Ebooks, Audobooks and Classical Music from Liber Liber
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z





Web - Amazon

We provide Linux to the World


We support WINRAR [What is this] - [Download .exe file(s) for Windows]

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
SITEMAP
Audiobooks by Valerio Di Stefano: Single Download - Complete Download [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Alphabetical Download  [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Download Instructions

Make a donation: IBAN: IT36M0708677020000000008016 - BIC/SWIFT:  ICRAITRRU60 - VALERIO DI STEFANO or
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Sofia Alekseyevna – Wikipedia tiếng Việt

Sofia Alekseyevna

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Sofia Alekseyevna tại Tu viện Novodevichy, vẽ bởi Ilya Yefimovich Repin
Sofia Alekseyevna tại Tu viện Novodevichy, vẽ bởi Ilya Yefimovich Repin

Công chúa Sofia Alekseyevna hay Sophia Alekseyevna (tiếng Nga: Софья Алексеевна; 17 tháng 9, 1657 – 3 tháng 7, 1704) là con đầu lòng của Sa hoàng Aleksei I và Hoàng hậu Maria Ilyinichna Miloslavskaya (người vợ thứ nhất của Aleksei I), chị ruột của Sa hoàng Fyodor III và Sa hoàng Ivan V, chị cùng cha khác mẹ của Pyotr Đại đế, và làm Phụ chính nước Nga trong thời gian 1682–1689.

Sofia được nhận một nền giáo dục kinh điển qua những học giả thần học, và có thể nói được hai ngoại ngữ mà một người dân Nga có học vấn thực thụ vào thế kỷ 17 phải học qua: tiếng Latinh và tiếng Ba Lan.

Mục lục

[sửa] Thời tuổi trẻ

Dường như không có lý do rõ rệt cho tố chất hiếm hoi và khác thường của Sofia. Cô chỉ là người con thứ ba trong số tám người con gái do Hoàng hậu Maria Ilyinichna Miloslavskaya sinh ra, và là một trong sáu người con còn sống. Đáng lẽ cô đã nhận nền giáo dục sơ cấp dành cho nữ giới và sống suốt cuộc đời vô danh trong biệt cung – giống như chị em của cô. Nhưng Sofia có sự khác biệt. Cô có trí thông minh, có tham vọng, tính quyết đoán mà anh chị em của cô hoàn toàn thiếu.

Từ tuổi nhỏ, Sofia đã hiển nhiên là một con người khác thường. Bằng cách nào đó, cô đã thuyết phục vua cha bỏ qua truyền thống biệt lập phụ nữ hoàng gia và cho phép cô học chung với Fyodor, em trai nhỏ hơn cô 4 tuổi. Cô được học thần học, tiếng Latinh, tiếng Ba Lan và sử học. Cô cũng được biết qua thơ văn và kịch nghệ.

[sửa] Nhận chức vụ Phụ chính

Sofia được 19 tuổi khi vua cha qua đời và cậu em 15 tuổi trở thành Sa hoàng. Không bao lâu sau lễ đăng quang của Fyodor, vị công chúa (tsarevna) này xuất hiện bên ngoài chốn biệt cung. Dưới triều đại Fyodor III, càng ngày cô càng xuất hiện nhiều hơn ở những nơi chốn – ngay cả trong hội đồng boyar – mà từ trước đến giờ không hề có bóng dáng của phụ nữ. Người cậu của cô, Ivan Miloslavsky, và thủ tướng, Hoàng thân Vasily Vasilievich Golitsyn, cho phép cô tham dự vào các buổi thảo luận và lấy quyết định; vì thế những nhận thức chính trị của cô trở nên trưởng thành và giúp cô hiểu thêm tố chất của đàn ông. Dần dà, cô nhận ra rằng tri thức và tính quyết đoán của mình không hề thua kém – ngay cả vượt trội – những người đàn ông quanh mình; và rằng không có lý do gì, ngoại trừ giới tính và truyền thống, có thể ngăn cô nắm lấy uy quyền tối thượng.

Trong tuần lễ cuối cuộc đời của Fyodor, Sofia luôn ở bên giường bệnh, hành xử như là người an ủi Sa hoàng, lắng nghe Sa hoàng thổ lộ tâm tư, và giúp truyền đạt mệnh lệnh của Sa hoàng. Rồi cô can dự sâu vào những vấn đề quốc gia hệ trọng. Cái chết của Fyodor III và việc truyền ngôi cho Pyotr (em trai cùng cha khác mẹ 10 tuổi, chứ không phải truyền cho Ivan là em ruột 17 tuổi) có tác động nặng nề đối với Sofia. Việc này có nghĩa là dòng họ Naryshkin sẽ trở lại trong khi cô, một công chúa của dòng họ Miloslavsky, sẽ mất vị thế. Chắc chắn cô không còn được tiếp xúc với đại thần trong triều như Hoàng thân Vasily Golitsyn, người mà cô mến mộ. Tệ hơn nữa, vì cô và vị Phụ chính, Hoàng hậu Natalia Kirillovna Naryshkina, không ưa gì nhau, có khả năng cô sẽ bị tống vào tu viện.

Trong cơn tuyệt vọng, Sofia kiếm tìm giải pháp khác. Cô đi đến Giáo chủ để khiếu nại về quyết định nhanh chóng đưa Pyotr lên ngôi: "Quyết định này là không công bằng. Pyotr còn nhỏ và bốc đồng. Ivan đã trưởng thành, đáng lẽ phải là Sa hoàng." Giáo chủ Joachim đáp là không thể thay đổi quyết định. Sofia nài nỉ: "Nhưng ít nhất nên để cả hai người lên ngôi." Vị Giáo chủ không nghe theo.

Sofia phải rút lui. Nhưng ít ngày sau, trong tang lễ của Fyodor III, cô công khai bày tỏ quan điểm của mình. Cô đã gia nhập đám tang, không có chiếc lọng truyền thống để ngăn công chúng nhìn thấy phụ nữ của hoàng gia. Chỉ với một khăn voan che mặt, Sofia đã bước ra thế giới bên ngoài, than khóc và cầu khẩn mọi người hiểu cho nỗi đau khổ của cô. Hành động của Sofia có thể hiểu theo nhiều cách: phá bỏ tục lệ nghìn xưa vốn luôn cách ly các công chúa, thiếu lễ nghi phép tắc; hoặc là can đảm, đáng thương.

