Ebooks, Audobooks and Classical Music from Liber Liber
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z





Web - Amazon

We provide Linux to the World


We support WINRAR [What is this] - [Download .exe file(s) for Windows]

CLASSICISTRANIERI HOME PAGE - YOUTUBE CHANNEL
SITEMAP
Audiobooks by Valerio Di Stefano: Single Download - Complete Download [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Alphabetical Download  [TAR] [WIM] [ZIP] [RAR] - Download Instructions

Make a donation: IBAN: IT36M0708677020000000008016 - BIC/SWIFT:  ICRAITRRU60 - VALERIO DI STEFANO or
Privacy Policy Cookie Policy Terms and Conditions
Nhà Lý – Wikipedia tiếng Việt

Nhà Lý

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Loạt bài
Lịch sử Việt Nam
Trống đồng Đông Sơn

Vua Việt Nam

Hồng Bàng
An Dương Vương

Nhà Triệu (207 - 110 TCN)
Bắc thuộc lần thứ nhất (110 TCN - 541)
Nhà Tiền LýTriệu Việt Vương (541 - 602)
Bắc thuộc lần thứ hai (602 - 930)
Họ Khúc (905 - 930)
Dương Đình Nghệ (931 - 937)
Nhà Ngô (938 - 967)
Loạn 12 sứ quân (966 - 968)
Nhà Đinh (968 - 980)
Nhà Tiền Lê (980 - 1009)
Nhà Lý (1009 - 1225)
Nhà Trần (1225 - 1400)
Nhà Hồ (1400 - 1407)
Bắc thuộc lần thứ ba (1407 - 1418)
Nhà Hậu Trần (1407 - 1413)
Nhà Hậu Lê (Lê sơ, 1418 - 1527)
Nhà Mạc (1527 - 1592)
Nhà Hậu Lê (trung hưng, 1533 - 1788)
Chúa Trịnh (1545 - 1788)
Chúa Nguyễn (1558 - 1775)
Trịnh-Nguyễn phân tranh
Nhà Tây Sơn (1778 - 1802)
Nhà Nguyễn (1802 - 1945)
Pháp thuộc (1887 - 1954)
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945 - 1976)
Quốc gia Việt Nam (1949 - 1955)
Việt Nam Cộng Hòa (1955 - 1975)
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976)
Chiến tranh Việt Nam
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976)
sửa

Nhà Lý (chữ Hán: 李朝, Lý triều), còn được gọi là nhà Hậu Lý (để phân biệt với nhà Tiền Lý của Lý Nam Đế) là một triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Thái Tổ lên ngôi năm 1010 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê và chấm dứt khi vua Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới có 8 tuổi bị ép thoái vị để nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225 – tổng cộng là 216 năm. Quốc hiệu Đại Việt của Việt Nam có từ năm 1054 khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Ở thời này có sự kiện đáng nhớ là việc dời đô từ Hoa Lư, một nơi xa đồng bằng Bắc Bộ, thưa dân, hiểm trở ra Đại La, rồi đặt tên mới là Thăng Long theo hình tượng con rồng, một hình tượng đặc thù của thời này. Quốc hiệu Đại Việt cũng được đặt ở thời kỳ này.

Mục lục

[sửa] Lịch sử

Người khởi đầu cho nhà Lý là Lý Công Uẩn. Trong thời đại của vương triều này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn hai trăm năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm, ngoài ra nhà Lý còn bảo toàn và mở rộng lãnh thổ của mình. Trong nước, mặc dù các vua đều sùng bái đạo Phật, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo đã bắt đầu lớn dần, với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070) và Quốc tử giám (1076), và các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075. Về thể chế chính trị, đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng hơn và sự cai trị đã dựa nhiều vào pháp luật hơn là sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân. Sự kiện nhà Lý chọn thành Đại La làm thủ đô (sau là Thăng Long tức Hà Nội ngày nay) đánh dấu sự cai trị dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân hơn là sức mạnh quân sự để phòng thủ như các triều đại trước.

Xem thêm bài Chiếu dời đô.

