Sự Phục sinh của Chúa Giê-xu
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Theo luận giải của thuyết Ba Ngôi trong Tân Ước, Chúa Giê-xu là Thiên Chúa và là người, do đó ngài có quyền năng phó mạng sống mình để cứu nhân loại cũng như phục hồi sự sống ấy[1]; vì vậy, sau khi chết ngài đã sống lại. Sự kiện này được đề cập trong thuật ngữ Cơ Đốc là Sự phục sinh của Chúa Giê-xu, trở thành một ngày lễ tôn giáo quan trọng được hầu hết tín hữu Cơ Đốc cử hành hằng năm vào Chủ nhật Phục sinh.
Hầu hết tín hữu Cơ Đốc, ngay cả những người không chịu tin những phần khác của Kinh Thánh theo nghĩa đen, cũng chấp nhận những ký thuật của Tân Ước về sự sống lại của Chúa Giê-xu là dữ kiện lịch sử và là trọng tâm của đức tin. Tuy nhiên, người ngoài Cơ Đốc giáo thường xem sự kiện này như là một huyền thoại hoặc tìm cách giải thích nó theo cách ẩn dụ.
Mục lục |
[sửa] Ký thuật
[sửa] Tân Ước
Những ký thuật về sự phục sinh của Chúa Giê-xu được tìm thấy trong những chương cuối của các sách Phúc âm: Matthew 28, Mark 16, Luca 24 và Giăng 21.
Những chương Phúc âm này đều ký thuật rằng Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá vào chiều thứ Sáu, được chôn trong mộ của Joseph người Arimathea. Sau thứ Bảy (Sabbath - ngày nghỉ của người Do Thái), vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lễ (Chúa nhật), vài người phụ nữ là môn đồ của Chúa Giê-xu trở lại ngôi mộ để hoàn tất nghi thức an táng. Khi đến nơi, họ nhận thấy ngôi mộ trống không, sau đó họ trở lại với sự tháp tùng của vài môn đồ nam giới.
Về sau, Chúa Giê-xu xuất hiện nhiều lần để gặp gỡ các môn đồ, đáng chú ý nhất là khi ngài đến với họ tại phòng cao, ở đó Thomas không chịu tin ngài cho đến khi Chúa Giê-xu bảo ông chạm vào dấu đinh trên tay và dấu đâm trên hông của ngài (Giăng 20:24-29). Chúa Giê-xu cũng đến cùng hai môn đồ đang khi họ trên đường đến thành Emmaus, bàn tán với nhau về nỗi thất vọng vì đấng Messiah nay đã bị giết bởi tay loài người, trước khi họ nhận ra ngài (Luca 24.13-32); ngài đến gặp các môn đồ bên bờ Biển Galilee để khích lệ Peter vững tâm mà giúp đỡ các môn đồ khác (Giăng 21.1-23). Lần chót Chúa Giê-xu hiện ra với các môn đồ là bốn mươi ngày sau khi sống lại, ấy là lúc ngài thăng thiên về trời (Luca 24.44-49).
Cả Peter (Phêrô hoặc Phi-e-rơ)[2] và Phao Lô [3] đều luận giải rằng sự kiện này là hòn đá tảng cho Cơ Đốc giáo. Sự kiện phục sinh của Chúa Giê-xu đều được đề cập trong hầu hết các sách của Tân Ước.
Khi so sánh những văn kiện về sự phục sinh, một số người tìm thấy những chi tiết khác nhau và họ cho rằng không thể dung nạp chúng vào một câu chuyện đồng nhất, mặc dù John Wenham và các học giả khác giải thích rằng các chi tiết này là bổ sung cho nhau. Cũng vậy, theo quan điểm của nhiều tín hữu Cơ Đốc, không có gì khó hiểu khi nhiều người cùng chứng kiến một sự kiện, họ sẽ thuật lại sự kiện ấy với những chi tiết khác nhau vì nhìn từ những góc độ khác nhau.
[sửa] Những ký thuật Cơ Đốc khác
Sớm có một số văn kiện khác ngoài Tân Ước được tìm thấy trong các trước tác của Ignatius (năm 50-năm 115), Polycarp (năm 69-năm 155), Justin Martyr (100-165), Tertullian (160-220), và trong thư tín đầu tiên của Clement.