Trong khi nghi thức đang diễn ra trong thánh đường, Natalia nắm lấy tay Pyotr bước ra ngoài, có thể được hiểu như hành động trả đũa lại Sofia. Sau đó, bà giải thích rằng con trai bà bị mệt và đói, ở lại lâu thêm không tốt cho sức khỏe. Nhưng dòng họ Miloslavsky cảm thấy bị xúc phạm vì hành động trên. Tình hình càng trở nên nặng nề khi Ivan Naryshkin, người anh có tính tự phụ của Natalia, hàm ý nói đến họ Miloslavsky: "Người chết phải chôn người chết."

Rồi Sofia lại kể lể nỗi đau khổ, giờ pha thêm giận dữ: "Mọi người đã thấy Sa hoàng Fyodor bất thình lình băng hà như thế nào. Những kẻ thù của Ngài đã hạ độc Ngài. Xin hãy thương xót người mồ côi như chúng tôi. Chúng tôi không có cha, không có mẹ. Người anh của chúng tôi, Ivan, đã không được chọn để lên ngôi."

Kế tiếp, từ một vụ việc nhỏ, Cấm vệ hô hào nhau nổi loạn. Không ai rõ Sofia can dự đến mức nào trong âm mưu này; có ý kiến cho là người khác thực hiện mưu đồ nhằm ủng hộ cô mà cô không biết. Nhưng các sự kiện cho thấy người chủ mưu chính là Sofia.

Khi Cẩm vệ đã đạt được những mục tiêu ban đầu, Sofia nắm lấy quyền chủ động. Trong một động thái không những để tạo hòa hoãn với Cấm vệ nhưng cũng để lấy lại quyền kiểm soát họ, Cấm vệ được chính thức chỉ định là Cảnh vệ Hoàng cung. Mỗi ngày, hai lữ đoàn được triệu đến điện Kremli, được chiêu đãi như là anh hùng trong phòng đại tiệc và các hành lang. Sofia xuất hiện trước mặt họ để tán dương lòng trung thành của họ và sự tận tụy của họ đối với ngai vàng. Để tôn vinh họ, cô còn đi lại giữa họ và ban phát những cốc vodka.

Tuy Sofia tiến dần đến quyền lực, Pyotr vẫn là Sa hoàng nước Nga. Khi cậu bé lớn lên, chắc chắn Sa hoàng này sẽ hành xử quyền uy của mình; dòng họ Naryshkin sẽ khôi phục ảnh hưởng, và chiến thắng này của dòng họ Miloslavsky sẽ chỉ là tạm bợ. Vì thế, kế hoạch của Sofia cần tiến thêm một bước nữa. Vào ngày 23 tháng 5 năm 1682, được thuộc hạ của cô thúc đẩy, Cấm vệ yêu sách một thay đổi về địa vị trên ngai vàng nước Nga: Pyotr và Ivan trị vì như là đồng-Sa hoàng. Họ đe dọa sẽ tấn công Kremli lần nữa nếu thỉnh nguyện này không được đáp ứng.

Giáo chủ, các giám mục và các boyar không có chọn lựa nào khác, vì không thể chống lại Cấm vệ. Họ quyết định chính thức là hai Sa hoàng sẽ trị vì bên nhau. Tuyên cáo nêu tên của Ivan trước, vì thỉnh nguyện của Cấm vệ đòi hỏi anh này có vị thế cao hơn.

Bản thân Ivan không vui vẻ gì về việc này. Bị khuyết tật trong cả hai khả năng ăn nói và thị giác, anh không thiết tha với việc nước. Anh giải thích với Sofia là anh muốn có cuộc sống tĩnh lặng, nhưng khi bị gây thêm sức ép anh đồng ý rằng anh sẽ xuất hiện cùng với đứa em cùng cha khác mẹ trong nghi thức quốc gia, và chỉ thỉnh thoảng làm việc với triều đình. Bên ngoài điện Kremli, dân chúng – mà Cấm vệ mượn danh nghĩa để đưa ra đề xuất – cảm thấy ngạc nhiên. Nhiều người cười lớn khi nghĩ đến việc Ivan, với những khuyết tật ai nấy đều biết, lại làm Sa hoàng nước Nga.

Có một câu hỏi trọng đại: vì cả hai Sa hoàng đều còn nhỏ, ai sẽ đứng ra điều hành việc nước? Hai ngày sau, Cấm vệ trình thỉnh nguyện cuối cùng: Công chúa Sofia làm Phụ chính. Giáo chủ và các boyar chấp thuận nhanh chóng.

[sửa] Nước Nga dưới chế độ Phụ chính

Thế là Sofia nắm quyền lãnh đạo nước Nga. Thật ra, cô là sự lựa chọn đúng, dù cô chỉ lấp vào chỗ trống do cô và thuộc hạ của cô tạo ra. Không có ai trong hoàng gia đủ tuổi trưởng thành để điều khiển triều đình, và cô vượt trội so với các công chúa khác về trình độ học thức, tài năng và tính quyết đoán. Cô đã chứng tỏ cho thấy cô biết cách khích động và vượt qua cơn lũ của cuộc nổi loạn Cấm vệ. Quân đội, chính phủ và ngay cả dân chúng giờ trông mong đến cô. Sofia chấp nhận, và trong bảy năm kế tiếp người phụ nữ ngoại hạng này điều hành nước Nga.

Chức vụ Phụ chính bắt đầu với thử thách về thuật cai trị của cô. Sofia đối phó với tình hình căng thẳng do xu hướng ly giáo bằng sự dũng cảm và khôn khéo. Cô vừa đón tiếp tranh luận với Tín đồ Cũ họ vừa mua chuộc binh sĩ Cấm vệ bằng tiền bạc, lời hứa hẹn, bia rượu. Sau khi đã tách Cấm vệ ra khỏi giới tăng lữ, Sofia ra lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo của Tín đồ Cũ. Một người bị tử hình, chín người khác bị đi đày. Một hoàng thân cũng bị tử hình.