[sửa] Kháng chiến chống Tống

Năm 1075, Vương An Thạch, tể tướng nhà Tống, xúi vua Tống rằng nước Đại Việt bị quân Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. (Có thuyết cho rằng, nhà Tống quyết định đánh Đại Việt để củng cố lại tinh thần của quân dân sau những thất bại trước quân Liêu-Kim ở phía bắc.) Vua Tống bèn dùng Thẩm Khởi và Lưu Di làm tri phủ Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, ngoài ra còn cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt các mặt hàng chiến lược thời đó như sắt thép, trâu bò. Vua nhà Lý biết tin, sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 100.000 binh đi đánh; quân thủy và quân bộ đều tiến. Lý Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là thành phố Nam Ninh, khu tự trị Choang Quảng Tây) phá tan quân dịch, chém Trương Thủ Tiết tại trận. Tri phủ Ung Châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bị hạ. Tô Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành không chịu hàng, giết hết hơn 58.000 người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.000 người. Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.

Năm 1076 tháng 3, nhà Tống dùng tuyên phủ sứ Quảng Nam (Quảng Đông - Quảng Tây ngày nay) là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, 10 vạn quân tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu, hợp với quân Chiêm Thành và quân Chân Lạp sang xâm chiếm nước Đại Việt. Quân nhà Tống tiến theo hai đường thủy, bộ vào Đại Việt. Đường thủy do Hòa Mâu chỉ huy; đường bộ do Quách Quỳ chỉ huy. Ở trên sông Vân Đồn (Quảng Ninh), Lý Kế Nguyên đã chặn đánh thủy binh nhà Tống, làm thất bại kế hoạch hội quân của họ. Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt, một khúc của sông Cầu đề chặn đánh. Quân Tống đã nhiều lần cố gắng vượt sông nhưng đều thất bại. Quách Quỳ cho đóng quân ở bờ bắc sông Như Nguyệt và chuyển sang phòng ngự nhằm chờ thời cơ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân (Trương Hống và Trương Hát: hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục) có tiếng đọc to bài thơ thần mà người đời sau cho rằng nó là của Lý Thường Kiệt:

 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Tạm dịch
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ

Bài thơ này có tác dụng khích lệ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt, tạo ra lòng tin rằng họ đang được thần linh giúp đỡ, đồng thời làm hoang mang quân nhà Tống. Khi quân nhà Tống đã lâm vào thế yếu Lý Thường Kiệt đã chủ động giảng hòa để quan hệ Tống-Việt sau đó có thể trở lại bình thường.

Khi rút quân, Quách Quỳ đã tranh thủ chiếm đoạt luôn châu Quảng Nguyên. Sau này, Thái sư Lê Văn Thịnh đã lấy lại châu Quảng Nguyên, nơi có nhiều mỏ kim loại quý, bằng phương pháp hòa bình là ngoại giao và tặng voi cho vua Tống. Người Tống cho rằng vua Tống mắc sai lầm để "mất" châu Quảng Nguyên có nhiều mỏ vàng nên đặt ra câu:

Bởi tham voi Giao Chỉ
Để mất vàng Quảng Nguyên

Xem thêm bài Nam quốc sơn hà và bài Lý Thường Kiệt

[sửa] Hành chính-Luật pháp

[sửa] Hành chính

Năm 1010, Lý Thái Tổ đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại. Dưới lộ có lẽ là châu (ở miền núi) và phủ (ở miền xuôi). Dưới châu, phủ là huyện, giáp. Dưới nữa là hương, ấp.

[sửa] Hệ thống quan lại

Ở cấp trung ương, dưới vua là các chức Thái, gọi là Tam thái đứng đầu hàng quan văn (bao gồm Thái sư, Thái bảo, Thái phó). Đứng đầu quan võ là Thái úy. Có lẽ do trong các thời kỳ đó trọng văn hơn võ nên chỉ tính là tam thái mà không phải tứ thái. Dưới các chức Thái là các chức Thiếu như Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó, Thiếu úy. Ví dụ năm 1015, tháng giêng cho Trịnh Văn Tú làm Thiếu sư, cùng tháng Đào Cam Mộc chết, tặng chức Thái sư á vương hay năm 1017, tháng 3 cho Trần Văn Tú làm Thái phó hoặc năm 1028, khi Lý Thái Tông lên ngôi, ông đã cho Lương Nhậm Văn làm Thái sư, Ngộ Thượng Đinh làm Thái phó, Đào Xử Trung làm Thái bảo, Nguyễn Quang Lợi làm Thái úy, Lý Triệt làm Thiếu sư, Lý Đạo Kỷ làm Tả khu mật, Xung Tân làm Hữu khu mật, Lý Mật làm Tả tham tri chính sự, Kiểu Bồng làm Hữu tham tri chính sự, Liêu Gia Trinh làm Trung thư thị lang, Hà Viễn làm Tả gián nghị đại phu, Đỗ Sấm làm Hữu gián nghị đại phu, Đàm Toại Trang làm Đô thống, Vũ Ba Tu làm Uy vệ thượng tướng, Nguyễn Khánh làm Định thắng đại tướng, Đào Văn Lôi làm Tả phúc tâm, Lý Nhân Nghĩa làm Hữu phúc tâm, Phan Đường Liệt làm Nội thị.