Nhiều đoạn Ignatius đề cập đến sự kiện phục sinh nay không còn, nhưng hai bài tranh luận dài của ông được tìm thấy trong Thư gởi người Trallian (“Vì vậy, đừng nghe bất cứ ai nói điều gì khác về Chúa Giê-xu Cơ Đốc, ngài là hậu duệ của vua David, là con của Mary; ngài thật sự được sinh ra, ăn và uống. Ngài thật bị bách hại bởi Pontius Pilate; Ngài thật bị đóng đinh và chết, với sự chứng kiến của các thực thể trên trời, dưới đất và bên dưới đất. Ngài thật sự phục sinh từ kẻ chết, Cha ngài đã khiến ngài sống lại, như cách mà Cha ngài sẽ phục sinh những người tin ngài qua Chúa Giê-xu Cơ Đốc, phân rẽ họ khỏi những người không có sự sống thật”); và Thư gởi người Smyrna (“Ngài chịu đựng tất cả điều này vì cớ chúng ta, để chúng ta được cứu rỗi. Ngài thật sự chịu đau đớn, ngay cả khi ngài đã sống lại; không phải như những kẻ chẳng tin nói rằng ngài chỉ giả vờ mà thôi”).
Tất cả các bản tín điều quan trọng đều đề cập đến sự phục sinh, Tín điều Nicea (năm 325) xác quyết rằng “Đến ngày thứ ba ngài sống lại”.
[sửa] Những ký thuật ngoài Cơ Đốc giáo
Những bản văn còn lại của tác phẩm Antiquities of the Jews của sử gia Do Thái Flavius Josephus, viết năm 93, thuật rằng Chúa Giê-xu “sống lại và hiện ra (cùng các môn đồ) vào ngày thứ ba; như các tiên tri đã tiên báo”. Tuy nhiên, có người cho rằng đoạn văn trên là do một biện ký Cơ Đốc thêm vào sau này.
Tacitus, một sử gia La mã, nhắc đến sự hiện hữu của “Christus”, bị xử tử bởi Pontius Pilate, nhưng không đề cập đến sự phục sinh.
[sửa] Ý nghĩa của sự phục sinh
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu có lẽ là phần quan trọng nhất của Tân Ước. Theo thần học Tân Ước, chính trong thời điểm này của Kinh Thánh mà Chúa Giê-xu bày tỏ quyền lực kiểm soát sự sống và sự chết, như thế ngài có quyền năng để ban cho con dân ngài sự sống vĩnh cữu.
Trong khi Chủ nhật Phục sinh là ngày lễ lớn được cử hành để kỷ niệm sự sống lại của Chúa Giê-xu, Hoàng đế Constantine I công bố ngày nhóm lại hằng tuần của hội thánh không còn là thứ Bảy (ngày Sabbath), mà là Chủ nhật, như thế mỗi tuần hội thánh đều nhóm lại để kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Cũng nên biết, ngay trong thời kỳ hội thánh sơ khai, các môn đồ đã bắt đầu nhóm lại vào ngày Chủ nhật.
Có những luận giải thần học khác nhau dựa trên sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu để giải thích bằng cách nào mà con người được cứu rỗi.
[sửa] Công giáo La mã
Quan điểm Công giáo cho rằng Chúa Giê-xu tự nguyện hiến mình như là một hành động tuân phục trọn vẹn để đền tội cho sự bất tuân của Adam, do đó ngài tẩy sạch nhân loại khỏi vết ố của nguyên tội (tội tổ tông). Sự hiến tế của Chúa Giê-xu là hành động của tình yêu làm vui lòng Thiên Chúa, là lớn hơn tội lỗi loài người đã xúc phạm Thiên Chúa, vì vậy hễ ai tin Chúa Giê-xu và tuân giữ mạng lịnh của ngài sẽ nhận lãnh sự cứu chuộc trong danh ngài.
Tín hữu Công giáo tin rằng một người có thể bị vuột mất ân điển nếu tiếp tục phạm tội sau khi được cứu rỗi. Một người có thể được phục hồi vào ân điển qua thánh lễ ăn năn và hoà giải (xưng tội).
[sửa] Kháng Cách
Trong khi đó, quan điểm của Martin Luther, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Cải cách Kháng Cách, được chấp nhận bởi đa số tín hữu Kháng Cách (Protestant), thường được gọi là Luận điểm Pháp chế.
Học thuyết này nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Đấng Phán xét. Con người đã phạm tội, và vì vậy, theo sự công chính của Thiên Chúa, ngài phải đoán phạt con người. Nhưng Thiên Chúa cũng là đấng yêu thương, nên giải pháp được chọn, thoả mãn cả đức công chính lẫn đức yêu thương của Thiên Chúa, là sai Con Thiên Chúa, đấng hoàn toàn vô tội, đến để gánh tội lỗi của thế gian trên vai ngài, hầu cho hễ ai chấp nhận món quà hiến tế này của Chúa Giê-xu đều được giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi.