Sofia nhanh chóng cử người của mình vào các chức vụ. Người cậu Ivan Miloslavsky giữ vai trò cố vấn chủ chốt cho đến khi ông qua đời. Một nhân vật quan trọng khác là Fyodor Leontiyevich Shaklovity, Tư lệnh mới của Cấm vệ. Ông làm bí thư của hội đồng boyar, nhưng bị các thành viên trong hội đồng này ghét bỏ vì ông thuộc giai cấp thấp. Để bù đắp cho Shaklovity, Sofia cũng nhận sự cố vấn từ một giáo sĩ trẻ có học thức, Sylvester Medvedev, được xem là nhà thần học có trình độ khá nhất của Nga.

Nhân vật nổi bật nhất trong chế độ Phụ chính của Sofia là Hoàng thân Vasily Golitsyn – cố vấn, thủ tướng, cánh tay phải đắc lực của cô, người an ủi cô, và cuối cùng là người tình của cô. Là một chính khách và tướng lĩnh nhiều kinh nghiệm, người thưởng ngoạn nghệ thuật có trình độ và chính trị gia có tầm nhìn rộng, Golitsyn có lẽ là người Nga văn minh nhất.

Sofia gặp người đàn ông khác thường này khi cô được 24 tuổi, lúc ấy ông được 39. Với trí thông minh, ý thích học hỏi và tham vọng, điều tự nhiên là Sofia nhìn ông như là biểu tượng của lý tưởng, thế là bị ông cuốn hút. Golitsyn đã có vợ, con đã lớn, nhưng không hề gì. Cả quyết và nồng nàn, giờ xông vào đời một cách buông thả, Sofia gạt qua một bên mọi thận trọng khi manh động trong quyền lực. Cô không làm kém hơn trong tình yêu. Hơn thế nữa, cô kết hợp cả hai. Cô muốn chia sẻ quyền lực và tình yêu với Golitsyn, và bên nhau họ sẽ cai trị: qua tầm nhìn ông sẽ đề xuất ý tưởng và chính sách; qua uy quyền cô sẽ đảm bảo thực hiện những ý tưởng và chính sách ấy. Khi được tấn phong Phụ chính, cô đã bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Ngoại giao. Hai năm sau, cô đặt ông vào chức vụ Thủ tướng. Vào những năm đầu, vai trò của Sofia là phức tạp. Trong riêng tư, cô cai trị đất nước, nhưng ở nơi chốn công cộng cô giấu mình sau hai Sa hoàng tượng trưng và chính quyền của Golitsyn.

Thành tựu lớn nhất của chế độ Phụ chính là về ngoại giao. Ngay từ lúc đầu, Sofia và Golitsyn đã nhất trí với nhau về chính sách hòa bình với mọi láng giềng của Nga. Nhiều vùng đất rộng lúc trước của Nga giờ vẫn còn nằm trong tay nước ngoài, nhưng Sofia và Golitsyn quyết định không tranh chấp. Thế là, ngay sau khi triều đình của cô đã được vững chắc, Sofia phái sứ thần đi Thụy Điển, Ba Lan, Đan MạchÁo, tuyên bố Nga sẵn sàng chấp nhận tình trạng hiện tại bằng cách tái xác nhận mọi hòa ước hiện hữu.

Riêng ở Ba Lan, sứ thần Nga đối đầu với tình thế phức tạp hơn. Ba Lan và Nga là hai kẻ thù truyền kiếp, đã chinh chiến với nhau trong hai thế kỷ qua. Cuộc chiến gần nhất kết thúc bằng hòa ước năm 1667, theo đó sau hai năm Nga phải trả lại cho Ba Lan thành phố Kiev. Đây là lời hứa mà Nga không thể nào làm tròn. Nhiều năm trôi qua, việc đình chiến được tôn trọng, nhưng Alexei I và, sau đó, Fyodor III cảm thấy họ không thể dứt Kiev ra khỏi Nga. Kiev mang nhiều ý nghĩa đối với nước Nga: là một trong những thành phố Nga lâu đời nhất, là thủ phủ của Ukraina, và theo Chính thống giáo. Trả Kiev về cho Ba Lan theo Thiên chúa giáo là việc làm khó khăn và đau đớn. Vì thế, trong các cuộc đàm phán, Nga cố thoái thác, biện luận và trì hoãn, trong khi Ba Lan khăng khăng không muốn từ bỏ đòi hỏi của họ. Sự việc vẫn dằng dai như thế khi sứ thần hòa bình của Sofia đi đến Ba Lan.

Cùng thời gian, Ba Lan và Áo đang có chiến tranh với Đế chế Ottoman. Năm 1685, quân Ba Lan bị đánh bại nặng nề, và mùa xuân năm sau, một phái bộ sứ thần hoành tráng gồm 1.000 người và 1.500 ngựa đi đến Moskva để đề nghị mối liên minh giữa Nga và Ba Lan. Golitsyn tiếp đãi họ một cách trọng hậu. Sau những cuộc đàm phán kéo dài, hai bên đều đạt được mục đích của mình, nhưng cả hai bên cũng phải trả giá nặng nề.

Ba Lan chính thức từ bỏ vĩnh viễn Kiev. Đối với Nga, đối với Sofia và Golitsyn, đây là thắng lợi lớn nhất của chế độ Phụ chính. Bên Nga ăn mừng, nhưng bên Ba Lan, vua Jan Sobieski rơi nước mắt vì đau khổ. Tuy thế, Nga phải trả giá cho chiến thắng: Sofia đồng ý tuyên chiến với Ottoman và tấn công một chư hầu của Ottoman là Crimea do sắc dân Tatar cai trị. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nga tham gia với một liên minh Tây Âu để chiến đấu chống một kẻ thù chung. Cần ghi nhận là trận chiến thứ nhất này giữa Nga và Ottoman chỉ để duy trì Kiev, chứ không nhằm bành trướng lãnh thổ như trong những trận chiến về sau.

Suốt mùa thumùa đông 1686, nước Nga ban hành lệnh động viên, thu thêm thuế, huy động hàng chục ngàn ngựa, bò và xe goòng. Vasily Golitsyn được cử làm Tư lệnh chiến dịch, tuy ông không phấn khởi về việc này: ông có một ít kinh nghiệm quân sự, nhưng ông xem mình là một chính khách, không phải là chỉ huy chiến trường. Nhưng những người chống đối ông lớn tiếng biện luận rằng người đứng ra khởi xướng đi đánh Tatar phải là người chỉ huy chiến dịch. Golitsyn bị bắt bí, đành phải nhận lời.