[sửa] Luật pháp

Thời nhà Lý, luật pháp Đại Việt hầu như dựa chủ yếu vào các chiếu vua ban, tuy nhiên có một bộ luật có thể coi như tổng hợp của luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật hôn nhân gia đình ngày nay, gọi là Hình thư, sau thời kỳ phá hủy văn hóa Đại Việt của nhà Minh nay đã thất truyền. Tuy nhiên, do bản chất sùng bái đạo Phật của triều đại này mà các hình phạt nói chung không quá nghiêm khắc. Ví dụ, năm 1042 vua Lý Thái Tông xuống chiếu rằng các quan chức đô mà bỏ trốn thì phạt 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ và xử tội đồ. Các quân sĩ đã bị tội đồ, nếu trốn vào núi rừng, cướp của thì xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ. Người coi trấn trại mà bỏ trốn cũng phải tội như thế. Tháng 7, xuống chiếu xử kẻ ăn trộm trâu của công 100 trượng, 1 con trâu phạt thành 2 con. Tháng 9 nhuận, xuống chiếu xử kẻ gian dâm, cho phép người chủ đánh chết ngay lúc bắt được thì không bị tội. Xuống chiếu về việc phú thuế của trăm họ, cho phép người thu, ngoài 10 phần phải nộp quan được lấy thêm 1 phần nữa, gọi là "hoành đầu". Lấy quá thì xử theo tội ăn trộm, người tố cáo được tha phú dịch cả nhà trong 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng bằng hiện vật thu được. Nếu quản giáp, chủ đô và người thu thuế thông đồng nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã lâu, nhưng có người tố cáo thì vẫn phải chịu tội như nhau. Tháng 10, ban Hình thư gồm 3 tập, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Tháng 11, xuống chiếu cho những người từ 70-80 tuổi, từ 10-15 tuổi và những người ốm yếu, các thân thuộc nhà vua từ hạng Đại công trở lên phạm tội thì cho chuộc bằng tiền, nếu phạm tội thập ác thì không được theo lệ này.

[sửa] Kinh tế

Kinh tế thời nhà Lý chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì thế trong suốt thời gian của triều đại này, người ta thấy có nhiều việc làm của các vua hay các chiếu chỉ liên quan đến vấn đề bảo vệ và phát triển nông nghiệp. Ví dụ: Năm 1038 tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần. Năm 1042 tháng 3, Vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền. Năm 1108 tháng 2, đắp đê ở phường Cơ Xá. Năm 1117 tháng 2, định rõ lệnh cấm giết, mổ trộm trâu. Hình phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (phục dịch trong quân), vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (chăn tằm) và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng. Năm 1123 tháng 4 cấm giết trâu, xuống chiếu rằng: "Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật".

Tuy nhiên, đã có mầm mống của việc trao đổi hàng hóa thông qua tiền tệ, như tháng 10 năm 1042, Vua cho đúc tiền Minh Đạo. Từ giữa thế kỷ 12 đã có mầm mống của ngoại thương ngoài việc trao đổi hàng hóa với các nước có chung biên giới. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: Năm 1149 tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa (Java), Lộ Lạc (có thể là Lộ Hạc - La Hộc - Lavo ở Lopburi, Thái Lan, Lộ Hạc có khả năng là nước Locac được nhắc đến trong du ký của Marco Polo), Xiêm La (quốc gia của người Thái vùng thượng lưu sông Mê Nam thời trung đại Xiêm, nói trong Nguyên sử tức là Vương quốc Sukhothai hình thành vào thế kỷ 13 ở Thái Lan. Mãi đến thế kỷ 15, Sukhothai mới trở thành thuộc quốc của Vương quốc Ayuthya) vào Hải Đông (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn hay năm 1184 tháng 3, người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề (Srivijaya ở đảo Sumatra, được nhắc đến với tên Thất Lợi Phật Thệ từ thế kỷ 7 và với tên Tâm Phật Tề từ thế kỷ 5 trong thư tịch Trung Quốc.) vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.

