh Olympus (Olýmpos)
  • Styx
  • Tartarus (Tartaros)

[sửa] Chủ đề liên quan

  • Danh sách phim dựa trên thần thoại Hy Lạp-La Mã
  • Thần thoại về tình yêu đồng giới
  • Tà giáo
  • Thần thoại La Mã
  • Tôn giáo La Mã

[sửa] Đọc thêm

  • Mặc Đỗ, Thần nhân và thần thoại Tây phương, Sài Gòn, 1974
  • Phan Ngọc, Thần thoại Hy Lạp, Hà Nội: Nxb Văn học, 1988
  • Nguyễn Văn Khỏa, Thần thoại Hy Lạp, Nhà Xuất bản Văn học, 2004, 743 trang, khổ 24cm.
  • Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Hoa Cương, Cao Việt Dũng, Tạ Quang Đông Những anh hùng Hy Lạp cổ đại, Nxb Thế giới 2005

[sửa] Liên kết ngoài

[sửa] Nguồn tham khảo

Nguồn tham khảo chính về thần thoại Hy Lạp gồm có các tác phẩm của những nhà viết kịch Homer, Hesiod, cùng với Pindar, Apollonius xứ Rhodes, Apollodorus, và những tác gia người Latinh Ovid, Hyginus và Nonnus.

Nguồn tham khảo phụ bằng tiếng Anh gồm có:

  • Walter Burkert (1985) Greek Religion, Harvard University Press, 1985.
  • Graves, Robert, The Greek Myths 1955.
  • Jane Ellen Harrison, Prolegomena to the Study of Greek Religion, 1903
  • Kerenyi, Karl, The Gods of the Greeks 1951.
  • Kerenyi, Karl, The Heroes of the Greeks 1959.
  • Karl Kerenyi, Eleusis: archetypal image of mother and daughter, 1967.
  • Karl Kerenyi, Dionysos: Archetypal Image of Indestructible Life, 1976
  • Carl Ruck and Danny Staples, The World of Classical Myth, 1994.

Ngoài ra có một số tác phẩm chuyên sâu hơn như:

  • Jane Ellen Harrison, Prolegomena to the Study of Greek Religion, 1903
  • Karl Kerenyi, Eleusis: archetypal image of mother and daughter, 1967.
  • Karl Kerenyi, Dionysos: Archetypal Image of Indestructible Life, 1976
  • Nagy, Gregory, The Best of the Achaeans, Johns Hopkins, 1979.
  • Veyne, Paul Did the Greeks Believe in Their Myths? An Essay on Constitutive Imagination English translation by Paula Wissing (1988) University of Chicago ISBN 0-226-85434-5 (paper)


Our "Network":

Project Gutenberg
https://gutenberg.classicistranieri.com

Encyclopaedia Britannica 1911
https://encyclopaediabritannica.classicistranieri.com

Librivox Audiobooks
https://librivox.classicistranieri.com

Linux Distributions
https://old.classicistranieri.com

Magnatune (MP3 Music)
https://magnatune.classicistranieri.com

Static Wikipedia (June 2008)
https://wikipedia.classicistranieri.com

Static Wikipedia (March 2008)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com/mar2008/

Static Wikipedia (2007)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com

Static Wikipedia (2006)
https://wikipedia2006.classicistranieri.com

Liber Liber
https://liberliber.classicistranieri.com

ZIM Files for Kiwix
https://zim.classicistranieri.com


Other Websites:

Bach - Goldberg Variations
https://www.goldbergvariations.org

Lazarillo de Tormes
https://www.lazarillodetormes.org

Madame Bovary
https://www.madamebovary.org

Il Fu Mattia Pascal
https://www.mattiapascal.it

The Voice in the Desert
https://www.thevoiceinthedesert.org

Confessione d'un amore fascista
https://www.amorefascista.it

Malinverno
https://www.malinverno.org

Debito formativo
https://www.debitoformativo.it

Adina Spire
https://www.adinaspire.com