Quân Nga bị thất bại nặng nề, nhưng Golitsyn báo cáo về Moskva rằng Nga đã chiến thắng, rằng vua Tatar vì quá kinh hãi đã tháo chạy về vùng rừng núi của Crimea. Golitsyn về đến Moskva ngày 14 tháng 9 để được tuyên dương như là anh hùng. Sofia ra tuyên cáo chiến thắng và ban thưởng cho Golitsyn thêm đất đai, tiền bạc; riêng binh sĩ được nhận huy hiệu bằng vàng có chân dung của Sofia, Pyotr và Ivan. Sự thực là, Golitsyn bị mất 45.000 quân mà không hề trông thấy bóng dáng người lính Tatar nào.

Đáng lẽ Sofia và Golitsyn đã lấy làm vui mừng mà chấm dứt chiến tranh ngay lập tức, nếu Nga được giữ lại Kiev. Nhưng chắc chắn Ba Lan sẽ tiếp tục đòi Kiev vì Nga đã không làm tròn lời hứa là đánh Crimea. Điều thứ hai không thể chấp nhận được là nếu những đồng minh của Nga rút lui, một mình nước Nga sẽ đương đầu với Đế chế Ottoman hùng mạnh. Vì thế, dù miễn cưỡng, Sofia và Golitsyn phải tiến hành một chiến dịch nữa. Mùa xuân 1688, quân Tatar tạo thêm một động lực mới cho Nga: tàn phá Ukraina, đe dọa các thành phố Poltava và Kiev, rồi bắt 60.000 người lê lết đi theo kỵ binh của họ.

Bị buộc phải tiếp tục cuộc chiến, Golitsyn thông báo mở chiến dịch thứ hai, tuyên bố rằng chỉ chấp nhận hòa bình khi cả bờ Biển Đen được nhường cho Nga và Tatar bị đẩy ra khỏi Crimea. Tuyên bố này là lời nói càn dỡ, cho thấy vị thế cá nhân của Golitsyn càng lúc càng vô vọng.

Quân Nga lại thất bại. Một lần nữa, Golitsyn quyết định rút quân. Một lần nữa, báo cáo gửi về Moskva báo tin chiến thắng trong khi quân Nga mất 35.000 người: 20.000 tử trận, 15.000 làm tù binh. Một lần nữa, Sofia ca ngợi vị Tư lệnh chiến dịch như là anh hùng. Ngày 8 tháng 7, Golitsyn về đến Moskva. Sofia phá bỏ nghi thức khi đón tiếp ông ở cổng thành phố thay vì ở Kremlin. Sofia ra lệnh cử hành lễ tạ ơn và mừng chiến thắng ở mọi nhà thờ.

[sửa] Sofia bị lật đổ

Trong giai đoạn này, mọi người đều thấy hiển nhiên là Pyotr không còn là một đứa trẻ; anh đang lớn lên và một ngày, chức vụ Phụ chính sẽ trở nên dư thừa. Sau 7 năm hành xử quyền lực, Sofia đã quen với vị thế này, và không thể tưởng tượng được việc từ bỏ nó. Tuy thế, cô thừa hiểu rằng cô là phụ nữ, và chức vụ của cô chỉ là tạm thời. Trừ khi bằng một cách nào đó, vị trí của cô được chính thức thay đổi, nếu không khi các em cô lớn lên, cô sẽ phải bước xuống.

Thật ra, Sofia đã có vài động thái để cải thiện vị trí của mình. Ba năm về trước, năm 1686, lúc ký hòa ước với Ba Lan, Sofia đã lợi dụng sự ủng hộ các chính sách của cô để dùng danh hiệu "chuyên chế", là danh hiệu chỉ áp dụng cho Sa hoàng. Kể từ ngày ấy, danh hiệu này được ghi cùng với tên cô trên mọi công văn và tại những buổi lễ nơi công cộng, đặt cô lên ngang hàng với hai đồng-Sa hoàng Ivan V và Pyotr I. Tất nhiên, mọi người đều biết rằng cô không được ngang hàng, vì cô không được đăng quang như Ivan và Pyotr. Nhưng Sofia hy vọng cô có thể được đăng quang.

Vào mùa hè 1687, cô ra lệnh cho Shaklovity dọ hỏi Cấm vệ sẽ ủng hộ cho cô đăng quang hay không nếu Golitsyn thắng trận. Shaklovity đi xa hơn chỉ thị: khuyến khích Cấm vệ thỉnh nguyện lên hai đồng-Sa hoàng cho phép đăng quang cô chị. Nhưng, với tinh thần bảo thủ, Cấm vệ chống đối. Thế là ý đồ của Sofia đành phải gác lại trong một thời gian.

Nhưng ý đồ vẫn còn, qua một bức chân dung của Sofia cho thấy cô ngồi một mình, đầu đội vương miện, tay cầm quả cầu cắm thánh giá và vương trượng – tất cả là biểu tượng của một Sa hoàng. Thêm nữa, danh hiệu được ghi là "Đại Công tước và Chuyên chế" và có 4 câu của tu sĩ Sylvester Medvedev ca ngợi và so sánh cô với Nữ hoàng Pulcheria của Byzantium và Nữ hoàng Elizabeth I của Anh. Bản sao của bức chân dung được phân phối ở Moskva và khắp châu Âu.

Đối với nhóm quý tộc ủng hộ Pyotr và Natalia, việc sử dụng danh hiệu và biểu trưng hoàng gia là dấu hiệu đe dọa không thể chấp nhận được. Họ đoán cô định đăng quang, cưới Golitsyn và hạ bệ hai đồng-Sa hoàng hoặc chỉ hạ bệ Pyotr theo cách nào đó. Không ai biết chắc liệu đây đúng là ý định của Sofia hay không. Cô đã đạt được nhiều quyền hành nên có thể cô thực sự mơ xa hơn đến quyền lực tuyệt đối bên người tình. Tuy nhiên, không có bằng cớ gì cho thấy cô định hạ bệ Pyotr; riêng Golitsyn luôn tránh né vấn đề: ông vẫn còn có vợ.

