Kinh tế học vĩ mô
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Kinh tế học vĩ mô là một phân ngành của kinh tế học, nghiên cứu về cách ứng xử nói chung của mọi thành phần kinh tế, cùng với kết quả cộng hưởng của các quyết định cá nhân trong nền kinh tế đó. Loại hình này tương phản với kinh tế học vi mô chỉ nghiên cứu về cách ứng xử kinh tế của cá nhân người tiêu dùng, nhà máy, hoặc một loại hình công nghiệp nào đó.
Kinh tế học vĩ mô có thể được dùng để phân tích các phương thức tốt nhất để tác động đến các chính sách của quốc gia, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả hay cách thức đạt được sự cân bằng cán cân thương mại một cách lâu dài bền vững.
Mục lục |
[sửa] Đối tượng nghiên cứu
Kinh tế học vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế toàn thể. Những đối tượng nghiên cứu cụ thể của kinh tế học vĩ mô bao gồm tổng sản phẩm, việc làm, lạm phát, tăng trưởng, chu kỳ kinh tế, vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, v.v.
[sửa] Phương pháp nghiên cứu
Kinh tế học vĩ mô sử dụng tích cực phương pháp mô hình hóa. Gần như mỗi một hiện tượng kinh tế vĩ mô lại được mô tả bằng một mô hình riêng với những giả thiết riêng. Do cách nhìn nhận các giả thiết khác nhau, nên trong kinh tế học vĩ mô tồn tại nhiều trường phái.
[sửa] Các trường phái kinh tế học vĩ mô
- Xem bài chính về Chủ nghĩa Keynes
[sửa] Chủ nghĩa Keynes
[sửa] Trường phái Keynes chính thống
- Xem bài chính Trường phái Keynes chính thống
Trường phái Keynes là một trường phái trong kinh tế học vĩ mô hiện đại do John Maynard Keynes (1883-1946) - nhà kinh tế học Anh đầu thế kỷ 20 - xây dựng những nền tảng cơ bản. Tác phẩm Lý thuyết Chung về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ (General Theory of Employment, Interest and Money) của ông, xuất bản năm 1936, được xem như một cuộc cách mạng về tư tưởng kinh tế. Kinh tế học vĩ mô hình thành từ đây. Tư tưởng của John Maynard Keynes được một nhà kinh tế học người Anh khác là John R. Hicks (1904-1989, nhận giải Nobel kinh tế năm 1972) mô hình hóa và biểu diễn bằng hình vẽ, gọi là mô hình IS-LM.
Mặc dù ủng hộ thị trường tự do, song trường phái Keynes vẫn cho rằng vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ là không thể thiếu vì thị trường không hoàn hảo. Các nhà kinh tế trường phái Keynes tin rằng tổng cầu chịu tác động của một loạt các quyết định kinh tế - cả của tư nhân lẫn của nhà nước - và thường thiếu ổn định. Trường phái Keynes còn khẳng định những biến động của tổng cầu có tác động rất lớn trong ngắn hạn tới sản lượng thực tế và tới việc làm, nhưng không tác động tới vật giá - hay vật giá cứng nhắc. Chính vì vật giá cứng nhắc nên khi chi tiêu cho tiêu dùng, đầu tư hay chi tiêu của chính phủ thay đổi thì tổng cầu cũng sẽ thay đổi. Chính sách tài khóa (thuế, chi tiêu cộng cộng), vì thế, có sức mạnh đáng kể để khắc phục sự thiếu ổn định của tổng cầu. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không có hiệu lực gì cả.
[sửa] Trường phái tổng hợp
- Xem bài chính về trường phái tổng hợp
Kinh tế học vĩ mô tổng hợp là một trường phái kinh tế học vĩ mô dựa trên việc tổng hợp các học thuyết của kinh tế học tân cổ điển với kinh tế học vĩ mô Keynes. Trường phái này lấy cân bằng tổng thể của kinh tế học tân cổ điển làm khung, bổ sung thêm lý luận cầu hữu hiệu của kinh tế học Keynes, và sử dụng tích cực phân tích IS-LM của Hicks. Phái này cho rằng dựa vào chính sách điều chỉnh cầu hữu hiệu của nhà nước có thể đạt được trạng thái toàn dụng nhân lực như kinh tế học tân cổ điển nhìn nhận và đẩy mạnh được tăng trưởng kinh tế. Các mô hình kinh tế lượng sẽ giúp nhà nước tính toán và điều chỉnh cầu hữu hiệu một cách hiệu quả.