[sửa] Quân sự-Ngoại giao

[sửa] Quân sự

Xem bài chính: Quân sự nhà Lý

[sửa] Ngoại giao

Nhà Lý trong suốt thời đại của mình liên tục phải đối phó với những mưu đồ bành trướng, thôn tính của các nước láng giềng như nhà TốngTrung Quốc, Chiêm Thành ở phương Nam, Ai Lao ở phía tây, Đại Lý ở tây bắc hoặc những cuộc nổi loạn lẻ tẻ của các dân tộc thiểu số. Quan hệ với nhà Tống mang tính chất nước nhỏ thần phục nước lớn, tuy rằng trong giai đoạn khoảng những năm 1075-1076, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đã từng đem quân tấn công nhà Tống ở các châu Ung, châu Khâm. Đại Lý không còn là một quốc gia hùng mạnh như trong giai đoạn thế kỷ 8, thế kỷ 9 nên các cuộc giao tranh mang tính chất lẻ tẻ và phần thua thông thường thuộc về người Đại Lý. Quan hệ với Ai Lao, Chiêm Thành hay Chân Lạp thì nhà Lý dường như lại đóng vai trò của một nước lớn. Quan hệ với Chân Lạp khá bình thường, nên không nhắc tới ở đây. Với chính sách ngoại giao khá mềm dẻo, nhà Lý đã giữ vững và mở rộng được lãnh thổ của mình. Năm 1097, ban hành Hội Điển qui định các phép tắc chính trị.

[sửa] Với Ai Lao

Có tổng cộng 3 lần các quan lại như Phùng Trí Năng, Tô Hiến Thành, Ngô Lý Tín đã phải đem quân đi đánh Ai Lao (1048, 1159, 1183).

[sửa] Với Chiêm Thành

Trong triều đại nhà Lý, tổng cộng có khoảng 10 lần (1020, 1043, 1044, 1069, 1075, 1104, 1132, 1167, 1216, 1218) các vua hay các quan lại cao cấp như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành v.v. đã phải đem quân đi đánh Chiêm Thành. Sau mỗi lần đánh, vua Chiêm Thành lại cầu hòa, cử người sang cống nhưng sau đó lại chống đối.

[sửa] Với các bộ tộc thiểu số

Với các bộ lạc thiểu số, nhằm mục đích tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa triều đình và các châu huyện có các bộ lạc thiểu số, vốn có tính tự trị cao, nhà Lý có chính sách gả công chúa cho các châu mục (chức quan đứng đầu các châu). Ví dụ năm 1029, tháng 3 gả công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng (Lạng Sơn ngày nay) là Thân Thiệu Thái, nhưng khi cần thiết thì vua, con trai vua hay các quan cũng có thể đánh dẹp để đảm bảo khối thống nhất của đất nước. Trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có rất nhiều đoạn nói về việc đánh dẹp của các vua đối với các châu (Vị Long, Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên, Định Nguyên, Trệ Nguyên, Thất Nguyên, Văn Châu, châu Hoan v.v). Đỉnh cao là đánh dẹp cha con Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao ở châu Quảng Nguyên (1039-1053).

[sửa] Giáo dục

Khuê Văn Các ở Văn Miếu, nhìn từ ngoài
Khuê Văn Các ở Văn Miếu, nhìn từ ngoài

[sửa] Hệ thống thi cử

Hệ thống thi cử cho đến năm 1075 chưa thấy ghi chép gì. Từ năm 1075, nhà Lý đã bắt đầu mở các kỳ thi để chọn người tài giỏi ra giúp nước, chứng tỏ ảnh hưởng của Nho giáo đang bắt đầu át dần ảnh hưởng của Phật giáo. Tuy nhiên, việc thi cử chưa có hệ thống như sau này.

[sửa] Việc thi cử

Năm 1075 tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học. Năm 1086 tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ. Năm 1165 tháng 8, thi học sinh. Năm 1185 tháng giêng, thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu học ở ngự điện. Lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người v.v.

[sửa] Mở trường học

Tháng 8 âm lịch năm 1070, nhà Lý dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối (Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử là bốn học trò của Khổng Tử), vẽ tượng thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử), bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.