Như thế qua sự chết của Chúa Cơ Đốc, Giao ước cũ đã qua đi và mọi sự trở nên mới. Bức màn phân cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xé toang, con người được tự do tìm kiếm sự cứu chuộc cho mình qua Đấng Trung bảo duy nhất là Chúa Giê-xu Cơ Đốc, không còn phải tìm kiếm sự cứu rỗi qua thánh lễ, qui tắc hoặc qua hàng giáo phẩm đặc quyền. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng chỉ có tấm lòng chấp nhận sự hiến tế của Chúa Cơ Đốc là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi, không phải nghi thức hoặc thánh lễ.
Quan điểm này về sự phục sinh của Chúa Giê-xu phù hợp với Đại lễ chuộc tội của người Do Thái theo luật pháp Moses, trong ngày ấy, người Do Thái chọn một con dê đực không tì vết để thầy thượng tế đặt tay trên con dê đực còn sống, “xưng trên nó các gian ác và sự vi phạm, tức là những tội lỗi của dân Israel, và chất trên đầu nó, rồi nhờ một người chực sẵn việc này mà sai đuổi nó ra, thả vào đồng vắng. Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Israel nơi hoang địa” (Lê vi ký 16.21,22).
[sửa] Christus Victor
Quan điểm Christus Victor (Chúa Cơ Đốc Đấng chiến thắng), phổ biến trong cộng đồng Chính thống giáo Đông phương, tin rằng Chúa Giê-xu được sai đến để đánh bại sự chết và Satan. Bởi sự chết tự nguyện và trọn vẹn, cùng sự phục sinh của Chúa Giê-xu mà ngài đánh bại Satan và sự chết, rồi phục sinh trong chiến thắng. Nhờ đó, nhân loại không còn bị ràng buộc trong tội lỗi, nhưng được tự do phục hoà với Thiên Chúa bởi đức tin vào Chúa Giê-xu.
Trái với quan điểm pháp chế, thuyết Christus Victor nhấn mạnh đến trận chiến tâm linh giữa thiện và ác. Trong khi thuyết pháp chế luận giải rằng Thiên Chúa đoán phạt Chúa Giê-xu vì tội lỗi của nhân loại thì thuyết Christus Victor nhìn thấy loài người, từng bị cầm giữ trong quyền lực của Satan, nay bị Chúa Giê-xu đánh bại; như thế, Thiên Chúa, qua Chúa Giê-xu, đã phá vỡ xiềng xích của Satan.
[sửa] Tự do
Tín hữu Cơ Đốc theo khuynh hướng tự do xem sự kiện phục sinh không gì khác hơn là một biểu tượng tôn giáo về niềm hi vọng, họ chấp nhận sự kiện này như là một huyền thoại có tính biểu trưng cao và có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh. Sự kiện phục sinh không phải là một vấn đề lịch sử nhưng là một thái độ tôn giáo. Những người theo khuynh hướng này bác bỏ luận điểm cho rằng Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại trong thể xác.
[sửa] Hoài nghi
Hầu hết người bên ngoài Cơ Đốc giáo không chấp nhận việc Chúa Giê-xu thật sự sống lại trong thân xác. Do đó, họ xem sự kiện này như một huyền thoại, hoặc đồng tình với quan điểm tự do để xem nó như một huyền thoại có sức mạnh hỗ trợ cho lòng sùng tín.
[sửa] Các giả thuyết
Có những giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích sự kiện phục sinh theo quan điểm của các nhóm khác nhau:
Các môn đồ trộm xác của Chúa Giê-xu khỏi mộ rồi dựng nên câu chuyện phục sinh.
Chúa Giê-xu chỉ bị ngất đi vì kiệt sức khi bị đóng đinh trên thập tự giá, cũng có thể ngài bị đánh thuốc, sau đó ngài hồi tỉnh trong phần mộ.
Không phải là sự sống lại trong thể xác mà chỉ là một sự hiện thấy đối với các môn đồ, hoặc là một sự hiện thấy siêu nhiên, cũng có thể chỉ là ảo giác.
Quan điểm của người Do Thái thể hiện trong Toledoth Yeshu cho rằng xác của Chúa Giê-xu bị dời đi ngay trong đêm ngài bị đóng đinh.
Theo kinh Qur’an của Hồi giáo thì Chúa Giê-xu không bị đóng đinh, một người khác giống Chúa Giê-xu đã chết thay cho ngài (Sura 4.156).
Sách Phúc âm của Barnabas cho rằng Chúa Giê-xu không bị đóng đinh, Judas đã thế chỗ của ngài.