Sự đối đầu giữa Pyotr và Sofia về lâu dài là không tránh khỏi, nhưng kết quả tồi tệ của chiến dịch Crimea thứ hai thúc đẩy vụ việc đến nhanh hơn. Khi nào mà chính quyền của Sofia thành công thì khó mà thách thức cô, nhưng hai chiến dịch của Golitsyn còn tệ hại hơn thất bại về quân sự: những kẻ thù của Sofia nhận thấy rõ ràng mối quan hệ giữa Phụ chính và viên Tư lệnh chiến dịch.

Không bên nào muốn ra tay trước kẻo bị thất thế về tiếng tăm đạo đức. Bề ngoài, Pyotr không có lý do chính đáng nào để tấn công hai người chị và anh cùng cha khác mẹ ở Kremli. Tương tự, Sofia không thể viện cớ gì để tấn công Pyotr ở Preobrazhenskoe: anh đang là một Sa hoàng.

Hai bên đều không biết chắc thực lực của mình. Sofia có lợi thế về quân số: phần lớn Cấm vệ đều theo cô, cộng thêm Khu Ngoại ô Đức. Lực lượng của Pyotr nhỏ hơn nhiều: chỉ có hai đội quân chơi đùa gồm 600 người, và có thể được Lữ đoàn Sukharev của Cấm vệ ủng hộ. Tuy thế, Sofia có điểm yếu: cô không bao giờ biết chắc Cấm vệ trung thành với mình đến đâu, và cô lo sợ quá đáng lực lượng nhỏ của Pyotr. Trong mùa hè này, mỗi khi đi đâu cô đều dẫn theo một lực lượng Cấm vệ hùng hậu. Cô ban thưởng cho họ một cách hào phóng và kêu gọi họ đừng bỏ rơi cô, hãy ủng hộ cô...

Cuộc khủng hoảng bùng nổ vào ngày 17 tháng 8 năm 1689. Đầu mùa hè này, trong khi Golitsyn đang đi chinh chiến, Sofia có thói quen đi bộ đến các nhà thờ và tu viện kế cận Moskva để hành lễ. Chiều ngày 17, cô yêu cầu Shaklovity chuẩn bị đoàn Cấm vệ hộ tống cô đến Tu viện Donskoy, cách Kremli gần 4 kílômét. Vì lý do đã có một án mạng xảy ra gần tu viện, toán quân hộ tống được điều đến Kremli đông hơn và được trang bị kỹ hơn thường lệ. Khi đoàn quân đóng trại trong Kremli, một lá thư nặc danh được lan truyền trong hoàng cung cảnh báo rằng vào đêm này, lực lượng Preobrazhenskoe của Pyotr sẽ tấn công Kremli và có ý định giết Sa hoàng Ivan và Phụ chính Sofia. Không ai chịu bỏ thì giờ điều tra thực hư; có thể Shaklovity đã ngụy tạo lá thư ấy. Điều dễ hiểu là Sofia trở nên vô cùng bấn loạn. Để giúp cô an tâm, Shaklovity ra lệnh đóng các cổng ra vào Kremli và triệu thêm Cấm vệ vào canh gác.

Cùng lúc ấy, tin tức về sự xáo trộn ở Moskva gây nên kích xúc tại Preobrazhenskoe nhưng không dẫn đến biện pháp đề phòng đặc biệt nào. Vào buổi tối, một thuộc hạ của Pyotr phi ngựa vào thành phố mang theo một công văn thông thường của Sa hoàng Pyotr gửi cho Kremli. Vì lo lắng và kích xúc quá đáng, vài lính Cấm vệ hiểu lầm ý định của người này, nên kéo anh xuống ngựa, đánh đập anh và lôi anh vào trong hoàng cung để gặp Shaklovity. Việc hành hung nhỏ nhoi này gây hậu quả tức thì và không ai lường trước được. Hai mật báo viên được phái đi khẩn cấp để báo động cho Pyotr.

Tình hình vẫn yên ắng tại Preobrazhenskoe, rồi sau nửa đêm hai kỵ binh phi vào. Pyotr đang ngủ, nhưng một cận thần xông vào phòng và hô to lên rằng Sa hoàng phải chạy trốn để bảo tồn tính mạng, Cấm vệ sắp đến. Pyotr nhảy ra khỏi giường, được một nhóm nhỏ hộ tống đến Tu viện Troitsky, cách Moskva hơn 70 kílômét về hướng đông-bắc.

Sự kiện kinh khủng trong đêm gây ảnh hưởng thảm hại cho người thanh niên 17 tuổi. Trong 7 năm, Pyotr luôn có ác mộng về việc Cấm vệ săn lùng dòng họ Naryshkin. Vì quá mệt mỏi và kích xúc anh khóc òa lên, nói rằng người chị đang lùng giết anh và cả dòng họ anh. Trong khi đó, nhiều người khác cũng đến Troitsky. Trong vòng hai giờ, Natalia Kirillovna Naryshkina (mẹ) và Evdokiya Fyodorovna Lopukhina (vợ) đi đến tu viện; cả hai đã được đánh thức rồi được binh lính chơi đùa của Pyotr hộ tống khẩn cấp rời Preobrazhenskoe. Sau đó, Lữ đoàn Sukharev của Cấm vệ ở Moskva cũng đến gia nhập.

Vào buổi sáng, khi Sofia nghe báo tin, Sofia cảm thấy lo lắng. Cô thấy rõ là vụ việc có tầm quan trọng. Bị thúc đẩy bởi sự nguy hiểm giả tạo, Pyotr đã có động thái cả quyết. Tu viện Troitsky không phải chỉ là một pháo đài đủ vững chắc để chịu đựng đạn pháo; đây còn là chốn linh thiêng nhất nước Nga, là nơi ẩn náu truyền thống của hoàng gia trong những thời điểm bị nguy hiểm nhất. Bây giờ, nếu phe của Pyotr tạo ra hình ảnh Sa hoàng trốn chạy đến Troitsky để huy động người Nga chống lại kẻ phản loạn, họ sẽ có lợi điểm rất lớn.