[sửa] Tôn giáo

Thời nhà Lý, Phật giáo cực kỳ hưng thịnh. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) có chép:

Năm 1010, mùa thu, tháng 7, vua [Lý Thái Tổ] từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La... Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công...Lại ở trong thành làm chùa ngự Hưng Thiên. Ngoài thành về phía nam dựng chùa Thắng Nghiêm... Tháng 12, phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo... Năm 1011, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế. Ngoài thành dựng chùa Tứ Đại Thiên Vương và các chùa Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ... Năm 1014, mùa thu, tháng 9, xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiên, tháng 10, xuống chiếu phát trăm lạng bạc trong kho để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm... Năm 1016, độ cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế... Năm 1018, mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng... Năm 1019, xuống chiếu độ dân trong nước làm tăng... Năm 1021, làm nhà Bát giác chứa kinh... Năm 1024, mùa thu, tháng 9, làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh.

Đó là thuộc đời vua Lý Thái Tổ, các đời vua sau như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông... việc chép kinh, đúc chuông, tạc tượng, xây chùa v.v. vẫn tiếp tục phát triển và đều có ghi chép trong sử sách.

Phật giáo trở thành quốc đạo phát triển tới mức như sử gia Lê Văn Hưu đã viết: "...nhân dân quá nửa là sư sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa chiền...".

[sửa] Văn học

Xem bài chính Văn học thời Lý

Ngay trong thế kỷ đầu tiên của thời Lý đã để lại trong di sản tinh thần của dân tộc Việt Nam ba áng thơ văn cô đọng mà gây được một ấn tượng về khí phách phi thường: đó là tờ Chiếu dời đô (214 chữ), bài văn Lộ Bố (148 chữ) và bài thơ Nam quốc sơn hà (28 chữ).

Trong thời Lý thơ văn phát triển khá rầm rộ, có tới hàng trăm tác giả nhưng trải qua các cuộc chiến tranh, lụt lội các sách vở đã bị hư hại nhiều, đặc biệt là chủ trương phá hủy văn hóa của nhà Minh thời kỳ đô hộ Đại Việt đã làm hầu hết chứng tích văn hóa thời này không còn. May mà một số văn bia các chùa còn lưu giữ các bài thơ, bài vịnh của thời này.

Tác phẩm đặc sắc tời này là Thiền Uyển Tập Anh, ghi lại hành trạng của 68 vị thiền sư, cùng 77 bài thơ, bài kệ. Một số tác gia thời này như thiền sư Viên Chiếu (999-1091), thiền sư Không Lộ (?-1119)...và Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cũng được xếp trong hàng ngũ tác gia với bài kệ "Sắc không".

[sửa] Kiến trúc, nghệ thuật

Chùa Một Cột tại Hà Nội
Chùa Một Cột tại Hà Nội

Thời Lý chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo do đó đặc điểm kiến trúc của các công trình xây dựng giai đoạn này thể hiện rõ nhất qua việc xây dựng và trùng tu các ngôi chùa như: Chùa Keo, Chùa Trấn Quốc, Chùa Một Cột, Chùa Thầy,... với các chi tiết như đuôi mái cong, "lưỡng long chầu nguyệt"... Các chùa thời Lý thường có 4 cấp, xây dựng men theo triền núi, và có mặt bằng hình vuông hoặc hình tròn, trung tâm chùa là tháp cao có tượng Phật đặt trong.

Đặc biệt, thời nhà Lý có tượng đức Phật lớn nhất Việt Nam hiện có ở Chùa Phật Tích. Tượng tạc bằng đá hoa cương xanh ngồi thiền định trên tòa sen, cao 1,87 m, kể cả bệ là 2.77 m. Trên bệ và trong những cánh sen, có những hình rồng và hoa lá đặc trưng cho thời Lý. Chùa được đại trùng tu thời Lý và hiện còn giữ một số tác phẩm điêu khắc thời Lý, như 10 tượng thú bằng đá gồm: sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác, mỗi loại 2 con (mỗi con cao khoảng 2 m) nằm trên bệ hoa sen ở bậc nền thứ hai của chùa.

Nghệ thuật thời Lý phong phú và đa dạng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của các loại hình nghệ thuật thời này là hình tượng con rồng, có trên các đồ dùng, trên các đĩa gốm, men, các loại gạch gốm, trên các cửa gỗ ra vào của công trình cũng thường có cặp rồng cuốn.

Thời nhà Lý có ba trong số tứ đại khí, đó là tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên (dựng năm 1057) gồm 12 tầng, chuông Qui Điền (đúc năm 1101). Đại khí còn lại là vạc Phổ Minh được đúc vào thời Trần. Các vật trên nay đều không còn.

