Chủ nghĩa Marx
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chủ nghĩa Marx, còn gọi là học thuyết Marx, là khái niệm dùng để chỉ hệ thống tư tưởng của giai cấp vô sản do Karl Marx và Friedrich Engels kế thừa phát triển và xây dựng trên nền tảng ba truyền thống lý luận, mà mỗi truyền thống đó được phát triển khá cao lúc bấy giờ: triết học cổ điển Đức(bao gồm :chủ nghĩa duy vật của Feuerbach và phép biện chứng của Hegel), chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán Pháp và kinh tế chính trị cổ điển Anh.
Mục lục |
Chủ nghĩa Mác kế thừa phép biện chứng của Hegel
- Thực tại không phải là một cảnh trạng mà là một tiến trình lịch sử diễn biến mãi không ngừng.
- Mấu chốt để nắm bắt thực tại là nắm bắt bản chất của biến đổi lịch sử.
- Biến đổi lịch sử không phải là ngẫu nhiên mà tuân theo một quy luật có thể phát hiện được.
- Quy luật có thể phát hiện được về sự biến đổi là biện pháp chứng, với sự vận động tam lập đi lập lại của tiền đề, phản đề và hợp đề.
- Điều giữ cho quy luật đó hoạt động không ngừng là sự phóng thể, chính nó bảo đảm rằng mỗi tình trạng kế tiếp sau cùng sẽ chấm dứt bằng những mâu thuẫn nội tại của nó.
- Tiến trình đó vượt ngoài sự kiểm soát của con người nhưng bị đẩy tới trước bằng chính những quy luật nội tại của nó và con người bị cuốn theo nó.
- Tiến trình được diễn tả như thế sẽ tiếp tục cho đến khi đạt tới một hoàn cảnh mà trong đó tất cả những mâu thuẫn nội tại được giải quyết: lúc ấy sẽ không còn phóng thể và vì đó sẽ không còn bất kỳ lực tác động nào gây ra sự biến đổi.
- Khi đạt tới hoàn cảnh không xung đột, con người sẽ không bị cuốn theo những lực lượng nằm ngoài sự kiểm soát của nó, mà lần đầu tiên nó sẽ làm chủ số phận của mình.
- Sự kiện này lần đầu tiên sẽ trả lại sự tự do và thỏa nguyện của con người cho con người.
- Hình thái xã hội trong đó sự tự do sẽ được thực hiện và sự thỏa nguyện sẽ giành được, sẽ không phải là xã hội thu nhỏ của những cá nhân hoạt động không phụ thuộc nhau như phái tự do chủ nghĩa hình dung, mà là một xã hội hữu cơ trong đó các cá nhân hòa nhập vào một toàn thể to lớn hơn nhiều, và do đó thỏa mãn hơn so với cuộc sống riêng rẽ của họ.
Chủ nghĩa Marx ở các nước cộng sản
Chủ nghĩa Marx được sử dụng như một cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Nó được sử dụng như một hệ thống lý luận cơ bản của các đảng Cộng sản (còn được gọi là đảng Công nhân tại vài quốc gia). Ở các quốc gia cộng sản nó được xem là vũ khí lý luận của giai cấp vô sản và phong trào công nhân.
Bản thân Marx cho rằng chủ nghĩa của ông không bao giờ được xem là một hệ thống hoàn thiện mà là một hệ thống lý luận mở liên tục có những lí luận bổ sung từ phong trào đấu tranh giai cấp từ thế kỷ 19 để phù hợp với tính chất lịch sử của phong trào.
Những lý luận cơ bản trong chủ nghĩa Marx là về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư bản và vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Bản thân những lý luận này cũng đã có những thay đổi lớn về mặt nội dung và hình thức (về giai cấp công nhân, hình thức tư bản, giá trị thặng dư...) khi kinh tế - chính trị thế giới đã có thay đổi lớn trong thế kỷ 20.