Được an toàn trong pháo đài vững chắc này và được nhóm binh lính chơi đùa cùng Cấm vệ trung thành bảo vệ, Pyotr và cận thần hoạch định kế sách phản công. Động thái đầu tiên của họ là cử một liên lạc viên đến Sofia, hỏi tại sao có nhiều binh lính Cấm vệ được điều đến Kremli ngày hôm trước. Đây là một câu hỏi khó cho Sofia. Khi hai bên vẫn còn tỏ lộ bề ngoài mọi thái độ hòa hoãn, Sofia không thể trả lời rằng cô sợ bị Pyotr tấn công. Cô trả lời với lý do là cần đội Cấm vệ để hộ tống cô đi đến Tu viện Donskoy. Câu này nghe ra không ổn: chuyến đi như thế không cần đến cả ngàn binh sĩ hộ tống, và phe của Pyotr càng tin rằng cô có mưu đồ xấu.

Động thái kế tiếp của Pyotr là ra lệnh Lữ đoàn trưởng của Lữ đoàn Stremyani có danh giá, Đại tá Ivan Tsykler, đến Troitsky trình diện cùng với 50 binh sĩ. Đối với Sofia, mệnh lệnh này có ý nghĩa nghiêm trọng: Tsykler là một trong những người trung thành với cô nhất. Nếu cho phép ông đi và nếu ông bị tra tấn mà khai ra những gì ông biết về âm mưu của Shaklovity, sự rạn nứt giữa cô và Pyotr sẽ không thể hàn gắn được. Tuy thế, cô không có chọn lựa nào khác. Pyotr là Sa hoàng, đây là một vương lệnh, bất tuân có nghĩa là thách đố công khai. Khi đi đến Troitsky, Tsykler khai ra tất cả mà không cần đến tra tấn. Nhận thấy vị thế của Pyotr đang nổi lên, ông tỏ ý muốn gia nhập phe của Pyotr nếu chỉ cần Sa hoàng này ra lệnh bảo vệ ông.

Từ lúc đầu, Sofia đã nhận ra thế yếu của cô. Nếu lực lượng hai bên phải đánh nhau, chắc chắn Pyotr sẽ thắng; biện pháp duy nhất của cô là hòa giải. Nếu cô có thể thuyết phục Pyotr trở về Moskva, tách anh ra khỏi sự bảo vệ của bức tường thành vững chắc kia, lúc ấy cô có thể đối phó với những cận thần của anh, rồi cô vẫn sẽ là Phụ chính. Theo kế sách này, cô phái Hoàng thân Troekurov, có con trai chơi thân với Pyotr, đi thuyết phục Pyotr. Sứ mệnh của Troekurov bị thất bại. Pyotr hiểu rõ lợi điểm khi lưu lại Troitsky, và anh phái Troekurov quay về với câu trả lời rằng anh không còn muốn chịu sự sai khiến của một phụ nữ.

Đến lượt Pyotr đi nước cờ kế tiếp. Anh tự tay viết thư cho các lữ đoàn trưởng Cấm vệ, ra lệnh cho họ phải đến trình diện tại Troitsky cùng với 10 binh sĩ của mỗi lữ đoàn. Khi tin này đến Moskva, Sofia phản ứng một cách dữ dội. Cô triệu tập các lữ đoàn trưởng Cấm vệ, cảnh cáo họ không nên can dự vào cuộc tranh chấp giữa hai chị em cô, ai có ý định đi Troitsky sẽ bị chém đầu. Vasily Golitsyn, người vẫn còn nắm quyền chỉ huy quân đội, ra chỉ thị không sĩ quan nước ngoài nào được phép rời Moskva với bất cứ lý do gì. Vì những lời ngăn chặn này, các lữ đoàn trưởng Cấm vệ và sĩ quan nước ngoài vẫn ở lại Moskva.

Ngày kế, Pyotr gia tăng áp lực bằng cách gửi thư đến Sa hoàng Ivan và Sofia, thông báo anh đã ra lệnh cho các lữ đoàn trưởng Cấm vệ đến trình diện tại Troitsky. Anh yêu cầu Sofia, với tư cách Phụ chính, phải đảm bảo mệnh lệnh của anh được thi hành. Sofia phái thầy giáo của Ivan và giáo sĩ nghe xưng tội của Pyotr đi đến Troitsky để trả lời rằng Cấm vệ sẽ đến muộn, và tỏ ý hòa giải. Hai đặc phái viên trở về tay không. Trong lúc này, Shaklovity phái trinh sát đến Troitsky để thăm dò tình hình và nhận định thành phần đi theo Pyotr. Họ trở về báo cáo là lực lượng của Pyotr ngày càng lớn mạnh và tự tin. Thật ra, Shaklovity chỉ cần triệu tập người bên phe mình mỗi buổi sáng sẽ nhận ra rằng mỗi đêm càng có thêm người bỏ trốn để đi đến Troitsky.

Sofia cầu cứu Giáo chủ Joachim đi đến Troitsky và dùng ảnh hưởng của ông để giúp hòa giải với Pyotr. Giáo chủ đồng ý, và khi đến nơi, lập tức đứng về phe của Pyotr. Sau đó, khi có thêm người từ Moskva đi đến Troitsky, họ được Sa hoàng và Giáo chủ đứng bên nhau mà tiếp đón. Việc Giáo chủ ngả theo phe Pyotr là đòn đau cho Sofia. Nhiều người noi gương ông. Nhưng phần lớn Cấm vệ và công dân có thế lực ở Moskva vẫn còn ở trong thành phố, không biết phải làm sao, trông chờ thêm dấu hiệu cho thấy bên nào sẽ thắng thế.

Ngày 27 tháng 8, Pyotr đi nước cờ kế tiếp. Anh gửi thư với lời lẽ nghiêm khắc, lặp lại lệnh cho các lữ đoàn trưởng Cấm vệ phải lập tức đến trình diện tại Troitsky cùng với 10 binh sĩ của mỗi lữ đoàn. Một vương lệnh tương tự triệu nhiều đại diện nhân dân Moskva. Lần này, ai không tuân lệnh có thể bị tử hình. Các lệnh này có uy lực mạnh mẽ, nên một toán Cấm vệ ô hợp do năm đại tá chỉ huy đi đến trình diện Sa hoàng.