Theo một số tài liệu công bố bởi sử gia Nga Nicolai Notovitch, sau khi phục sinh, Chúa Giê-xu sống trọn cuộc đời mình tại Kashmir, ở đó có lẽ có phần mộ của Chúa Giê-xu được đặt tên Yuz Asaf.
Theo suy diễn của một số người, ký thuật của Tân Ước chưa hoàn tất, họ cho rằng sau đó Chúa Giê-xu kết hôn, có con và cùng vợ đến sống ở miền Nam nước Pháp hoặc tại Glastonbury, Anh quốc. Những giả thuyết này dấy lên từ tác phẩm Holy Blood, Holy Grail (Huyết thánh, Chén thánh), tin rằng các đời vua triều đại Moravech là hậu duệ của Chúa Giê-xu.
[sửa] Chú thích
- ▲ "Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại" - Giăng 10. 18
- ▲ “Chúa Giê-xu này, Thiên Chúa đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó” -Công vụ 2.32
- ▲ “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Chúa Cơ Đốc về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” - 1Corinthians 15.19
[sửa] Xem thêm
[sửa] Sách tham khảo
[sửa] Cổ văn
- Gospel of Barnabas, Oxford University Press, London xuất bản
- Flavius Josephus,
- Julius Africanus,
- Justin Martyr,
- Tân Ước
- Kinh Qur'an
- Saint Ignatius, Thư gởi ngườiTrallian
- Saint Ignatius, Thư gởi người Smyrna
- Suetonius
- Tacitus
- Thallus
- Toledoth Yeshu
[sửa] Những nhà biện giáo đương đại
- Bruce, FF, The New Testament Documents: Are They Reliable? (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 1985)
- Catholic Encyclopedia, The resurrection of Jesus Christ
- Craig, William Lane, Contemporary Scholarship and the Historical Evidence for the Resurrection of Jesus Christ
- Craig, William Lane, The Bodily Resurrection of Jesus
- Craig, William Lane, The Son Rises. 2001
- Craig, William Lane, Jesus' Resurrection: Fact or Figment?: A Debate Between William Lane Craig and Gerd Ludemann
- Habermas, Gary, Overview of Dr. Habermas's analysis of 1 Corinthians 15:3-8
- Habermas, Gary, Why I Believe The New Testament Is Historically Reliable
- Habermas, Gary, The Historical Jesus: Ancient Evidence for the Life of Christ (College Press: Joplin, MI 1996).
- Habermas, Gary and Licona, Michael, The Case for the Resurrection of Jesus. Kregel Publications, 2004.[1]
- Herrick, Greg The Historical Veracity of the Resurrection Narratives
- Holding, James Patrick The Impossible Faith
- Holding, James Patrick Broken Vector Sinks Again (a reply to Richard Carrier)
- McDowell, Josh, Evidence for the Resurrection
- McDowell, Josh, New Evidence that Demands a Verdict, Thomas Nelson, Inc, Publishers, 1999
- Peters, Ted, Resurrection: Theological and Scientific Assessments, 2002
- Williams, Rowan, Resurrection: Interpreting the Easter Gospel, 2003
- Wenham, John. Easter Enigma: Do the Resurrection Stories Contradict One Another? Cambridge University Press, 1993.
- Wright, N.T., The Resurrection of the Son of God. Fortress Press. 2003 Online excerpt
- Wright, N.T., Jesus’ Resurrection and Christian Origins
- Wright, N.T., The New Testament and the People of God Fortess Press
- Wright, N.T., Jesus and the Victory of God Fortess Press
- Wright, N.T., The Challenge of Jesus: Rediscovering who Jesus was and is. IVP 1996
- Yamauchi, Edwin, Easter: Myth, Hallucination, or History?
- Zukeran, Patrick, The Resurrection: Fact or Fiction?
[sửa] Hoài nghi
- Carrier, Richard, Why I Don't Buy the Resurrection Story Refers to James Patrick Holding
- Farrell, Till, The Resurrection Maze
- Lapide, Pinchas, The Resurrection of Jesus: A Jewish Perspective,
- Lowder, Jeffrey Jay, The Historicity of Jesus' Resurrection, 1995
- Jung, Carl, The Answer to Job (essay)
- Spong, John Shelby, Resurrection : Myth or Reality? , 1995
- Tobin, Paul, The Pagan Origins of the Resurrection Myth
[sửa] Tranh luận
- Stewart, Robert B. The Resurrection of Jesus: John Dominic Crossan And N.T. Wright in Dialogue
Thể loại: Tân Ước | Kitô giáo | Chúa Giê-su | Thần học