[sửa] Trường phái Keynes mới
[sửa] Trường phái tân cổ điển
- Xem bài chính về Kinh tế học tân cổ điển
Kinh tế học tân cổ điển, về cơ bản, là kinh tế học vi mô. Tuy nhiên, những lý luận về quy luật thị trường, nhất là nguyên lý Say, mà trường phái này phát hiện trong thời gian từ thế kỷ 19 đến thập niên 1930 đã trở thành khung để hình thành kinh tế học vĩ mô. Mô hình tăng trưởng tân cổ điển (còn gọi: mô hình tăng trưởng ngoại sinh, mô hình Solow) chính là lý luận kinh tế học vĩ mô quan trọng nhất của phái tân cổ điển.
[sửa] Chủ nghĩa kinh tế tự do mới
- Xem bài chính về Chủ nghĩa kinh tế tự do mới
[sửa] Trường phái kinh tế học vĩ mô cổ điển mới
- Xem bài chính về Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới
Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới là phái vĩ mô của kinh tế học tân cổ điển hình thành từ thập niên 1970. Phái này xây dựng hệ thống học thuyết kinh tế học vĩ mô của mình từ nền tảng của kinh tế học vi mô. Họ giả định là thị trường hoàn hảo dù trong ngắn hạn hay dài hạn, nhấn mạnh việc thiết kế các chính sách kinh tế vĩ mô phải nhằm mục đích tối đa hóa thỏa dụng của cá nhân. Những đóng góp quan trọng nhất của phái này vào kinh tế học vĩ mô gồm giả thuyết dự tính duy lý, tính không nhất quán theo thời gian, hàm cung Lucas, lý thuyết chu kỳ kinh doanh thực.
[sửa] Chủ nghĩa tiền tệ
- Xem bài chính về Chủ nghĩa tiền tệ
Chủ nghĩa tiền tệ là hệ thống các học thuyết và lý luận kinh tế vĩ mô liên quan đến tiền tệ, một biến số kinh tế quan trọng. Những người theo chủ nghĩa tiền tệ do Milton Friedman lãnh đạo không ủng hộ việc lạm dụng chính sách tiền tệ để ổn định chu kỳ kinh tế. Họ đề nghị để tiền tệ trung lập hoặc chỉ nên giữ cho tốc độ tăng cung tiền chậm, ổn định và vừa đúng bằng tốc độ tăng sản lượng thực tế. Các lý luận chính của chủ nghĩa tiền tệ gồm: Hàm cầu tiền của Friedman, thuyết số lượng tiền tệ mới, khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, v.v...
[sửa] Kinh tế học trọng cung
Kinh tế học trọng cung đề cao mặt cung cấp của các hoạt động kinh tế. Phái này nhấn mạnh việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Các biện pháp, chính sách để đạt được các mục tiêu trên gồm: (1) Giảm thuế dựa theo lý luận đường cong Laffer để cho doanh nghiệp và hộ gia đình hăng hái đầu tư; (2) Xóa bỏ các trướng ngại đối với đầu tư tư nhân, cụ thể là tự do hóa kinh tế, giải điều tiết; và (3) Chuyển nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân bằng cách thực hiện chính phủ nhỏ (cải cách các chương trình an sinh xã hội, tư nhân hóa các tài sản công cộng, giảm trợ cấp, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa công cộng, v.v…).
Kinh tế học trọng cung tuy mới hình thành từ thập niên 1970, nhưng ngay lập tức đã được trọng dụng ở Mỹ trong thời kỳ cầm quyền của Regan, Bush Cha, Bush Con, ở Anh dưới thời Thatcher, ở New Zealand trong thời kỳ 1984-1993, ở Nhật Bản dưới thời Koizumi. Những cuộc cải cách kinh tế ở nhiều nền kinh tế đang chuyển đổi và đang phát triển từ thập niên 1990 cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của kinh tế học trọng cung.