Sofia trở nên tuyệt vọng vì không thể ngăn chặn đoàn người đổ xô đến Troitsky. Trong nỗ lực cuối cùng nhằm giải quyết cơn khủng hoảng qua hòa giải, cô quyết định thân hành đến Troitsky và giáp mặt Pyotr. Khi đến một ngôi làng cách tu viện khoảng 13 kílômét, cô gặp một đại đội binh sĩ thành hàng ngang qua con đường, Họ cho biết Sa hoàng Pyotr từ chối gặp cô, cấm cô đi đến Troitsky, yêu cầu cô quay lại Moskva lập tức nếu không họ có thể dùng vũ lực.

Vô vọng và nhục nhã, Sofia rút lui. Về đến Moskva trước bình minh ngày 11 tháng 9, cô triệu tập nhóm nhỏ những người ủng hộ cô còn ở lại. Giọng của cô trở nên gần như là cuồng loạn, nói rằng cô suýt bị giết, các dòng họ Naryshkin và Lopukhin đang có âm mưu sát hại Sa hoàng Ivan và ngay cả cô... Cô kêu gọi người còn ở lại tuân phục cô, không đi đến Troitsky...

Pyotr và cận thần của anh tiến thêm một bước. Trong vòng vài giờ sau khi Sofia về đến Moskva, Đại tá Ivan Nechaev từ Troitsky về mang theo thư gửi Sa hoàng Ivan và Phụ chính Sofia, chính thức tố cáo có một âm mưu hãm hại Sa hoàng Pyotr và tuyên bố những người cầm đầu chủ chốt là Shaklovity và Medvedev – là những kẻ phản quốc, cần phải bị bắt giữ lập tức và giải đến Troitsky để được phán xử. Những bức thư này tạo nên cú sốc lan khắp hoàng cung. Những nhân viên và sĩ quan đã đứng sau Sofia với hy vọng là cô sẽ thắng hoặc sẽ có hòa giải, giờ hiểu rằng họ có nguy cơ bị tiêu tan sự nghiệp hoặc bị án tử hình. Những binh sĩ Cấm vệ vẫn còn trung thành với Phụ chính càu nhàu rằng họ sẽ không che chở kẻ phản quốc, phải giao nộp người chủ mưu...

Bị cô lập, Sofia cố gắng lần cuối để tập họp những người ủng hộ cô. Bước ra đầu Cầu thang Đỏ, cô nói chuyện với một nhóm Cấm vệ và cư dân trong khu hoàng cung. Cô ngẩng cao đầu, trong một bài diễn văn khá dài tỏ ý thách thức dòng họ Naryshkin và van nài cử tọa đừng bỏ rơi cô. Cô cho là kẻ có tâm địa xấu đã tìm mọi cách khiến cho cô và Sa hoàng Ivan tranh chấp với em trai cô. Họ cố tình gây chia rẽ... Họ ganh tỵ với thành quả to lớn của Fyodor Shaklovity..., vu cáo ông là thủ lĩnh một âm mưu không có thật. Cô đã đi Troitsky nhằm giải quyết vấn đề và tìm hiểu lý do của lời vu cáo này, nhưng bị đám cố vấn xấu ngăn chặn... Cô đã phục vụ tốt trong bảy năm, đã thực hiện một nền hòa bình nổi tiếng và đích thực với Cơ đốc giáo... Cô tin tưởng mọi người sẽ không mắc mưu kẻ địch... Họ không phải muốn lấy mạng của Fyodor Shaklovity, mà là mạng của cô và Sa hoàng Ivan... Ba lần trong ngày, Sofia phát biểu như thế, trước nhất với Cấm vệ, kế đến với những công dân hàng đầu ở Moskva, sau cùng là với sĩ quan nước ngoài được triệu về từ Khu Ngoại ô Đức. Lời hiệu triệu của cô có hiệu quả; tinh thần của người nghe dường như được yên ổn hơn.

Pyotr đi thêm nước cờ nữa, vẫn để gây áp lực lên Sofia. Ngày 14 tháng 9, ông gửi một bức thư thông báo cho tất cả tướng lĩnh, sĩ quan nước ngoài về âm mưu phản quốc, ra lệnh tất cả đi đến Troitsky. Họ cảm thấy khó nghĩ: họ nhận hợp đồng để phục vụ triều đình, nhưng trong tình hình rối reng như thế này, ai là triều đình? Cố gắng giữ trung lập trong một cuộc cãi vã có tính cách nội bộ gia đình giữa hai chị em, tướng Patrick Gordon, người cầm đầu các sĩ quan nước ngoài, đã tuyên bố rằng nếu không có lệnh của cả hai Sa hoàng, sĩ quan của ông sẽ không làm gì cả. Bây giờ, lệnh của Pyotr bắt buộc ông phải cố xử lý vấn đề. Đêm ấy, ông dẫn một đoàn kỵ binh gồm các sĩ quan nước ngoài đi đến tu viện.

Sự ra đi của sĩ quan nước ngoài đã quyết định tất cả. Nhóm Cấm vệ còn lại ở Moskva nhận ra rằng Pyotr đã thắng. Để tự cứu mình, họ tụ tập trước hoàng cung đòi hỏi giao Shaklovity cho họ để họ giải đến Troitsky cho Sa hoàng Pyotr. Sofia khước từ, và nhóm Cấm vệ la ó: "Bà nên giải quyết vụ việc ngay lập tức! Nếu bà không giao hắn, chúng tôi sẽ gióng chuông báo động!" Sofia hiểu ý nghĩa của việc này: bất kỳ ai cũng có thể bị giết, kể cả cô. Cô đã thất bại. Cô cho triệu Shaklovity, lúc ấy cùng với Ivan Naryshkin đang lẩn trốn trong một nhà nguyện hoàng cung. Rơi nước mắt, cô giao nộp Shaklovity, và đêm ấy ông này được giải đến Troitsky.

Sau khi trừ khử những người ủng hộ Sofia, vấn đề chủ chốt là xử lý Sofia như thế nào. Cô đơn, không có ai thân thiết kề bên, Sofia chờ nghe tin về số phận của mình. Shaklovity đã không khai gì để cho thấy cô có âm mưu loại Pyotr khỏi ngai vàng, lại càng không có ý định sát hại anh. Chỉ có lời khai nặng nề nhất rằng cô có biết đến ý đồ hãm hại vài người trong phe Pyotr, và rằng cô có tham vọng cùng cai trị với hai em trên cương vị chuyên chế thay vì là Phụ chính. Tuy nhiên, đối với Pyotr như thế là đủ. Ông gửi thư cho Ivan đề nghị cả hai cùng trị vì mà không có sự can dự của "người thứ ba đáng xấu hổ này." Anh kết luận rằng Ivan vẫn là Sa hoàng thứ nhất – "Tôi sẵn sàng tuân phục Ngài như đã tuân phục cha tôi."