[sửa] Thời kỳ suy tàn

Nhà Lý suy tàn từ thời vua Lý Cao Tông (1175-1210), tuy rằng đã có những dấu hiệu từ thời Lý Anh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét vua là: chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.

Năm 1179, vua xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn, điều này đồng nghĩa với việc bế quan tỏa cảng, làm cho nền kinh tế không phát triển. Mùa hạ, tháng 4 năm 1181 mất mùa, dân chết đói gần một nửa hay năm 1199 mùa thu, tháng 7, nước to, lúa mạ ngập hết, đói to, đã thế nhưng nhà Lý không thấy có đưa ra phương sách nào để cứu giúp dân chúng mà vua còn ngự đi khắp núi sông, phàm xe vua đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ (năm 1189) hay đến phủ Thanh Hóa bắt voi, chế nhạc Chiêm Thành để nghe chơi hoặc năm 1203 còn cho xây dựng rất nhiều cung điện làm hao tốn của cải. Tăng phó Nguyễn Thường nói: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong".

Điều này đã dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng ở nhiều địa phương như tháng 10 năm 1184, các sách Tư Mông (tỉnh Hòa Bình ngày nay?), tháng 7 năm 1192 người ở giáp Cổ Hoằng (tỉnh Thanh Hóa ngày nay), tháng 7 năm 1198, người hương Cao Xá (tỉnh Nghệ An ngày nay), tháng 9 năm 1203, người ở Đại Hoàng giang (tỉnh Ninh Bình ngày nay) hay năm 1207, người Man ở núi Tản Viên châu Quốc Oai (tỉnh Hà Tây ngày nay) nổi lên cướp bóc, không thể ngăn được.

Tất cả những yếu tố trên đây đã làm cho nhà Lý suy sụp. Năm 1206, vua Cao Tông nghe theo lời gian thần Phạm Du giết oan tướng Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đang trấn thủ Hoan châu mang quân ra đánh Thăng Long báo thù cho chủ. Vua Cao Tông và thái tử Sảm bỏ chạy lạc mỗi người một nơi. Quách Bốc lập con nhỏ của vua là Thậm lên ngôi.

Thái tử Sảm chạy đến nương nhờ gia tộc họ Trần ở duyên hải, nhờ sức họ Trần mang quân về đánh dẹp Quách Bốc. Tuy loạn được dẹp nhưng từ đó quyền lực chi phối chính trường của họ Trần bắt đầu được hình thành, bắt đầu từ Trần Tự Khánh và sau đó là vai trò lớn của Trần Thủ Độ. Năm 1210, vua Cao Tông chết, thái tử Sảm lên thay, tức là Lý Huệ Tông. Triều chính hoàn toàn trong tay họ Trần. Kết cục, cuối năm 1225, con gái thượng hoàng Huệ Tông (bị ép truyền ngôi đầu năm) là Lý Chiêu Hoàng đã bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, thượng hoàng Lý Huệ Tông sau đó còn bị Trần Thủ Độ ép tự tử vào năm 1226. Nhà Lý chấm dứt, nhà Trần thay thế từ đó.

Năm 1226, một hoàng tử nhà Lý là Lý Long Tường (con vua Anh Tông) đi theo đường biển chạy sang nước Cao Ly, được vua nước này thu nhận và trở thành Hoa Sơn tướng quân nước Cao Ly. Sau này, Lý Long Tường trở thành ông tổ của một dòng họ Lý ngày nay tại Hàn Quốc (xem chi tiết bài Lý Long Tường).

[sửa] Nhận định

Đời sau xem sử ba đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông kế tục nhau, từ việc sửa trị, đánh dẹp các cát cứ trong nước tới việc diễu võ với phương bắc, ra uy với phương nam - những việc làm đó đều đặn thu được thành tựu, không hề thất bát, suy bại; vua sau đã thay nhưng vua trước như thể vẫn còn; nước Đại Cồ Việt trở thành Đại Việt tuần tự đi lên không bị suy sút, thua thiệt. Điều đó cho thấy một chính sách, tư tưởng nhất quán của các vua Lý. Cả ba vua đầu tiên của nhà Lý đều có tài văn võ kiêm toàn, kính Phật yêu dân, tuổi thọ cũng xấp xỉ nhau. Ba vị vua Lý này là những người đặt nền tảng cho một nhà Lý tồn tại bền vững hơn 200 năm, là triều đại đầu tiên truyền nối được lâu dài trong lịch sử Việt Nam, chấm dứt thời kỳ đất nước liên tục thay đổi, 6 dòng họ thay nhau cai trị thời thế kỷ 10. Nhà Lý xác lập được bộ máy nhà nước phong kiến quy củ, nề nếp, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển ổn định.

