Trần Đăng Ninh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Đăng Ninh (1910 - 1955), nhà hoạt động cách mạng và quân sự, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần) Quân đội Nhân dân Việt Nam (1950 - 1955).
Ông còn có tên gọi khác Nguyễn Tuấn Đáng, quê tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1936.
Năm 1939, ông là Ủy viên Thành ủy Hà Nội, tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân. Năm 1940, ông là ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Khi khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, ông được cử về Bắc Sơn tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, lập ủy ban cách mạng, tổ chức du kích, xây dựng căn cứ Ngũ Viễn - Vũ Lăng. Tháng 5 năm 1941, ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Ông bị thực dân Pháp bắt giam hai lần (1941, 1943), kết án tù 20 năm khổ sai rồi tù chung thân và hai lần vượt ngục. Tháng 3 năm 1943, ông vượt ngục lần thứ nhất, nhưng đến tháng 9 năm đó thì bị bắt lại. Tháng 3 năm 1945, sau khi vượt ngục lần hai, ông được cử làm ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách chiến khu Hoàng Hoa Thám. Tháng 8 năm 1945, ông được cử vào Tổng bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được cử làm Đặc phái viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào công tác ở Trung Bộ và Nam Bộ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ đặc trách xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, Trưởng ban Kiểm tra của Trung ương Đảng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ (1946 - 1949).
Năm 1950, ông được điều sang công tác quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần), Ủy viên Tổng quân ủy (1950 - 1955), kiêm Trưởng ban Cung cấp chiến dịch Biên giới (1950). Trong Đại hội Đảng lần thứ II, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ông cũng chính là nguời xây dựng hệ thống dân công tiếp tế, một yếu tố dẫn đến thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, do sức khỏe kém, ông mất sau khi về tiếp quản Hà Nội một thời gian ngắn.
Ông được nhà nước Việt Nam tặng thưởng các Huân chương Độc lập hạng nhất, Quân công hạng nhì, Chiến thắng hạng nhất...
Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, tháng 7 năm 1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành một bộ tem gồm 4 mẫu in hình chân dung của ông.