Không có uy lực để khước từ, Ivan đồng ý. Một vương lệnh được ban ra, xóa tên của Sofia trong mọi công văn. Sofia phải vào Tu viện Novodevichy ở ngoại ô thành phố. Cô không bị bắt buộc phải trở thành nữ tu, được cấp nhà ở tiện nghi; một nhóm gia nhân đông đảo sẽ đi theo cô, cô sẽ sống cuộc đời thoải mái, chỉ có hạn chế là cô không được rời khỏi tu viện và chỉ những người dì và em gái được quyền thăm viếng. Sofia được hộ tống theo nghi lễ đi đến tu viện, để sống 15 năm còn lại của đời cô.

[sửa] Đánh giá

Sofia lên 25 tuổi khi trở thành Phụ chính và chỉ được 32 tuổi khi bị tước mất quyền hành. Có người đã phóng đại những thành tựu của cô. Mặt khác, cô không phải là nhà lãnh đạo cuối cùng của xu hướng bảo thủ như một số người phe Pyotr nhận định. Sự thực là Sofia có năng lực và trình độ, nói chung là đã trị vì đạt hiệu quả. Dưới chế độ của cô, nước Nga đang chuyển biến. Hai Sa hoàng Alexei I và Fyodor III đã thể chế hóa một số cải tổ trong sách lược của Nga. Sofia không làm chậm lại mà cũng không thúc đẩy nhanh hơn tiến trình này, nhưng thực sự cô tạo điều kiện cho những cải tổ được tiếp nối, giúp dọn đường cho Pyotr đi tiếp. Xét qua tổng thể những gì đã khởi đầu dưới chế độ của Alexei I và tiếp tục dưới các triều Fyodor III và Sofia, ngay cả những thay đổi sâu sắc của Pyotr Đại đế có bản chất trông dường như là sự tiến hóa hơn là cuộc cách mạng.

Sofia là con người đáng kể, không phải qua khía cạnh của nhà lãnh đạo, mà vì cô là phụ nữ. Trải qua nhiều thế kỷ, phụ nữ Nga ở tầng thấp của xã hội, như là nô dịch hoặc món nội thất được giấu kỹ trong biệt cung. Sofia tiến ra ánh sáng cuộc đời và nắm bắt quyền hành. Bất luận cô hành xử quyền uy như thế nào, chỉ sự kiện đơn giản là có cơ hội nắm quyền trong thời kỳ này của nước Nga đã đủ để xem cô là một nhân vật lịch sử. Điều không may là, giới tính của cô vừa giúp cô được nổi bật, nhưng cũng là trở ngại cho cô. Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, người Nga vẫn không muốn đứng sau một phụ nữ để chống lại một Sa hoàng.

Cánh cửa tu viện khép kín cuộc đời của Sofia. Nhưng trong thế kỷ tiếp theo, vai trò của phụ nữ trong hoàng cung đã thay đổi. Bốn phụ nữ kế vị Pyotr trên ngai vàng. Từ số phận phụ nữ hoàng gia trong biệt cung đến địa vị nữ hoàng trên ngai vàng là cả một khoảng cách mênh mông. Và phần lớn cuộc hành trình này được chuẩn bị bởi một phụ nữ độc nhất – Phụ chính Sofia.

Ngay cả Pyotr cũng nhìn nhận cô là "một công chúa được trời phú cho thể chất và tinh thần hoàn thiện, chỉ tiếc cho tham vọng và khát khao vô bờ để trị vì." Trong 42 năm của triều đại Pyotr, chỉ có một người Nga duy nhất dám đứng lên thách thức địa vị của ông trên ngai vàng: Sofia. Hai lần, vào các năm 1682 và 1689, cô đã huy động lực lượng để đối đầu với ông. Trong sự thách thức thứ ba và cuối cùng, cuộc nổi dậy của Cấm vệ vào năm 1698, người mà Pyotr sợ chính là Sofia. Cô đã bị giam lỏng trong tu viện qua 9 năm, nhưng lập tức Pyotr cho rằng cô đứng phía sau cuộc binh biến. Trong ý nghĩ của ông, cô là người duy nhất có đủ sức mạnh tinh thần để mơ đến việc lật đổ ông.

Không nên lấy làm ngạc nhiên là Sofia hội đủ những yếu tố ấy – người có thể làm cho Pyotr kinh sợ, người có bản lĩnh thách thức ông và có sức mạnh cá tính để khiến ông âu lo ngay khi cô chỉ ngụ trong tu viện. Dù sao chăng nữa, cô là chị của Pyotr Đại đế.

[sửa] Tham khảo

  • Robert K. Massie: Peter the Great – His life and world, NXB: Sphere Books Ltd., London, 1980.
Our "Network":

Project Gutenberg
https://gutenberg.classicistranieri.com

Encyclopaedia Britannica 1911
https://encyclopaediabritannica.classicistranieri.com

Librivox Audiobooks
https://librivox.classicistranieri.com

Linux Distributions
https://old.classicistranieri.com

Magnatune (MP3 Music)
https://magnatune.classicistranieri.com

Static Wikipedia (June 2008)
https://wikipedia.classicistranieri.com

Static Wikipedia (March 2008)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com/mar2008/

Static Wikipedia (2007)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com

Static Wikipedia (2006)
https://wikipedia2006.classicistranieri.com

Liber Liber
https://liberliber.classicistranieri.com

ZIM Files for Kiwix
https://zim.classicistranieri.com


Other Websites:

Bach - Goldberg Variations
https://www.goldbergvariations.org

Lazarillo de Tormes
https://www.lazarillodetormes.org

Madame Bovary
https://www.madamebovary.org

Il Fu Mattia Pascal
https://www.mattiapascal.it

The Voice in the Desert
https://www.thevoiceinthedesert.org

Confessione d'un amore fascista
https://www.amorefascista.it

Malinverno
https://www.malinverno.org

Debito formativo
https://www.debitoformativo.it

Adina Spire
https://www.adinaspire.com