Lý Nhân Tông là vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam (56 năm). Võ công đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống trên sông Như Nguyệt thời Lý Nhân Tông thực chất là của những người phụ chính mà đội ngũ này được trưởng thành dưới thời Thánh Tông, do Thánh Tông cất nhắc, trọng dụng. Người theo thuyết nhân quả của đạo Phật có thể cho rằng việc làm thất đức của thái hậu Ỷ Lan (sát hại hoàng thái hậu Thượng Dương và các cung nữ của Thánh Tông) khiến vua con phải trả giá tuyệt tự.

Từ thời Nhân Tông trở về sau, liên tiếp các vua Lý kế nghiệp đều thơ ấu, đó cũng là điều không may cho nhà Lý. Nhờ nền móng vững chắc do ba đời vua đầu tiên xây dựng, cơ nghiệp nhà Lý tiếp tục được duy trì, nhưng các phụ chính đời sau như Đỗ Anh Vũ, Đỗ Kính Tu, Đàm Dĩ Mông không thể sánh được với thái hậu Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành. Tô Hiến Thành tài năng nhưng không thể sống mãi để dìu dắt vua Cao Tông trở thành một vua Nhân Tông thứ hai. Sau khi Hiến Thành mất, nhà Lý trượt dốc không có ai đứng ra cứu vãn được. Tới khi họ Trần vào triều phụ chính, việc nhà Lý bị thay thế trở nên không đảo ngược được. Do nhà Nam Tống khi đó cũng đã yếu mòn nên suốt thời gian suy vong của nhà Lý tới khi chuyển ngôi cho nhà Trần, Việt Nam không bị nước láng giềng lớn ở phương bắc nhòm ngó như các thời cuối Trần đầu Hồ và cuối Lê đầu Mạc sau này.

[sửa] Đền thờ

Hiện nay, 8 vị vua nhà Lý (Lý Bát Đế) được thờ tại Đền Đô thuộc xóm Đền, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền Đô được xây dựng từ thế kỷ 11, thời Lý Thái Tổ. Các vị vua được thờ ở đây: Lý Thái Tổ; Lý Thái Tông; Lý Thánh Tông; Lý Nhân Tông; Lý Thần Tông; Lý Anh Tông; Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. Nơi đây chính là quê hương của nhà Lý. Lý Chiêu Hoàng không được đưa vào đền thờ vì bị coi là đã có tội làm ngôi vua rơi vào tay họ Trần. Dân xây miếu thờ bà riêng một chỗ khác.