"Sự kết hợp của chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư (tư bản) đã đưa đến kết luận về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân: họ là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và do đó, tất yếu sẽ là lực lượng thống trị xã hội -> giai cấp công nhân sẽ là giai cấp thay thế ("đào mồ chôn") cho giai cấp tư bản trong xã hội và xóa bỏ chế độ giai cấp để tạo sự công bằng về sản xuất và phân phối của cải vật chất trong xã hội." - đó chính là tiền đề cơ bản cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nhằm thủ tiêu sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư bản đối với toàn xã hội.[cần chú thích]
Đánh giá về chủ nghĩa Marx
Tiên tri sai
Tương lai, nằm ngay sau thời Marx đang viết sách, không hề phát triển theo đường hướng mà ông nói nó nhất định sẽ phát triển. Điều này một phần vì ông đã có sai lầm liên quan đến bản chất lý thuyết của ông. Ông cho rằng nó là khoa học, một cái gì tương tự như vật lý học của Isaac Newton. Nếu chúng ta có tài liệu thích đáng về hiện trạng của bất kỳ hệ thống đối tượng vật lý đang vận động nào, thì với các quy luật Newton chúng ta có thể tiên đoán chính xác tình trạng của hệ thống đó sẽ như thế nào trong một tương lai nào đó.
Marx tin rằng ông đã khám phá những quy luật kinh tế về sự vận động của xã hội hoàn toàn trong cùng một chiều hướng như vậy - ông tuyên bố như thế trong lời tựa cho Das Kapital. Với niềm tin đó, ông nghĩ mình có thể tiên đoán sự phát triển tất yếu trong tương lai của xã hội.
Điều quan trọng đối với ông là chủ nghĩa Marx phải được coi là "khoa học" và ông gọi tên chủ nghĩa xã hội của ông là "chủ nghĩa xã hội khoa học" để phân biệt nó với những chủ nghĩa xã hội khác. Thật vậy, ông khinh miệt những chủ nghĩa xã hội khác. Ông nghĩ rằng chúng dựa trên những giấc mơ không tưởng đơn thuần, hay những chiều kích đạo đức, hay những mộng tưởng; trong khi ngược lại, ông đã thực hiện một nghiên cứu khoa học về xã hội để khám phá những tác lực gì thực sự đang vận động bên trong nó và những quy luật gì chi phối hoạt động của những tác lực đó và sau đó đặt những học thuyết chính trị của mình trên những thực tại này.
Suy tàn và sụp đổ
Việc Marx tập trung nhấn mạnh vào tuyên bố cho rằng các ý tưởng của ông là "khoa học" đã khiến chúng phải trần trụi đối đầu sự bác bỏ của các sự kiện - giống như mọi ý tưởng thực sự khoa học khác - mà suy cho cùng, đó là ý nghĩa của các thực nghiệm.
Và vào cuối thế kỷ 19 đã rõ là những biến cố không diễn ra như lý thuyết của Marx nói chúng phải diễn ra. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới có một xã hội mà những biến đổi diễn ra đúng theo cái gọi là "những quy luật khoa học về sự phát triển lịch sử" của Marx.
Chủ nghĩa Marx cho rằng sự tích lũy tư bản đi kèm sự nghèo đói ngày càng tăng của tầng lớp bị bóc lột. Cuối cùng thì quá trình này nhất thiết sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng: quyền lực của nhà tư bản sẽ bị lật đổ và "kẻ chiếm đoạt sẽ bị tước đoạt".
Rõ ràng là cách suy diễn này hàm chứa trong đó ý tưởng của Marx rằng chủ nghĩa xã hội của ông sẽ "thay thế" chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn phát triển.
Tuy nhiên thực tế lịch sử cho thấy rằng không có một nước tư bản hoàn toàn phát triển nào tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có ở những nước có nền công nghiệp kém phát triển như Liên Xô, Trung Quốc,... một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mới diễn ra và chủ nghĩa xã hội của Marx thay thế hoàn toàn chủ nghĩa tư bản.