[sửa] Các vua nhà Lý

Miếu hiệu Niên hiệu Tên Sinh- Mất Trị vì Thụy hiệu Lăng
Lý Thái Tổ Thuận Thiên
(1010-1028)
Lý Công Uẩn 974-1028 1009-1028 Thần vũ Hoàng đế Thọ Lăng
Lý Thái Tông Thiên Thành
(1028-1034)
Thông Thụy
(1034-1039)
Càn Phù Hữu Đạo
(1039-1042)
Minh Đạo
(1042-1044)
Thiên Cảm Thánh Vũ
(1044-1049)
Sùng Hưng Đại Bảo
(1049-1054)
Lý Phật Mã 1000-1054 1028-1054 Thọ Lăng
Lý Thánh Tông Long Thụy Thái Bình
(1054-1058)
Chương Thánh Gia Khánh
(1059-1065)
Long Chương Thiên Tự
(1066-1068)
Thiên Thống Bảo Tượng
(1068-1069)
Thần Vũ
(1069-1072)
Lý Nhật Tôn 1023-1072 1054-1072 Ứng thiên Sùng nhân Chí đạo Uy khánh Long tường Minh văn Duệ vũ Hiếu đức Thánh thần Hoàng đế Thọ Lăng
Lý Nhân Tông Thái Ninh
(1072-1076)
Anh Vũ Chiêu Thắng
(1076-1084)
Quảng Hựu
(1085-1092)
Hội Phong
(1092-1100)
Long Phù
(1101-1109)
Hội Tường Đại Khánh
(1110-1119)
Thiên Phù Duệ Vũ
(1120-1126)
Thiên Phù Khánh Thọ
(1127-1127)
Lý Càn Đức 1066-1127 1072-1127 Hiếu từ Thánh thần Văn vũ Hoàng đế Thiên Đức Lăng
Lý Thần Tông Thiên Thuận
(1128-1132)
Thiên Chương Bảo Tự
(1133-1138)
Lý Dương Hoán 1116-1138 1128-1138 Quảng nhân Sùng hiếu Văn vũ Hoàng đế Thọ Lăng
Lý Anh Tông Thiệu Minh
(1138-1140)
Đại Định
(1140-1162)
Chính Long Bảo Ứng
(1163-1174)
Thiên Cảm Chí Bảo
(1174-1175)
Lý Thiên Tộ 1136-1175 1138-1175 Thể thiên Thuận đạo Duệ văn Thần võ Thuần nhân Hiển nghĩa Huy mưu Thánh trí Ngự dân Dục vật Quần linh Phi ứng Đại minh Chí hiếu hoàng đế. Thọ Lăng
Lý Cao Tông Trinh Phù
(1176-1186)
Thiên Tư Gia Thụy
(1186-1202)
Thiên Gia Bảo Hựu
(1202-1204)
Trị Bình Long Ứng
(1204-1210)
Lý Long Trát (Lý Long Cán) 1173-1210 1175-1210  ? Thọ Lăng
Lý Huệ Tông Kiến Gia
(1211-1224)
Lý (Hạo) Sảm 1194-1226 1211-1224  ?  ?
Lý Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo
(1224-1225)
Lý Phật Kim (Lý Thiên Hinh) 1218-1278 1224-1225  ? Cửa Mả Lăng?

Chú thích: Về thụy hiệu của vua Thái Tông, Đại Việt sử ký toàn thư chép:

Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1. Truy tôn tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông,...

"Đại hành hoàng đế" là từ để chỉ vị vua mới mất, chứ không phải tên thụy. Như vậy không chép rõ tên thụy là gì.

[sửa] Thế phả nhà Lý

  
1
Lý Thái Tổ
1009 - 1028
 
 
2
Lý Thái Tông
1028 - 1054
 
 
3
Lý Thánh Tông
1054 - 1072
 
 
   
4
Lý Nhân Tông
1072 - 1127
  Sùng Hiền Hầu  
 
5
Lý Thần Tông
1128 - 1138
 
 
6
Lý Anh Tông
1138 - 1175
 
 
7
Lý Cao Tông
1175 - 1210
 
 
8
Lý Huệ Tông
1210 - 1224
 
 
9
Lý Chiêu Hoàng
1224 - 1225
 

Chú thích: Các năm trong bảng là các năm trị vì của vị vua đó

Trước:
Nhà Tiền Lê
Triều đại Việt Nam
(1009-1225)
Sau:
Nhà Trần



[sửa] Xem thêm

[sửa] Tham khảo

  • Đại Việt sử ký toàn thư (3 tập). Nhà xuất bản Khoa học xã hội (tái bản năm 2004)

[sửa] Liên kết ngoài

Our "Network":

Project Gutenberg
https://gutenberg.classicistranieri.com

Encyclopaedia Britannica 1911
https://encyclopaediabritannica.classicistranieri.com

Librivox Audiobooks
https://librivox.classicistranieri.com

Linux Distributions
https://old.classicistranieri.com

Magnatune (MP3 Music)
https://magnatune.classicistranieri.com

Static Wikipedia (June 2008)
https://wikipedia.classicistranieri.com

Static Wikipedia (March 2008)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com/mar2008/

Static Wikipedia (2007)
https://wikipedia2007.classicistranieri.com

Static Wikipedia (2006)
https://wikipedia2006.classicistranieri.com

Liber Liber
https://liberliber.classicistranieri.com

ZIM Files for Kiwix
https://zim.classicistranieri.com


Other Websites:

Bach - Goldberg Variations
https://www.goldbergvariations.org

Lazarillo de Tormes
https://www.lazarillodetormes.org

Madame Bovary
https://www.madamebovary.org

Il Fu Mattia Pascal
https://www.mattiapascal.it

The Voice in the Desert
https://www.thevoiceinthedesert.org

Confessione d'un amore fascista
https://www.amorefascista.it

Malinverno
https://www.malinverno.org

Debito formativo
https://www.debitoformativo.it

Adina Spire
https://www.adinaspire.com